Chiến tranh, xung đột luôn là một thảm kịch và những gì diễn ra ở Ukraine từ ngày 24/2/2022 tới nay không là ngoại lệ. Khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, giá lương thực và năng lượng toàn cầu tiếp tục leo thang. Nguyên nhân, theo Viện Kinh tế Đức Cologne, là do cuộc xung đột đã dẫn đến sự gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày 22/2, kênh truyền hình N-TV dẫn nghiên cứu của viện này cho biết xung đột Nga - Ukraine đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 1.600 tỷ USD.
Không chỉ có vậy, vì giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao, người dân trên thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ chưa từng thấy, không ít người rơi vào cảnh khó khăn, bần hàn.
Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu (GCRG) của Tổng thư ký Liên hợp quốc về các hệ thống lương thực, năng lượng và tài chính ước tính có khoảng 1,6 tỷ người ở 94 quốc gia phải đối mặt với ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Khoảng 1,2 tỷ người trong số họ sống ở các quốc gia dễ bị tổn thương nghiêm trọng bởi cả ba khía cạnh: lương thực, năng lượng và tài chính.
Bên cạnh đó có thể thấy xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy sự hỗn loạn của thế giới đa cực, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu, đồng thời thúc đẩy xu hướng hình thành các khối lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm. Hãng tin AFP của Pháp ngày 14/2 dẫn lời Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng thế giới đã chuyển sang trạng thái đa cực hỗn loạn và đối đầu, nơi mọi thứ đều là vũ khí, từ năng lượng, dữ liệu tới cơ sở hạ tầng và di cư.
Hiện nay, các khu vực như Trung Á, Kavkaz, Balkan, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành nơi diễn ra cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - cho dù thông qua tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng hay các thỏa thuận nổi bật về hợp tác thương mại, quân sự cũng như ngoại giao.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine còn làm rung chuyển mọi thứ, dẫn đến sự suy yếu về ảnh hưởng của Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và mở ra một vai trò trung gian hòa giải mới cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Pierre Razoux, người đứng đầu tổ chức tư vấn FMES có trụ sở tại Pháp nói với AFP rằng: “một điều không thể tránh khỏi là xung đột sẽ khiến Nga và châu Âu suy yếu, trong khi hai bên được lợi lớn từ tình huống này sẽ là Mỹ và Trung Quốc”.
Quả thực, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã dẫn tới những biện pháp trừng phạt khiến Nga thiệt hại nặng nề cả về kinh tế. Hãng AFP ngày 12/2 cho biết, các lệnh trừng phạt đã khiến một lượng lớn tài sản nhà nước, dự trữ ngoại hối và tài sản của giới tài phiệt, lãnh đạo Nga trị giá 350 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài.
Và để “nuôi” cuộc chiến ở Ukraine, theo tờ The Conversation ngày 21/2, mỗi ngày Nga có thể đang phải chi hơn 300 triệu USD. Trên phương diện an ninh, xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn gia nhập NATO, đồng thời khiến một số quốc gia châu Âu từ bỏ chính sách trung lập theo đuổi lâu nay. Đây đều là những vấn đề Nga không mong muốn.
Với châu Âu, xung đột Nga - Ukraine đã và đang thử thách sự đoàn kết của “lục địa già” trong việc hỗ trợ Ukraine, nhất là tài chính và vũ khí cũng như những chính sách liên quan đến quốc phòng và biện pháp trừng phạt Nga. Sự chia rẽ thể hiện rõ qua việc một số nước không muốn trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu khí của Moskva do nỗi lo thiếu năng lượng, giá dầu và lạm phát leo thang.
Dù Nga đang kìm hãm sự chuyển dịch của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận xung đột ở Ukraine giúp Mỹ đắc lợi. Ngoài vị thế “ô an ninh” nổi bật, tờ Politico ngày 24/11/2022 cho biết hơn 9 tháng từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát, các quan chức hàng đầu của EU đang phẫn nộ với chính quyền Mỹ và cáo buộc Washington hưởng lợi từ chiến sự trong khi các nước EU chịu thiệt hại. EU muốn giảm phụ thuộc năng lượng của Nga, chuyển sang mua khí đốt của Mỹ nhưng mức giá phải trả lại cao hơn gần 4 lần giá bán tại Mỹ. Ngoài ra, việc viện trợ quân sự cho Ukraine khiến kho vũ khí của quân đội các nước châu Âu suy giảm và có thể phải mua vũ khí của Mỹ.
Đối với Trung Quốc, theo nền tảng thông tin Grid ngày 20/2, nước này được hưởng lợi từ việc mua dầu của Nga với giá chiết khấu, trong khi Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng điện tử và hàng tiêu dùng. Về mặt chiến lược, Trung Quốc chắc chắn được hưởng lợi khi Mỹ bị chi phối ở châu Âu. Bởi nếu không có cuộc xung đột này, Mỹ có thể sẽ dành thời gian và nguồn lực trong năm 2022 để tập trung vào việc kiềm chế các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Với thế giới, ở một góc độ tích cực, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đối với các nguồn năng lượng đã đẩy mạnh nỗ lực toàn cầu trong năm 2022 nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái sinh được xem là ít tổn thương hơn trước những cú sốc địa chính trị có thể xảy đến trong tương lai.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới đưa ra hồi tháng 10/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lần đầu tiên dự đoán rằng nhu cầu trên toàn thế giới đối với mọi loại nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh trong tương lai gần. Nguyên nhân, theo IEA, là do cuộc khủng hoảng năng lượng từ xung đột ở Ukraine Nga có thể sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang các công nghệ sạch hơn như gió, mặt trời và xe điện....