Vụ điệp viên Skripal: 'Chiến tranh Lạnh' đang nóng

Cuối cùng Nga đã chính thức có biện pháp đáp trả “sòng phẳng 1-1” sau khi Mỹ và phương Tây ồ ạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga liên quan vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh.

120 nhà ngoại giao, 60 của Nga và 60 của Mỹ, bị nước này trục xuất khỏi nước kia, cùng việc đóng cửa cơ quan lãnh sự của nhau khiến “vòng luẩn quẩn” đe-dọa-trừng phạt-đáp trả Mỹ - Nga ngày càng khốc liệt. Mức độ leo thang căng thẳng trong quan hệ Nga và Mỹ nói riêng, Nga và phương Tây nói chung hiện nay càng làm hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh lún sâu vào trạng thái “đối đầu trường kỳ”.

Vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái bị ở thành phố Salisbury của Anh hôm 4/3 vừa qua đang trở thành “từ khóa” mới cho “cuộc chiến” trục xuất ngoại giao vốn là câu chuyện rất cũ giữa Nga và phương Tây.

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc trên mà không đưa ra bằng chứng nào, song lại được Mỹ, Canada, Australia cùng 23 nước châu Âu, cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng loạt hưởng ứng bằng cuộc trục xuất tập thể các nhà ngoại giao Nga, đã bị Moskva coi là hành động thù địch có chủ ý nhằm vào nhân dân Nga, là âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga.

Đến nay, sau “hành động tập thể”chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moskva này, hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 nước, trong đó có 60 nhà ngoại giao làm việc tại Mỹ, đã bị trục xuất về nước.

Trên thực tế thì hành động đáp trả theo nguyên tắc “ăn miếng trả miếng” của Nga lần này cũng đã được dự báo trước và không gây bất ngờ. Lâu nay, các biện pháp đáp trả chính thức của Nga đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây luôn như một tấm gương phản chiếu “có đi có lại”.

Trước Mỹ, Nga cũng đã ngay lập tức trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đóng cửa tổng lãnh sự quán Anh tại thành phố Saint Petersburg, cũng như chấm dứt hoạt động của Hội đồng Anh tại Nga - những biện pháp tương ứng với việc London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh.

Năm ngoái, Nga từng áp dụng một loạt biện pháp, từ yêu cầu giảm mạnh số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga đến tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng một số cơ sở… , sau khi Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao và đóng cửa nhiều trụ sở ngoại giao của Nga từ cuối năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc các nước tham gia trục xuất nhà ngoại giao Nga lần này chắc chắn sẽ nhận lại phản ứng "cứng rắn, nhanh chóng và tương xứng" của Moskva.

Thậm chí, Nga cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả bổ sung nếu Mỹ tiếp tục các hành động đối địch, còn Washington cũng dọa sẽ không bỏ qua vụ Moskva trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, trong khi lãnh đạo Đức và Anh thì thỏa thuận cùng nhau đối phó với cái gọi là "sự xâm lăng gia tăng từ Nga".

Thái độ đối đầu không khoan nhượng trên cả lời nói lẫn hành động giữa Nga với Mỹ và phương Tây trong vụ việc này cũng khiến hy vọng cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay sớm tìm được lối thoát trở nên mờ mịt, trái lại đang có nguy cơ lan sang các lĩnh vực khác.

Ngoài những tuyên bố kiểu “tẩy chay” Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới Word Cup 2018 tổ chức tại Nga mùa Hè này, Mỹ cũng để ngỏ khả năng tịch thu tài sản của Nga ở Mỹ. London cũng đang có bước đi tương tự, đồng thời nỗ lực thuyết phục các đồng minh loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT)…

Vòng xoáy đối đầu gay gắt giữa Nga và phương Tây đang khiến dư luận lo ngại về nguy cơ tái diễn thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres lo ngại rằng “chúng ta đang ở trong tình huống tương tự như thời Chiến tranh Lạnh mà chúng ta đã từng trải qua, nhưng ở chừng mực lớn hơn".

Thậm chí, chuyên gia Aleksey Fenenko (nhà khoa học cao cấp Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, không loại trừ khả năng cuộc đối đầu này sẽ đưa thế giới đến một hình thức nào đấy "không phải Chiến tranh Lạnh mà là Chiến tranh Nóng”, xuất phát từ tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây, các bên nhất trí thiết lập một số quy tắc thận trọng trong cách hành xử với nhau, như không có chiến tranh trực tiếp, không sử dụng vũ khí hạt nhân..., đặc biệt là không xuất hiện những điểm nóng có nguy cơ khơi mào chiến tranh.

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay đang tồn tại nhiều điểm nóng như Trung Đông, Syria, Ukraine… nơi quân đội Nga và phương Tây lúc nào cũng có thể rơi vào thế đối đầu. Điều hết sức nguy hiểm là căng thẳng tiếp tục leo thang trong khi thế giới lại không có "luật chơi" tương tự một dạng "cơ chế an toàn" như thời Chiến tranh Lạnh, nên không loại trừ khả năng xảy ra đụng độ cục bộ tại một điểm nóng nào đó. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ cũng bày tỏ "rất quan ngại" về việc thiếu những cơ chế giúp tháo ngòi nổ căng thẳng giữa Washington và Moskva.


Có thể nói cuộc “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới đang nóng lên từng ngày này đã tạo bước thụt lùi đáng kể trong nỗ lực tạo dựng lòng tin giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, những tín hiệu phát đi từ cả bên cũng đang hé lộ khả năng cuộc khủng hoảng hiện nay không hẳn đã dẫn tới cuộc đấu “một mất một còn”.

Mỹ kêu gọi thiết lập một cơ chế chung để điều tra các vụ việc như trường hợp cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, Đức tuyên bố Nga có quyền thay thế 4 nhà ngoại giao bị Berlin trục xuất, đồng thời khẳng định Berlin vẫn muốn duy trì đối thoại với Moskva và tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh khác xảy ra. Về phần Nga, trong mọi thông điệp cứng rắn nhất, cũng đều để ngỏ đề nghị phối hợp.

Dù mối quan hệ song phương Nga - Mỹ, Nga - phương Tây đã suy giảm tới một mức độ nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh, khi sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước Nga đang được xem là "lời thách thức" trật tự thế giới đơn cực  mà Mỹ và phương Tây cổ xúy, song có vẻ cả hai bên cùng hiểu rằng thế đối đầu bất tận không lối thoát hiện nay sẽ chẳng mang lại lợi ích cho bên nào, thậm chí gây nguy hại cho sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Thiếu đi sự hợp tác giữa các cường quốc hàng đầu thế giới, việc đối phó với những mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, Hồi giáo cực đoan, tấn công mạng, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang... khó có thể đạt kết quả. Chưa kể một thực tế rằng hàng loạt “hồ sơ" quốc tế nóng bỏng nhất trong quan hệ quốc tế, từ Syria, Iran, Ukraine, Triều Tiên… đang cần bàn tay phối hợp của Nga, Mỹ và phương Tây.

Bất đồng trong cách tiếp cận hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng, hệ thống chính quyền khác nhau, bảo vệ những giá trị khác nhau, lợi ích thậm chí có thể mâu thuẫn, song cả hai bên cũng đang phải đương đầu với những thách thức chung, cùng những mối ràng buộc về chính trị, an ninh, kinh tế… khó tách rời.

Cải thiện mối quan hệ giữa Nga - Mỹ và Nga - phương Tây hiện nay là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nhưng hết sức cần thiết. Đối thoại vẫn là giải pháp hữu hiệu để tháo ngòi căng thẳng, thu hẹp bất đồng nhằm đưa quan hệ hai bên xa khỏi vòng xoáy đối đầu nguy hiểm.

Dương Trí (Phóng viên TTXVN tại LB Nga )
Đang sống lưu vong, hai anh em cựu Thủ tướng Thaksin cùng dự tiệc ở Tokyo
Đang sống lưu vong, hai anh em cựu Thủ tướng Thaksin cùng dự tiệc ở Tokyo

Cựu Thủ tướng Thái Lan đang lưu vong Thaksin Shinawatra và em gái, bà Yingluck Shinawatra, đã xuất hiện trong một bữa tiệc tổ chức tại khách sạn ở Tokyo hôm 29/3. Chủ nhân bữa tiệc là một cựu Bộ trưởng Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN