Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/2, ông Biden cho biết Mỹ và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có tên lửa đặt tại Ukraine và không có kế hoạch triển khai vũ khí này trên lãnh thổ Ukraine. “Chúng tôi không nhằm vào người dân Nga. Chúng tôi không tìm cách gây bất ổn tại Nga”, Tổng thống Mỹ nói.
Ông Biden cũng khẳng định Mỹ không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine trong trường hợp nổ ra xung đột tại đây. Nhưng Washington sẽ tiếp tục tuân thủ và theo đuổi nguyên tắc phòng vệ tập thể của NATO, bất kỳ một cuộc tấn công nào nhằm vào một nước thành viên NATO cũng là tấn công vào cả khối.
Tổng thống Mỹ nhắc lại việc Lầu Năm góc đã gửi lực lượng tăng cường tới các nước thành viên NATO ở sườn phía Đông. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trận với đồng minh và đối tác để năng cao khả năng sẵn sàng phòng vệ. Và nếu như Nga mở cuộc tấn công [vào Ukraine], chúng tôi sẽ có các bước đi tiếp theo nhằm tăng cường hiện diện tại NATO, trấn an đồng minh, răn đe một cuộc xâm lấn khác”, ông Biden nói.
Theo Tổng thống Mỹ, hiện vẫn còn nhiều “không gian ngoại giao” giúp xử lý khủng hoảng Ukraine và các bên cần tạo mọi điều kiện để ngoại giao có cơ hội thành công. Mỹ sẽ theo đuổi giải pháp ngoại giao khi thấy xuất hiện cơ hội giúp ngăn chặn việc sử dụng vũ lực.
Trước đó, phía Nga có động thái giúp xoa dịu phần nào căng thẳng leo thang ở Ukraine. Truyền thông Nga ngày 15/2 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết một số đơn vị quân đội đã rút về căn cứ sau khi kết thúc tập trận gần biên giới Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ngày tại Moskva, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga không muốn có một cuộc chiến tranh tại châu Âu.