Mỹ có thực sự muốn giúp Ukraine?

Giờ đây Crimea (Crưm) đã sáp nhập vào Nga. Cơ sự đã an bài. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hành động của Nga đã làm cho nhiều người Ukraine (dù không phải tất cả) sẵn sàng xích lại gần hơn với phương Tây, và chắc chắn như Mặt trời luôn mọc ở hướng Đông, nhiều chính trị gia Mỹ đang mong muốn nắm lấy cơ hội này.

Hạ nghị sĩ Mike Rogers cho rằng Mỹ đã sẵn sàng viện trợ vũ khí cho Ukraine để họ có thể tự bảo vệ. Thượng nghị sĩ John McCain thì tuyên bố đây là lúc để phương Tây “tăng tốc” mở rộng NATO bằng việc kết nạp Ukraine. Nhiều thành viên của đảng Dân chủ mà đại diện như Eliot Engel phát biểu: "Mỹ phải đứng về phía người dân Ukraine trước nguy cơ một cuộc tấn công của Nga và việc chiếm đóng Crimea".
 
Theo Giáo sư Stephen M. Walt, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Harvard (Mỹ), đó chỉ là những sự ủng hộ bằng lời nói. Để hỗ trợ an ninh cụ thể lại là một vấn đề khác.

Thật vậy, một trong những khía cạnh đáng lo ngại trong cuộc tranh luận hiện nay là nếu Ukraine thực sự muốn trở thành một phần của phương Tây, thì sau đó Mỹ và châu Âu sẽ phải có nghĩa vụ viện trợ tiền, cho phép giao dịch thương mại và cuối cùng để Ukraine gia nhập NATO. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hồi tuần trước từng nói rằng "chúng ta nên đẩy mạnh sự hỗ trợ cho Ukraine và tôi chắc chắn điều đó (Ukraine gia nhập phương Tây) sẽ xảy ra".
 
Lối suy nghĩ này dựa trên một sự sai lầm cơ bản về những điều mà NATO đang hướng tới. Mặc dù các liên minh có thể thực hiện các chức năng khác nhau, nhưng cội nguồn của một liên minh là thỏa thuận chính thức về hợp tác an ninh giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Bằng cách cho phép các quốc gia phát huy khả năng của nhau, phối hợp về một số khía cạnh trong chính sách đối ngoại của họ, các liên minh đều tìm cách để cho mỗi thành viên của họ an toàn hơn.

Trong hầu hết các trường hợp, một liên minh đòi hỏi có một số cam kết bảo vệ lẫn nhau. NATO cũng nằm trong số đó và  nó được thể hiện trong điều 5 của Hiệp ước NATO. Theo đó, khi Mỹ hỗ trợ cho một quốc gia khác gia nhập NATO, Washington sẵn sàng gửi binh sĩ của mình đến chiến đấu và sẵn sàng chết vì đồng minh. Chính cam kết này buộc Mỹ phải suy nghĩ cẩn thận bởi vì một quốc gia khác muốn liên minh với Mỹ không có nghĩa là mang lại lợi ích cho Mỹ.

Nguyên thủ các nước G7 và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (trái, trước), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải, trước). Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong quá khứ, Mỹ đã từng rất thực dụng trong sự lựa chọn các đối tác liên minh và đã tận dụng vị trí địa chính trị thuận lợi để tránh trách nhiệm trong một số cam kết với những quốc gia khác. Trên thực tế, cho đến thế kỷ 20, trên thực tế, Mỹ đã tránh bị "vướng vào các liên minh” và tin tưởng (chính xác) rằng Washington được an toàn hơn theo cách đó. Thực sự, tránh liên minh lâu dài hoặc quá thân mật là một trong những thông điệp nổi tiếng của Tổng thống George Washington. Dựa vào vị trí địa lý ở cách xa với các cường quốc khác, Mỹ có cơ hội để quan hệ tốt với họ trong khi vẫn tồn tại những xung đột.

Giờ đây, thật không may, người Mỹ không chịu dừng lại để đánh giá xem liệu các thành viên kế tiếp có góp phần bảo đảm an ninh và sự thịnh vượng hơn cho nước Mỹ hoặc xem xét liệu việc mở rộng NATO không ngừng cuối cùng sẽ làm suy yếu quan hệ với Nga (như đã làm). Mỹ cũng không tính toán xem liệu họ đã thực sự sẵn sàng để gửi công dân của mình đi chiến đấu, thậm chí đến chết để bảo vệ các đối tác mới xa xôi. Khủng hoảng Ukraine nhắc nhở chúng ta rằng các quốc gia đều có lợi ích của riêng mình và đôi khi theo đuổi những lợi ích đó sẽ dẫn đến xung đột nghiêm trọng. Nếu xung đột nổ ra, những cam kết an ninh với đồng minh sẽ không còn là vấn đề chỉ nằm trong hộc tủ, mà phải được thực hiện.

Giáo sư Stephen M. Walt nhận định, khi người Mỹ suy ngẫm về tình hình ở Ukraine (và một vài nơi khác), Washington vẫn còn tâm niệm rằng nước Mỹ lục địa vẫn cực kỳ an toàn và hầu hết những gì xảy ra trên thế giới sẽ không có nhiều tác động đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Đây không phải là chủ nghĩa biệt lập, chỉ đơn thuần là lời nhắc nhở rằng những người khác cần Mỹ hơn rất nhiều so với nhu cầu người Mỹ cần họ.

Do đó, thật dễ hiểu lý do tại sao chính phủ lâm thời Ukraine muốn “nhảy vào chung giường” với Liên minh châu Âu và NATO. Nhưng tại sao việc “chia sẻ chăn, gối” với Ukraine là điều phương Tây nên làm? Một đất nước với một nền kinh tế bị phá sản, tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn, chia rẽ dân tộc sâu sắc và một hệ thống chính trị rối ren, tham nhũng thường không được coi là một “tài sản chiến lược quan trọng”.

Hơn nữa, có một thực tế là việc Mỹ “tán tỉnh” Ukraine khiến cho Tổng thống Nga Vladimir Putin không hài lòng không phải là một điều tốt lành cho Kiev, trong khi nếu đặt lên bàn cân, rõ ràng Nga là quốc gia quan trọng hơn đối với Mỹ. Và một cuộc xung đột lâu dài giữa hai nước đều không phải là lợi ích dài hạn của cả Washington và Moskva. Trong khi đó, trên thực tế, thách thức an ninh tương lai của Mỹ sẽ đến từ Trung Quốc, không phải là Nga. Không còn nghi ngờ gì khi một vài nhà chiến lược tại Bắc Kinh đang âm thầm mỉm cười và “tọa sơn quan hổ đấu”.

Một câu hỏi đúng về các đồng minh tiềm năng của Mỹ là: Họ có gì cho Mỹ? Họ phải làm những gì mà Mỹ muốn. Sức mạnh và sự bảo vệ của Mỹ vẫn còn có giá trị quan trọng và Mỹ không cho phép bất ai xem thường nó. Các đồng minh thực sự có giá trị là phải cung cấp cho Mỹ những tin tức tình báo đáng tin cậy, công nghệ tiên tiến và đôi khi điều quân đội đến chiến đấu cùng với quân Mỹ chống lại những đối thủ khác. Chính sách đối ngoại không phải là hoạt động từ thiện và Mỹ sẽ không vội vàng kết nạp thêm một đồng minh không thể mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ.

Vì vậy, theo ông Walt, trong thời gian tới sẽ có một số quốc gia khác tới “gõ cửa” của Washington, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên nhớ những nguyên tắc này: Người mua luôn phải chịu trách nhiệm về số hàng đã nhận.


Vũ Thanh (A.P)

Crimea là để đáp trả phương Tây trong vụ Kosovo
Crimea là để đáp trả phương Tây trong vụ Kosovo

Nhớ lại những ngày này 15 năm về trước, NATO đã mở cuộc tấn công quy mô lớn kéo dài suốt 10 giờ vào khoảng 40 mục tiêu trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN