Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào ngày 24/2/2022, EU đã thông qua hai gói trừng phạt Nga trên diện rộng. Gói thứ ba được thực hiện sau đó một tuần với việc loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đây là điều không thể tưởng tượng được trước xung đột, nhưng tất cả chưa dừng lại. Những tháng ngày sau đó, Nga phải hứng chịu hết gói trừng phạt này tới gói trừng phạt khác. Đến nay, EU đã áp dụng 9 gói trừng phạt đối với Nga, nhằm vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và giới tinh hoa, gồm các doanh nhân, chính trị gia và nhà báo. Các biện pháp trừng phạt cá nhân của khối này hiện áp dụng với 1.386 cá nhân và 171 tổ chức của Nga và liên quan tới Nga.
Song song với việc gia hạn các biện pháp trừng phạt trước đó, EU đang nỗ lực thảo luận để có thể thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga vào đúng ngày kỉ niệm một năm Nga đưa quân vào Ukraine. Gói trừng phạt này được cho là có quy mô ước tính 11 tỷ euro (11,7 tỷ USD), tập trung vào việc ngừng bán cho Nga các loại hàng hóa công nghệ cao có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí. Danh sách đen xuất khẩu dự kiến sẽ bao gồm thiết bị điện tử, laser, thiết bị vô tuyến, phần mềm, hệ thống điện tử hàng không, camera hàng hải và khoáng sản đất hiếm, cũng như các thành phần cụ thể khác được sử dụng trong công nghệ nano.
Về phần mình, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật các thành công về mặt kinh tế. Theo người đứng đầu Điện Kremlin, GDP năm 2022 của Nga chỉ suy giảm 2,1%, tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử và lạm phát cũng đạt mục tiêu đề ra. Kết quả này, theo giới chuyên gia, là tốt hơn nhiều so với dự báo của phương Tây đưa ra trong những tháng đầu của cuộc xung đột (suy giảm 15%, xoá sạch thành quả kinh tế của 15 năm). Quan trọng là nó cho thấy nền kinh tế Nga và người dân Nga đã có những điều chỉnh thích nghi hiệu quả.
Ngày 15/2, hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) dẫn thống kê của các nhà kinh tế thuộc Đại học St. Gallen của Thụy Sĩ cho biết, trong năm 2022, hơn 1.400 công ty đã quyết định rời khỏi Nga, bao gồm các nhà sản xuất điện tử, nhà bán lẻ, nhà sản xuất ô tô, thương hiệu quần áo và thực phẩm, khách sạn, ngân hàng và chuỗi nhà hàng. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại rằng xu hướng này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, ngược lại đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước ở Nga, ngoài việc mở ra cơ hội sản xuất còn là cơ hội chiếm lĩnh những thị trường vốn trước đó bị doanh nghiệp nước ngoài thống trị.
Một trong những biện pháp mà Nga áp dụng là khôi phục các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng thời Liên Xô cũ, với hy vọng những ký ức tốt đẹp trong người dân sẽ được khơi gợi và chuyển biến thành hành động tiêu thụ sản phẩm nội địa và nó đã mang lại. Kết quả thăm dò của công ty nghiên cứu NielsenIQ được RIA Novosti đăng tải cũng cho thấy trong năm 2022, gần một nửa số người Nga đã chuyển sang sử dụng hàng hoá nội địa để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Các nhà phân tích cho rằng tình hình hiện tại mang đến cơ hội tăng trưởng tốt cho các nhà sản xuất Nga. Ngày 31/1 vừa qua, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 từ mức suy giảm 2,3% đưa ra hồi tháng 10/2022 lên tăng trưởng dương 0,3%.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng thay vì có thể kết thúc xung đột ở Ukraine một cách nhanh chóng, Moskva đang có dấu hiệu bị cuốn vào một cuộc chiến lâu dài có thể không chỉ với Kiev. Giữa tháng 12/2022, đài RT cho biết các nhà sản xuất vũ khí Nga đã phải 'bật chế độ' làm việc 6 ngày/tuần, một ca 12 tiếng. Còn ở phía đối lập, các đồng minh phương Tây của Ukraine do Mỹ đứng đầu cũng liên tục mở rộng phạm vi, tăng tầm cho các loại vũ khí trang bị viện trợ cho Kiev mà như phát biểu của Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov với kênh truyền hình Rossiya-24 TV hồi tháng 10/2022 là Washington đã vượt tất cả "lằn ranh đỏ" mà Nga vạch ra.
Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2022, Nga vẫn trụ vững là do được hỗ trợ bởi nhu cầu của thế giới đối với năng lượng Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung đẩy giá năng lượng lên cao. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được cơ sở cho việc đa dạng hoá nguồn cung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vào ngành năng lượng Nga ngày càng siết chặt. Tháng 8/2022, EU cấm nhập khẩu than đá của Nga; tháng 12 cấm nhập cấm nhập dầu thô Nga bằng đường biển và cùng với các nước G7, Australia áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển; tháng 2/2023 là cấm nhập nhiên liệu tinh chế từ Nga.
Cũng như Nga thích ứng linh hoạt với các biện pháp trừng phạt, EU cũng nhanh chóng học cách sống mà không có năng lượng của Nga. Cuộc khủng hoảng điện khí tồi tệ nhất ở châu Âu đã qua cũng có nghĩa năng lượng – loại vũ khí mạnh nhất của Nga chống lại phương Tây trong cuộc chiến Ukraine - đang mất dần lợi thế. Xét cho cùng xung đột ở Ukraine không chỉ buộc Nga phải động viên thêm quân để bổ sung lực lượng, căng mình ra sản xuất vũ khí, mà giờ đây còn khiến Moskva đối mặt với khó khăn trong lĩnh vực kinh tế khi nhiều quan chức và nhà kinh tế phương Tây tin rằng các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng. Dù kho vũ khí của Nga không cạn kiệt thì hậu quả từ các biện pháp trừng phạt cũng có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề cho Moskva.