Mỹ phát hiện thêm 2 ca máu đông sau tiêm vaccine COVID-19 của Johnson&Johnson

Cơ quan chức năng Mỹ xác nhận thêm 2 trường hợp bị chứng máu đông cục sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson&Johnson.

Chú thích ảnh
CDC xác nhận hai ca huyết khối mới sau khi vừa dỡ bỏ khuyến nghị dừng tiêm vaccine J-J vào cuối tuần trước. Ảnh: AP

Theo CNN, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 27/4 xác nhận thêm 2 bệnh nhân bị tình trạng cục máu đông hiếm gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J), nâng tổng ca bị chứng huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) lên 17 trường hợp.

Người phát ngôn của CDC cho biết cơ quan này đã được thông báo về hai trường hợp mới vào cuối tuần trước. Trong đó, một trường hợp là một bệnh nhân nam, người còn lại là phụ nữ. Do các vấn đề riêng tư, CDC không tiết lộ thêm thông tin, ngoài việc cho biết cả hai người đều dưới 60 tuổi.

Tất cả các trường hợp bị cục máu đông sau tiêm vaccine J&J tại Mỹ trước đó đều xảy ra ở phụ nữ.

CDC và Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đều cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi các ca máu đông hiếm gặp này sau khi dỡ bỏ khuyến nghị tạm dừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của Johnson&Johnson. 

Hai tuần trước, CDC và FDA đã ra khuyến nghị ngừng sử dụng tiêm vaccine J&J sau khi ghi nhận hơn một chục ca bị chứng cục máu đông hiếm gặp, trong số 7,2 triệu người đã được tiêm vaccine này. 

Hôm 23/4, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của CDC đã khuyến nghị tiếp tục triển khai tiêm vaccine J&J, trong khi FDA bổ sung một thông báo đính kèm về cục máu đông với các liều vaccine được sử dụng.

ACIP cho biết họ tin rằng việc tạm dừng vaccine J&J nên được dỡ bỏ sau khi nhận thấy rằng lợi ích của việc tiêm vaccine này vượt trội so với rủi ro và việc hạn chế sử dụng vaccine cho các nhóm dân số cụ thể sẽ không đủ để ngăn ngừa ca nhập viện hoặc tử vong do COVID 19. 

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 do công ty dược Janssen, thuộc sở hữu của Johnson&Johnson sản xuất. Ảnh: DailyMail

Vaccine phòng COVID-19 của J&J kết hợp vật liệu di truyền từ virus mới với gien của virus adenovirus - nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường - để tạo ra phản ứng miễn dịch.

Đây là công nghệ tương tự mà công ty đã sử dụng để sản xuất vaccin Ebola cho người dân ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối năm 2019.

Vaccine của Johnson&Johnson được ca ngợi là nhân tố "thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến chống COVID-19 vì nó chỉ cần một liều duy nhất và không phải bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh như vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Do đó, báo cáo đầu tiên về 6 phụ nữ được tiêm vaccine J&J đã bị các cục máu đông ở tĩnh mạch não (CVST) đã gây choáng váng với giới chức và người dân Mỹ. CVST là một loại cục máu đông hiếm gặp, chặn các kênh dẫn lưu máu trong xoang của não, có thể gây xuất huyết. Hiện tượng này xảy ra ở khoảng 5 phần triệu người trong dân số nói chung.

Trong 6 trường hợp trên, CVST xảy ra kết hợp với lượng tiểu cầu trong máu thấp, còn được gọi là giảm tiểu cầu.

Vào thời điểm ACIP đề xuất nối lại tiêm vaccine J&J hôm 24/4, đã có 15 trường hợp mắc chứng CVST bị giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine này. 13 trường hợp xảy ra ở phụ nữ từ 18 đến 49 tuổi và hai trường hợp ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Không có trường hợp nào được báo cáo ở nam giới. Tất cả 15 bệnh nhân đều phải nhập viện, trong đó 12 người được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và 3 người đã tử vong.

Các trường hợp trên cũng làm dấy lên những lo ngại về vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca-Đại học Oxford phát triển và sản xuất, sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết có thể có mối liên hệ giữa vết chủng ngừa và hiện tượng cục máu đông hiếm gặp.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Lý giải nguyên nhân 1.500 người Anh bị ù tai sau tiêm vaccine COVID-19
Lý giải nguyên nhân 1.500 người Anh bị ù tai sau tiêm vaccine COVID-19

Máu đông không phải là tác dụng phụ duy nhất liên quan vaccine COVID-19. Ít nhất 1.500 người Anh cho biết gặp tác dụng phụ ù tai sau khi tiêm vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN