Vì sao Nhật Bản đột ngột muốn đàm phán cấp cao với Triều Tiên?

Sau nhiều năm thực hiện chính sách cô lập ngoại giao, bỗng chốc mọi nước đều muốn đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Lãnh đạo 3 nước (từ trái qua phải): Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Getty

Mới nhất, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đang tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong bối cảnh một số quan chức Nhật Bản bày tỏ lo ngại quốc gia này sẽ bị “bỏ rơi” trên diễn đàn quốc tế khi mà tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang thay đổi một cách chóng mặt.

Trước đó, vào ngày 26/3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo kế hoạch vào tháng sau, ông Kim Jong-un cũng sẽ ngồi vào bàn đối thoại với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trong khi đó, các kế hoạch chuẩn bị cũng đang được tiến hành cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 tới.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố trong ngày 29/3: “Nhật Bản và Triều Tiên đang tiến hành đàm phán thông qua nhiều cơ hội, và qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có Đại sứ quán ở Bắc Kinh”. Một số bài viết trên phương tiện truyền thông Nhật Bản nhận định nỗi lo của Tokyo đang ngày một lớn dần về việc bị “bỏ rơi” trong nhóm các quốc gia liên quan đến giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Kể từ khi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có phần dịu xuống, nhất là sau Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Hàn Quốc.

Bình luận về động thái của Triều Tiên tại Olympics, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dường như lúc đó vẫn thể hiện quan điểm đồng nhất với Mỹ, nhấn mạnh “đối thoại là một điều vô nghĩa”.

Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tuần, Tổng thống Trump đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi nhận được lời mời thông qua đặc phái viên Hàn Quốc. Quyết định của Tổng thống Trump khiến Nhật Bản ở vào thế khó.

“Nhật Bản hoàn toàn bị ông Trump làm cho bất ngờ. Cho đến lúc đó, Thủ tướng Abe vẫn nghĩ họ ngồi chung thuyền”, Jeff Kingston – Trưởng khoa nghiên cứu các vấn đề châu Á thuộc trường Đại học Tokyo's Temple giải thích.

Trước khi một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được đề xuất, chính quyền của Thủ tướng Abe luôn thể hiện là một trong những tiếng nói cứng rắn nhất trong khu vực, gây sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt là sau khi nước này phóng hai quả tên lửa bay qua đảo Hokkaido (Nhật Bản).

Trong một bài viết trên báo nhà nước Triều Tiên Rodong Sinmun xuất bản tuần trước, tác giả chỉ trích quan điểm của Tokyo, cho rằng Nhật Bản đang khiến “tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trầm trọng thêm” và cảnh báo “các hành động nông cạn” sẽ khiến Nhật Bản tự hại chính mình.

Báo Nhật Asahi Shimbun trích lời Nobuhiro Miura – một nhà lập pháp thuộc liên minh cầm quyền – nhấn mạnh: “Dư luận Nhật Bản lo lắng rằng Nhật Bản có thể trở thành quốc gia duy nhất bị ‘bỏ lại’ trong khi tình hình Đông Bắc Á thay đổi một cách đáng kể”.

Trích nguồn tin Chính phủ Nhật Bản, hãng thông tấn Reuters của Anh cho biết Nhật Bản đang mong muốn tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên để thảo luận vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc cách đây hàng thập kỷ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Sau Trung Quốc, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm nước nào?
Sau Trung Quốc, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm nước nào?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang cân nhắc về việc công du Nga và sự kiện này có thể diễn ra trong thời gian gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN