Nam Phi bắt đầu tiêm phòng vaccine của Johnson&Johnson

Ngày 17/2, Nam Phi bắt đầu chương trình tiêm phòng bệnh COVID-19 bằng vaccine của hãng Johnson&Johnson (Mỹ).

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Nam Phi đã ngừng chương trình tiêm chủng bằng vaccine của hãng AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) hợp tác bào chế do lo ngại vaccine này sẽ không phòng chống được biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Lô đầu tiên gồm 80.000 liều vaccine của  Johnson&Johnson đã tới Nam Phi vào chiều 16/2 và được phân phối tới 32 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc. Đây là một phần trong 9 triệu liều vaccine của Johnson&Johnson mà Nam Phi ký hợp đồng mua từ tập đoàn dược của Mỹ. Theo kế hoạch, 420.000 liều vaccine nữa sẽ được giao cho nước này trong 4 tuần nữa. 

Hồi đầu tháng này, Nam Phi đã ngừng chương trình tiêm chủng cho các nhân viên y tế sử dụng vaccine AstraZeneca được nhập từ Viện Serum của Ấn Độ, sau khi dữ liệu cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp và nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở nước này. Trong khi đó, vaccine của hãng Johnson&Johnson đã chứng minh có hiệu quả phòng ngừa là 57% đối với biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi. 

Đến nay, Nam Phi ghi nhận tổng cộng gần 1,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 48.000 ca tử vong. 

* Cùng ngày, Uzbekistan đã trở thành nước mới nhất phê chuẩn vaccine Sputnik V của Nga để tiêm chủng đại trà. 

Theo Ủy ban phòng chống dịch COVID-19 của nhà nước Uzbekistan, vaccine Sputnik V đã được "cấp chứng nhận và phê chuẩn để tiêm chủng đại trà ở Uzbekistan". Nước này đang triển khai các biện pháp để đảm bảo có được 1 triệu liều vaccine Sputnik V đầu tiên. 

Tại Uzbekistan, vaccine Sputnik V có thể đối mặt với sự cạnh tranh của vaccine do công ty Dược sinh học Zhifei Longcom An Huy (Trung Quốc) bào chế. Theo ủy ban trên, nước này đang lập kế hoạch trong năm nay bắt đầu sản xuất vaccine của Trung Quốc sau khi bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại thủ đô Tashkent vào tháng 12/2020. 

* Trong khi đó, Gaza ngày 17/2 đã tiếp nhận lô vaccine đầu tiên từ chính quyền Palestine ở khu Bờ Tây sau khi Israel cho phép vận chuyển qua biên giới với Gaza, vùng lãnh thổ do Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát.

Lô vaccine này do Chính quyền Palestine gửi từ khu Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm 2.000 liều vaccine Sputnik V của Nga, đủ để tiêm cho 1.000 người với mỗi người được tiêm 2 mũi.

Theo một quan chức về y tế ở Gaza, lô vaccine này sẽ được dùng để tiêm cho những bệnh nhân bị cấy ghép nội tạng và những người bị suy thận. Các nhân viên y tế không nằm trong diện tiêm chủng lần này do lượng vaccine vẫn còn thiếu.

Gaza - nơi sinh sống của 2 triệu người - đến nay đã ghi nhận trên 53.000 ca mắc COVID-19 và 538 ca tử vong.

Minh Châu (TTXVN)
Indonesia ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 
Indonesia ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đã ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cho phép khu vực tư nhân tham gia chương trình tiêm chủng nhằm nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN