Trong một bài viết đăng trên Bloomberg ngày 10/5/2022, nhà phân tích Hal Brands nói về định nghĩa chiến tranh uỷ nhiệm. Đó là một công cụ có từ lâu, được dùng để cạnh tranh giữa các cường quốc, để bên này làm đổ máu bên kia mà không cần đụng độ vũ trang trực tiếp. Chìa khóa của chiến lược chiến tranh ủy nhiệm là tìm một đối tác địa phương, một bên được ủy quyền sẵn sàng chiến đấu và rồi sau đó gửi nhiều vũ khí, tiền bạc và thông tin tình báo cần thiết để giáng những đòn chí mạng vào đối thủ. Đây lại chính là điều mà Mỹ và các đồng minh đang làm với Nga ngày nay, thông qua Ukraine. Theo Brands, Nga là mục tiêu của một trong những cuộc chiến tranh ủy nhiệm khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại.
Các yếu tố của chiến tranh ủy nhiệm
Xét định nghĩa trên, có thể thấy một số yếu tố của cuộc chiến ủy nhiệm qua các hành động của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong suốt một năm diễn ra xung đột Nga – Ukraine.
Thứ nhất, Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung đã ồ ạt cung cấp các loại vũ khí cho Ukraine, ví dụ như xe bọc thép Stryker, xe chiến đấu bộ binh Bradley, hệ thống tên lửa Patriot, NASAMS (Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia), hệ thống phòng không Starstreak, hệ thống phòng không IRIS-T, hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao M142 (HIMARS), lựu pháo M777, vũ khí chống tăng NLAW, máy bay không người lái…
Trong quá trình viện trợ vũ khí, ban đầu Mỹ và các nước chỉ gửi các loại vũ khí có từ thời Liên Xô, theo tiêu chuẩn khối Hiệp ước Warsaw hơn là vũ khí tiêu chuẩn NATO. Ukraine đã sử dụng xe tăng T-72 và kể từ tháng 2/2022 đã nhận được hơn 200 chiếc T-72 từ Ba Lan, Cộng hòa Séc và một số quốc gia khác. Sau đó, khi tình hình chiến sự thay đổi, phương Tây bắt đầu đáp ứng gần như mọi đề nghị viện trợ vũ khí của Ukraine, từ vũ khí tầm ngắn tới tầm xa, từ vũ khí hạng nhẹ tới hạng nặng. Điển hình là Đức, quốc gia đi từ chỗ chỉ gửi mũ sắt cho Ukraine tới chỗ gửi xe tăng hạng nặng Leopard 2.
Theo Đài BBC, mới đây nhất, Đức và Mỹ đã quyết định gửi xe tăng tới Ukraine. Chính phủ Đức cho biết họ sẽ gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine, trong khi Mỹ đang lên kế hoạch chuyển giao 31 chiếc Abrams trong những tháng tới. Đức cũng đã cho phép một số quốc gia châu Âu khác muốn gửi xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine. Trước đó, Anh đã cam kết viện trợ 14 xe tăng. Tính tới nay, hơn 30 quốc gia đã cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2/2022. Còn sau xe tăng, có thể trong tương lai, Ukraine sẽ nhận được cả chiến đấu cơ từ phương Tây.
Thứ hai, không chỉ gửi vũ khí, phương Tây còn tích cực huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành, bảo trì các loại vũ khí hiện đại này. Mới đây nhất, ngày 17/2, Lầu Năm Góc thông báo nhóm binh sĩ Ukraine đầu tiên đã hoàn thành khóa huấn luyện vũ khí phối hợp cấp tiểu đoàn tại khu vực huấn luyện Grafenwoehr của Quân đội Mỹ ở Đức.
Thứ ba, trong một năm qua, các chính phủ phương Tây đã chuyển thông tin tình báo để Ukraine sử dụng nhằm phá các cuộc tấn công của Nga. Thậm chí có thông tin còn cho rằng Mỹ cung cấp thông tin tình báo để Ukraine sát hại các tướng lĩnh Nga, mặc dù Mỹ phủ nhận điều này nhưng cũng đã xác nhận rằng họ đang cung cấp cho Ukraine nhiều loại thông tin để họ quyết định cách sử dụng.
Thứ tư, phương Tây đổ nhiều tiền bạc vào Ukraine. Theo số liệu mới nhất do Viện Kiel về kinh tế thế giới (Đức) công bố hôm 21/2, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ đến ngày 15/1, Mỹ tổng cộng chi gần 78 tỉ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine. Con số này của Liên minh châu Âu (EU) là 58,56 tỉ USD.
Lý lẽ của các bên
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ là xung đột giữa Nga và Ukraine mà là cuộc chiến ủy nhiệm mà trong đó, NATO - liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới - đang sử dụng Ukraine như một công cụ tấn công chống lại nhà nước Nga. Nga có cái lý để tin vào điều đó, trước tiên là vì NATO và Ukraine đã lợi dụng Thoả thuận Minsk về việc ngừng bắn ở Donbass để chuẩn bị cho chiến tranh tương lai.
Trong bài phỏng vấn mà tuần san Die Zeit (Đức) đăng tải hôm 7/12/2022 và được rất nhiều cơ quan truyền thông báo chí lớn của thế giới dẫn lại, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã miêu tả các Thoả thuận Minsk như một nỗ lực giúp Ukraine có thêm thời gian. Đài RT của Nga ngày 7/12/2022 cho biết khi trả lời phỏng vấn tuần san Die Zeit, bà Merkel nói: “(Ukraine) đã tận dụng thời gian này để trở nên mạnh mẽ hơn, như bạn có thể thấy ngày hôm nay”. Theo bà Merkel, Ukraine của giai đoạn 2014 - 2015 không phải là Ukraine của ngày hôm nay. Trong trận chiến tranh giành thành phố Debaltsevo ở Donetsk vào đầu năm 2015, Nga đã dễ dàng đánh bại Ukraine. Tuy nhiên, thất bại tại Debaltsevo đã dẫn đến việc ký kết Thỏa thuận Minsk thứ hai vào tháng 2/2015. Nhờ vậy, cuộc xung đột bị đóng băng và dù vấn đề vẫn chưa được giải quyết, nhưng Thỏa thuận Minsk “đã mang lại cho Ukraine thời gian quý báu”, bà Merkel nhấn mạnh.
Trước đó vào tháng 6/2022, cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (cầm quyền từ năm 2014 đến năm 2019) cũng trả lời phỏng vấn một số hãng tin, trong đó có Đài DW của Đức, thừa nhận rằng Thoả thuận Minsk năm 2015 mà ông đã đàm phán với Nga, Pháp và Đức trong tư cách là Tổng thống Ukraine, chỉ là một sự đánh lạc hướng nhằm câu giờ để Kiev xây dựng lại quân đội. “Mục tiêu của chúng tôi trước tiên là ngăn chặn mối đe dọa, hoặc ít nhất là trì hoãn chiến tranh – đảm bảo có 8 năm để khôi phục tăng trưởng kinh tế và xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh”, ông Poroshenko cho biết.
Còn trong cuộc xung đột hiện nay, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định việc phương Tây cung cấp các vũ khí tối tân cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến mà chỉ khiến xung đột leo thang hơn nữa. Ông nói: “Họ đang sử dụng đất nước Ukraine làm công cụ để đạt được các mục tiêu chống Nga”.
Một lý do nữa khiến Nga tin rằng NATO đang thực hiện chiến tranh ủy nhiệm chống Nga. Đó là NATO coi chiến thắng của Nga trong xung đột ở Ukraine là thất bại của chính mình. Trong một cuộc họp báo vào ngày 11/10/2022 trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, tuyên bố: “Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Ukraine thắng trận. Bởi vì nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin chiến thắng, đó không chỉ là một thất bại lớn đối với người Ukraine, mà còn là một thất bại và nguy hiểm cho tất cả chúng ta”. Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ông Stoltenberg còn nhấn mạnh NATO phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine.
Ngay hôm sau, Điện Kremlin lên tiếng cho rằng bình luận của ông Stoltenberg có thể được coi là sự xác nhận về việc NATO đang chiến đấu bên phía Ukraine trong cuộc xung đột giữa Kiev và Moskva. Sau đó, khi trả lời phỏng vấn tờ Newweek qua điện thoại vào ngày 14/2/2023, Phó đại diện thường trực của phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cũng cho rằng “NATO đã can dự bán trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine vì họ cung cấp cho Ukraine không chỉ vũ khí mà còn cả thông tin tình báo nữa…”
Những cáo buộc về chiến tranh ủy nhiệm chống Nga ở Ukraine không chỉ đến từ phía Nga, mà còn cả ở quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo Tân Hoa xã, vào ngày 16/1, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic đã nói với các phóng viên nước này rằng Mỹ và NATO đang tiến hành vào một cuộc chiến ủy nhiệm chống Nga thông qua Ukraine. Giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị tại Viện Szazadveg của Hungary, ông Zoltan Kiszelly cũng nói với Tân Hoa xã trong một cuộc phỏng vấn phát ngày 20/2 rằng xung đột Nga – Ukraine là một "cuộc chiến ủy nhiệm" mà Mỹ đã áp đặt lên châu Âu. Theo ông Kiszelly, trong cuộc chiến uỷ nhiệm này, Mỹ là "nhà hỗ trợ chính cho Ukraine về vũ khí và tiền bạc", Mỹ cũng gây áp lực buộc người châu Âu phải ủng hộ Ukraine.
Về những cáo buộc của Nga liên quan chiến tranh ủy nhiệm, trong một phát biểu đưa ra ngày 4/8/2022 được đài RT của Nga trích dẫn, Tổng thứ ký NATO Stoltenberg tuyên bố NATO không là một bên tham chiến trong cuộc xung đột ở Ukraine và sẽ không điều động binh sĩ tới Ukraine; liên minh này không có nghĩa vụ can thiệp vào cuộc xung đột do Ukraine không phải là một quốc gia thành viên. Ông Stoltenberg cho biết một trong những mục tiêu chính của NATO trong cuộc xung đột ở Ukraine là ngăn chặn “cuộc chiến tranh toàn diện” với Nga.
Trong cuộc họp báo ngày 2/5/2022, Thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó là bà Jen Psaki thẳng thắn tuyên bố: “Đây không phải là cuộc chiến ủy nhiệm. Đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. NATO không tham gia, Mỹ không tham gia cuộc chiến này”. Theo bà Psaki, ý tưởng về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chỉ là chủ đề bàn luận của phía Nga. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định cáo buộc chiến tranh ủy nhiệm là không đúng.
Trong một bài viết tháng 5/2022, tờ Washington Post trích lời Giáo sư Norman Naimark tại Đại học Stanford: “Tôi nghĩ đó không phải là cuộc chiến ủy nhiệm. Đầu tiên, cuộc chiến ủy nhiệm thường là có hai lực lượng ủy nhiệm chiến đấu với nhau. Đây là hai bên mà hai cường quốc không muốn chiến đấu trực tiếp với nhau và sử dụng hai bên này để chống nhau. Tôi thấy trường hợp của Ukraine không phù hợp. Đây là cuộc chiến mà Nga ở một bên, Ukraine ở phía bên kia”. Ông Naimark cho rằng phương Tây chỉ đang làm những gì có thể để biến nó thành một cuộc chiến công bằng.
Có thể nói dù có là chiến tranh ủy nhiệm hay không thì xung đột Ukraine cũng không chỉ liên quan và ảnh hưởng tới mỗi Ukraine và Nga.