Phần Lan sẽ củng cố sườn Đông Bắc của NATO ra sao

Vị trí địa chiến lược của Phần Lan sẽ biến nước này thành sườn phía Đông Bắc của NATO. Việc nước này hội nhập vào NATO vì thế sẽ có tác động đáng kể đến sự phát triển của thế trận răn đe và phòng thủ của NATO.

Chú thích ảnh
Từ trái qua, Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Thụy Điển  Magdalena Andersson. Ảnh: Getty Images

Theo trang National Interest, chiến dịch quân sự bắt đầu ngày 24/2 của Nga tại Ukraine đã buộc Phần Lan phải đánh giá lại nền tảng học thuyết an ninh của mình, dẫn đến việc Helsinki quyết tâm gia nhập NATO. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi do dự, Thụy Điển cũng đã đi theo đối tác thân thiết của mình. Hai nước Bắc Âu nhận được sự ủng hộ đặc biệt của lưỡng đảng ở Mỹ. 

Các đồng minh của Mỹ cũng hoan nghênh tham vọng trở thành thành viên NATO của họ. Đến đầu tháng 10 này, 28 trong số 30 quốc gia thành viên của NATO đã phê chuẩn việc Thụy Điển, Phần Lan gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ và có nhiều điểm tương đồng, Helsinki và Stockholm sẽ không phải là cặp “song sinh” trong NATO. Thay vào đó, mục tiêu và lợi ích của họ khi đã tham gia liên minh sẽ phản ánh các chiến lược khác nhau, đặc biệt là các vị trí địa chiến lược khác nhau của hai nước. Trong khi Thụy Điển sẽ là bàn đạp quan trọng cho các hoạt động khả thi của NATO ở Bắc Âu, bao gồm cả Biển Baltic, Phần Lan sẽ là một thành viên “tuyến đầu”, nằm trong vùng lân cận không chỉ với St. Petersburg mà còn của Bán đảo Kola - nơi có Hạm đội phương Bắc của Nga.

Vị trí địa chiến lược của Phần Lan sẽ biến nước này thành sườn phía Đông Bắc của NATO. Nói cách khác, Phần Lan không chỉ là một quốc gia vùng Baltic mà còn là một cường quốc Bắc Cực, và với tư cách thành viên NATO, họ sẽ kết nối hai sườn phía Đông và phía Bắc của liên minh, củng cố đáng kể vị thế của NATO trong các khu vực xung đột chính với Nga. 

Cách Phần Lan hội nhập vào NATO vì thế sẽ có tác động đáng kể đến sự phát triển của thế trận răn đe và phòng thủ của NATO với Nga.

Chú thích ảnh
Binh sĩ tham gia huấn luyện ở Niinisalo, Phần Lan ngày 4/5/2022. Ảnh: Le Monde 

Phần Lan với vai trò một cường quốc Baltic

Khu vực Biển Baltic nổi lên như một điểm nóng tiềm tàng giữa NATO-Nga sau biến động năm 2014 ở Ukraine. Để đáp trả, NATO đã cải thiện khả năng sẵn sàng của khối, đưa ra các kê hoạch hành động mới, đáng chú ý nhất là thành lập các nhóm chiến đấu đa quốc gia để trấn an các nước Baltic và Ba Lan. 

Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine tháng 2/2022, sự chú ý của NATO đã trải đều khắp sườn phía Đông, kéo dài từ Biển Baltic đến Biển Đen.

Điều đó cho thấy, khu vực Biển Baltic sẽ vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng NATO-Nga. Các quốc gia Baltic đã kêu gọi sự hiện diện của các đồng minh lâu dài và mạnh mẽ hơn trong khu vực. Các đồng minh lớn của NATO như Mỹ, Anh và Đức, đã triển khai thêm quân để trấn an các nước Baltic. Tại hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, NATO cam kết mở rộng quy mô các nhóm tác chiến lên cấp lữ đoàn đến bất cứ “nơi nào và khi nào được yêu cầu”.

Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ cải thiện khả năng của khối trong việc bảo vệ các nước Baltic, đặc biệt là Estonia. Không phận, lãnh thổ và các cảng biển của Phần Lan sẽ thuộc quyền sử dụng của các lực lượng đồng minh. Khoảng cách giữa bờ biển phía Nam của Phần Lan và phía Bắc của Estonia là từ 80 đến 120km - nằm trong phạm vi khả năng tấn công chính xác của Phần Lan.

Sự gia nhập của Phần Lan cũng sẽ nâng cao thế trận trên biển của NATO ở vùng Biển Baltic. Điều thú vị là Bộ trưởng Quốc phòng Estonia gần đây đã gợi ý rằng, với tư cách là các đồng minh NATO, Phần Lan và Estonia có thể tích hợp hệ thống phòng thủ bờ biển, cho phép liên minh này ngăn chặn sự tiếp cận của Hải quân Nga tới Biển Baltic thông qua nút thắt cổ chai ở Vịnh Phần Lan. Phần Lan có lợi ích quốc gia đáng kể để bảo vệ Biển Baltic, vì nền kinh tế và xã hội của họ nói chung phụ thuộc vào dòng chảy hàng hóa tự do qua vùng biển huyết mạch này. 

Chú thích ảnh
Xe tăng và thiết giáp của Thụy Điển tham gia cuộc tập trận "Phản ứng Lạnh 2022" tại Setermoen, Vòng Bắc Cực, Na Uy, vào 25/3/2022. Ảnh: CNN

Phần Lan với vai trò một cường quốc Bắc Cực

Cán cân chiến lược ở vùng Cực Bắc đang nghiêng về phía Nga trong những năm gần đây. Nga đã mở rộng sự hiện diện quân sự đáng kể trong khu vực và thường xuyên phô diễn năng lực qua các cuộc tập trận, thử tên lửa.

Bằng cách hồi sinh cái gọi là "chiến lược pháo đài" của mình, Nga đã mở rộng khả năng hoạt động ra xa Biển Na Uy và khoảng trống quan trọng giữa Greenland-Iceland-Vương quốc Anh, với tham vọng có thể ngăn chặn sự tiếp cận của NATO tới Bắc Băng Dương nói chung và tới Tuyến đường biển Bắc Cực nói riêng.

Để đối phó với những nguy cơ này, NATO đã cập nhật cơ cấu chỉ huy của mình, đặc biệt là với việc tái kích hoạt Bộ Tư lệnh Đại Tây Dương "để bảo vệ các tuyến đường biển giữa châu Âu và Bắc Mỹ”. Các lực lượng đồng minh NATO cũng đã tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở Bắc Cực.

Mặc dù Phần Lan không phải là một quốc gia ven biển Bắc Cực, sự gia nhập của nước này vẫn sẽ mang lại lợi ích cho NATO. Có thêm Phần Lan, NATO sẽ có gần 120 máy bay chiến đấu F-35 ở Bắc Âu vào cuối thập niên 2020. Điều quan trọng là các lực lượng không quân Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy đã được tích hợp và tương tác cao.

Hơn nữa, pháo tầm xa của Phần Lan, một trong những loại pháo mạnh nhất ở châu Âu, cũng sẽ là một lợi thế trong bảo đảm an ninh ở Bắc Fennoscandia - một vùng đệm quan trọng bảo vệ các đường biển Bắc Đại Tây Dương. 

Khả năng tác chiến ở Bắc Cực của Phần Lan cũng là một điểm mạnh. Lữ đoàn Jaeger của Phần Lan chịu trách nhiệm phát triển các chiến thuật và thiết bị chiến tranh ở Bắc Cực. Trên thực tế, Phần Lan - với đội quân hùng hậu - có vị trí thuận lợi để dẫn đầu một chiến dịch trên bộ của NATO ở Bắc Âu. 

Việc Phần Lan gia nhập khối sẽ phong tỏa không gian phi NATO giữa hai sườn phía Đông và phía Bắc của liên minh, mang đến cho NATO cơ hội đáng kể để củng cố vị thế của mình trong khu vực chiến lược này.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo National Interest)
Lầu Năm Góc: Hệ thống HIMARS cấp cho Ukraine có khả năng vươn tới Crimea
Lầu Năm Góc: Hệ thống HIMARS cấp cho Ukraine có khả năng vươn tới Crimea

Quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine và châu Âu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hệ thống tên lửa HIMARS mà Washington cấp cho Kiev có khả năng tấn công hầu hết các mục tiêu, bao gồm mục tiêu ở Crimea.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN