Bất chấp cảnh báo thẳng thừng về sự trừng phạt và hậu quả, Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu không có nhiều sự lựa chọn trong việc phản ứng với quyết định sử dụng lực lượng quân sự của Nga tại Crimea (Crưm).Đến giờ phút này, có thể nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ những lời đe dọa của Mỹ, như hủy bỏ kế hoạch tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tại Sochi vào mùa hè tới và dừng các cuộc đàm phán thương mại với Moskva. Vì Ukraine không phải là một thành viên đầy đủ của NATO, nên Mỹ và châu Âu không có lý do gì để can thiệp hay “bảo vệ” Kiev.
Lực lượng vũ trang đứng gác tại Balaklava, Crimea ngày 1/3. Ảnh: CNN |
"Đã có những phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, cùng một số quốc gia khác ở châu Âu và NATO. Nhưng đó toàn là những lời đe dọa suông. Chẳng có một cam kết nào có thể được thực hiện để gây ảnh hưởng đến tình hình", Keir Giles, chuyên gia quân sự về Nga thuộc nhóm cố vấn Chatham House có trụ sở tại London nói.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với người đồng cấp Mỹ Barack Obama hôm 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva có quyền “bảo vệ những lợi ích của nước này và các cộng đồng người dân nói tiếng Nga” tại Ukraine. Thông cáo của Điện Kremlin cho hay Tổng thống Putin nhấn mạnh với ông Obama rằng có “một mối đe dọa hiện hữu đối với sinh mạng và sức khỏe của những công dân Nga” tại Ukraine.
Trước đó, Nga cũng đã cảnh báo sẽ hành động nếu căng thẳng leo thang và xảy ra nguy cơ về an ninh tại căn cứ hải quân của nước này tại Ukraine, bảo vệ những thỏa thuận đã ký kết trước đây giữa Moskva và Kiev. Bên cạnh đó, Nga cũng đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ trực tiếp từ Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea nhằm ổn định tình hình tại đây. Đối với cộng đồng người Nga ở Crimea, làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng nổ ở Kiev là một mối đe dọa lớn.
Về phần mình, ông Obama cho hay Nga đã "vi phạm luật pháp quốc tế" khi xâm nhập vào Ukraine và cảnh báo sẽ cùng đồng minh trả đũa. Nhà Trắng cho biết ông Obama đã kêu gọi Tổng thống Putin rút quân đội về căn cứ của họ tại Crimea và cho rằng việc Moskva tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế sẽ kéo theo “sự cô lập về chính trị và kinh tế” hơn nữa.
Với việc đưa quân vào Crimea, ông Putin đang đối đầu trực tiếp với phương Tây và chắc chắn sẽ là sâu sắc thêm sự căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã có nhiều rắc rối với ông Obama. Rõ ràng lời cảnh báo trên của Mỹ không có ý nghĩa gì với ông Putin bởi quân đội Nga đã có mặt ở Crimea và số lượng quân đang tăng lên hàng giờ. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng hiểu rằng sau sự kiện Gruzia năm 2008, tốt nhất là không nên khiêu khích ông Putin, nhất là với một vấn đề thuộc sân sau của Moskva.
Những nỗ lực của Mỹ “trừng phạt” Nga về vấn đề Ukraine và các vấn đề khác cũng khó có thể thực hiện do nhu cầu của Nhà Trắng cần sự hợp tác của Nga nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, đàm phán hạt nhân Iran và vận chuyển binh lính và trang thiết bị của Mỹ ra khỏi Afghanistan thông qua các tuyến đường mà phía Nga cung cấp.
Ông Andrew Kuchins, Giám đốc chương trình Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington nói: "Chúng tôi phải đối mặt với một khó khăn về sự lựa chọn trừng phạt Nga sao cho có hiệu quả".
Ông Obama đã cố gắng tận dụng kế hoạch công du tới Nga như một công cụ tác động quan trọng với hy vọng rằng ông Putin có thể thay đổi lập trường. Năm ngoái, Nhà Trắng cũng áp dụng “con bài” này khi dọa hủy bỏ tham dự một hội nghị thượng đỉnh song phương giữa ông Putin và Obama liên quan đến việc Moskva cho cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tị nạn tại Nga. Sau đó ông Obama mặc dù không gặp song phương người đồng cấp Putin, nhưng vẫn tham dự hội nghị G-20 ở St Petersburg.
Hiện xe tăng và máy bay chiến đấu của Nga đã có mặt ở Crimea. Các đơn vị quân đội Nga đã đóng ở các vị trí then chốt trên bán đảo này. Hạm đội Biển Đen neo đậu ở đây được đặt trong tình trạng báo động cao và theo hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin quân sự Ukraine, 2 tàu ngầm của Nga đã xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển bán đảo Crimea.
Sau một thời gian im lặng, ông Putin đã hành động, và hành động nhanh hơn rất nhiều người nghĩ. Bằng việc đưa Crimea vào tình trạng xung đột, dù chưa tiếng súng nào vang lên và chưa có ai ngã xuống, ông Putin đã đi trước một quân cờ và đặt cả Kiev, EU lẫn Washington vào sự đã rồi.
Ukraine đang phải trả một cái giá rất đắt cho việc hướng về phía châu Âu với rất nhiều ảo tưởng trong khi EU cũng thiếu đoàn kết, nghèo đi vì khủng hoảng và có lẽ chưa sẵn sàng để tiếp nhận Ukraine.
CT (Theo AP)