Đằng sau động thái Nga rút quân khỏi khu vực biên giới gần Ukraine

Giữa lúc phương Tây cảnh báo rằng Nga có thể sắp tấn công Ukraine thì Nga lại thông báo rút một số binh sĩ khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine. Động thái này đã gây "bão" trên truyền thông thế giới.

Theo đài RT, ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một số lực lượng mà nước này triển khai gần biên giới Ukraine đã bắt đầu rút về các căn cứ. Câu hỏi đặt ra là động thái rút lui này có phải là dấu hiệu cho thấy căng thẳng nhiều tháng qua giữa Nga và phương Tây đang giảm hay không.

Đồn đoán của phương Tây

Thông tin Mỹ cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine lần đầu tiên lan truyền vào tháng 1/2021. Bất chấp Nga liên tục bác bỏ, nhưng lo ngại về một cuộc “xâm lược” (như cách gọi của phương Tây) Ukraine tiếp tục nóng lên và gây sốt trong những ngày gần đây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh: AFP/TTXVN

Một phần là do phía Mỹ cung cấp nhỏ giọt thông tin tình báo, một phần là do Anh cáo buộc Nga có kế hoạch hành động quân sự và thay đổi chế độ ở Ukraine, cũng dựa trên thông tin tình báo.

Các nhà phân tích cũng dẫn báo cáo về việc Nga điều trên 100.000 binh sĩ tới gần biên giới với Ukraine và việc triển khai thêm quân đến nước láng giềng Belarus để tham gia các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Hai động thái này khiến một số quan chức phương Tây cảnh báo có thể là để chuẩn bị cho cuộc tấn công từ hai mũi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông sẽ không điều lực lượng Mỹ đến để chống Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đe dọa trừng phạt kinh tế khốc liệt đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine. 

Gần đây nhất, vào cuối tuần trước, Anh tuyên bố rằng họ đã biết về kế hoạch Nga sử dụng cơ quan an ninh để thực hiện các cuộc đảo chính ở các thành phố lớn của Ukraine sau khi xảy ra xung đột toàn diện. Còn ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, nói với CNN rằng Nga có thể thực hiện hành động quân sự lớn bất kỳ ngày nào từ bây giờ.

Chính phủ Ukraine đã nhận được hàng trăm triệu USD viện trợ và hỗ trợ quân sự từ phương Tây trong thời gian này, nhưng nền kinh tế đã bị ảnh hưởng trước dự báo về cuộc xung đột. 

Trong suốt thời gian bế tắc về vấn đề Ukraine, Moskva vẫn khẳng định họ không bao giờ có kế hoạch tấn công Ukraine và Nga có quyền di chuyển binh sĩ trong lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp. Các quan chức Nga đã chỉ trích các báo cáo tình báo phương Tây và phản ứng của phương tiện truyền thông là hỗn loạn và sai lệch.

Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ lo ngại về cấu trúc an ninh quy mô lớn của châu Âu, và cảnh báo thực hiện các biện pháp quân sự-kỹ thuật nếu các yêu cầu của Nga không được đáp ứng.

Vào tháng 12/2021, Nga đã gửi một danh sách đề xuất tới Mỹ và NATO, yêu cầu đảm bảo bằng văn bản rằng NATO sẽ không mở rộng sang Ukraine hoặc Gruzia. Các quan chức của hai bên đã gặp nhau trong một loạt cuộc đàm phán vào tháng 1 và đầu tháng này. Mỹ đã đưa ra phản ứng chính thức với Nga, bác bỏ yêu cầu về việc mở rộng NATO nhưng đề xuất các biện pháp giảm leo thang ở châu Âu.

Nga giải thích động thái rút quân

Ngày 15/2, ônh Igor Konashenkov, người phát ngôn chính của Bộ Quốc phòng Nga, đã công bố một đoạn video thông báo một số binh lính và thiết bị của Nga tham gia cuộc tập trận chung ở Belarus gần biên giới Ukraine sẽ rút về căn cứ ở Nga. 

Ông Konashenkov nói: “Các sư đoàn của Quân khu miền Nam và miền Tây đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Video binh sĩ, vũ khí Nga tại Belarus rút một phần về nước (nguồn: RT):

Các cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 20/2 và các lực lượng Nga vẫn ở gần Ukraine, nhưng thông báo trên là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nga giảm hiện diện quân sự đáng kể kể từ khi có thông tin đồn đoán về cuộc xâm lược vào năm ngoái.

Động thái này đã được các đại diện của Ukraine và NATO ủng hộ. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba nói với các nhà báo: “Ngoại giao đang tiếp tục phát huy tác dụng”. Tuy nhiên, ông Kuleba nhấn mạnh rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và Ukraine vẫn đang chờ Nga rút lực lượng còn lại.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhận xét tổ chức này lạc quan thận trọng về các tín hiệu từ Nga, nhưng cho biết ông chưa nhận thấy dấu hiệu thực sự của việc giảm leo thang xung quanh Ukraine.

Trong khi đó, các quan chức Nga coi tuyên bố rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sai lầm khi đồn đoán về cuộc tấn công quân sự. Trong một tuyên bố ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: “Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là ngày tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại”. Bà nói thêm rằng phương Tây đã bị làm cho xấu hổ và bị tiêu diệt mà không cần bắn một phát súng nào.

Ngoại trưởng Lavrov cũng phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày, nói rằng việc rút quân của Nga chỉ đơn giản là tiến hành theo đúng lịch trình. Ông nói: “Điều này diễn ra hoàn toàn độc lập với những điều mà mọi người đang nghĩ. Nhưng mọi người lại cứ ồn ào về động thái đó”.

Theo CNN, khi Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko gặp nhau trong tuần này, dư luận có thể biết khi nào tập trận ở Belarus chấm dứt và khi nào các binh sĩ Nga ở đó sẽ về nước.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Joe Biden nói Mỹ, NATO không có kế hoạch đặt tên lửa tại Ukraine
Tổng thống Joe Biden nói Mỹ, NATO không có kế hoạch đặt tên lửa tại Ukraine

Mỹ không bố trí tên lửa trên lãnh thổ Ukraine và không có kế hoạch triển khai vũ khí này trong thời gian tới – Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN