Phát biểu họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Liên minh châu Phi diễn ra tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Macron khẳng định các binh sĩ Pháp sẽ rút quân đúng theo thông báo mà ông đưa ra 1 ngày trước đó. Tuy nhiên, lực lượng nước này sẽ rời đi theo cách có thể tiếp tục cung cấp sự bảo vệ cho Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) cũng như các lực lượng nước ngoài tại quốc gia châu Phi. Tổng thống Pháp nhấn mạnh sẽ không có chuyện "thỏa hiệp" trong vấn đề an ninh.
Trước đó cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, chính quyền quân sự Mali đã yêu cầu Pháp "không trì hoãn" việc rút quân, đồng thời đặt câu hỏi về kế hoạch rút quân của Paris trong thời gian vài tháng. Bên cạnh đó, Mali cũng yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu nhanh chóng rời khỏi nước này.
Hôm 16/2, Pháp cùng các đồng minh châu Âu thông báo sẽ bắt đầu rút quân khỏi Mali sau gần 10 năm tham chiến nhằm đẩy lùi các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại quốc gia Tây Phi này.
Tuyên bố chung từ Pháp và các đồng minh châu Phi, châu Âu nêu rõ nhiều trở ngại từ chính quyền quân sự ở Mali khiến các lực lượng nước ngoài không đủ điều kiện về chính trị, pháp lý và tác chiến để hoạt động. Quyết định trên có hiệu lực với cả lực lượng Barkhane của Pháp tại vùng Sahel và lực lượng Takuba của châu Âu, với sự tham gia của Pháp và các đồng minh. Theo đó, 2.400 binh lính Pháp đang tham chiến tại Mali và khoảng vài trăm quân thuộc lực lượng châu Âu triển khai đến Mali từ năm 2020 sẽ được rút dần. Các căn cứ quân sự Pháp tại Mali gồm Gossi, Menaka và Gao cũng sẽ đóng cửa. Tuyên bố nêu rõ các đồng minh sẽ phối hợp rút quân ra khỏi lãnh thổ Mali. Ưu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ là đảm bảo việc rút quân không dẫn đến hỗn loạn.
Pháp đã triển khai lực lượng đến Mali năm 2013 nhưng chưa đạt được mục tiêu đẩy lui hoàn toàn lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ nhánh phiến quân Hồi giáo từ Vịnh Guinea đang dần lớn mạnh và đe dọa khu vực. Do đó, dù rút quân khỏi Mali nhưng các đồng minh kêu gọi tiếp tục ủng hộ nỗ lực chống khủng bố và nhất trí tiếp tục kế hoạch hành động chung để đẩy lùi khủng bố tại khu vực Sahel, trong đó có Niger và vùng Vịnh Guinea. Các bên đã bắt đầu tham vấn chính trị và quân sự để xây dựng và thống nhất các điều khoản hợp tác trước tháng 6.
Việc các lực lượng của Pháp và những nước châu Âu khác rút khỏi Mali được cho là sẽ “tạo ra khoảng trống”, đẩy quân đội các nước Tây Phi vốn chưa thực sự vững mạnh lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Hiện có khoảng 25.000 binh lính nước ngoài được triển khai tới vùng Sahel ở Tây Phi, trong đó có 4.300 binh lính Pháp và sẽ giảm xuống còn 2.500 người vào năm 2023 theo kế hoạch giảm quân số công bố năm 2021. Thời kỳ đỉnh điểm, Pháp triển khai 5.400 quân tới khu vực.