Nhiều người trên thế giới đã kinh ngạc bởi quyết định nhanh chóng của Tổng thống Vladimir Putin sáp Crimea (Crưm) nhằm đáp ứng với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý của bán đảo này ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga, điều mà Kiev và phương Tây coi là bất hợp pháp.
Quyết định này cũng đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ Ukraine cùng với phương Tây và gây ra một làn sóng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu (EU). Xung đột về vấn đề Crimea khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang trở nên băng giá nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Nga Putin (giữa) trong một lần thị sát đơn vị quân đội. Ảnh: RIA Novosti |
Vậy tại sao ông Putin lại mạo hiểm với nền kinh tế của Nga để đưa ra quyết định cho phép Crimea gia nhập, gây ra mối quan hệ căng thẳng với Ukraine và lờ đi những lời đe dọa của phương Tây? Theo Giáo sư Wei Zongyou, Phó viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế và Ngoại giao, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc (đồng thời cũng là tác giả của bài viết này), có ít nhất 2 nhân tố đằng sau quyết định của Tổng thống Nga.
Đầu tiên là những đánh giá về hiện thực, địa chính trị. Theo quan điểm của ông Putin, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã mất gần 1/4 về mặt địa lý, 1/2 dân số và hơn một nửa GDP. Trong số những khu vực bị "mất" lại là những nơi có vị trí chiến lược và quân sự quan trọng, chẳng hạn như Ukraine và các nước vùng Baltic.
Với việc mở rộng về phía đông của NATO và sự hội nhập của các quốc gia vệ tinh thời Liên Xô cũ cùng một số nước cộng hòa ở Đông Âu và vùng Baltic vào châu Âu, vùng đệm truyền thống giữa Nga và phương Tây đang ngày càng siết chặt và không gian dành cho vận động chiến lược của Moskva bị thu hẹp hơn theo từng năm. Nếu Nga gia nhập vào liên minh của châu Âu, những điều trên sẽ không đáng lo ngại đối với Moskva. Nhưng việc tham gia vào EU không đặc biệt hữu ích cho vị thế chính trị của Nga cũng như đặc biệt hấp dẫn về lợi ích kinh tế, trong khi sự mở rộng của phương Tây khiến Moskva cảm giác bị đe dọa.
Ukraine giữ một vị trí quan trọng về mặt địa chiến lược đối với Nga. Thứ nhất, nước này là cầu nối trong việc xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sang châu Âu. Mỗi năm có hơn 1/3 số lượng dầu và khí đốt của Moskva đi qua các đường ống dẫn Ukraine tới châu Âu. Thứ hai, Crimea nơi cho phép Hạm đội Biển Đen của Nga tiếp cận Biển Đen. Nếu chính phủ thân phương Tây ở Kiev quyết định kết thúc hợp đồng cho thuê khu vực này đối với Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea, Moskva sẽ mất cửa ngõ chiến lược của mình tới Biển Đen và Địa Trung Hải. Thứ ba, Ukraine được coi là thành viên quan trọng nhất của dự án Liên minh Á-Âu của Nga - một kế hoạch kinh tế và chiến lược để kết nối chặt chẽ giữa Nga, Belarus, Ukraine và Trung Á.
Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, liên minh này sẽ tích hợp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các nước hiện nay đang độc lập về kinh tế, chính trị, ngoại giao và với Nga. Điều này có thể góp phần khôi phục lại một cường quốc Nga như Liên Xô ở thời kỳ đỉnh cao của mình. Cuộc đảo chính ở Kiev và định hướng chính trị của chính phủ lâm thời đặt tất cả những vấn đề trên vào tình trạng nguy hiểm nếu Nga vẫn vô tư và thụ động.
Yếu tố thứ hai là về mặt tâm lý. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, phát triển quan hệ với phương Tây là chính sách đối ngoại được ưu tiên hàng đầu của Nga. Nhưng ngược lại, Moskva nhận thấy rằng phương Tây vẫn duy trì thế độc quyền mạnh mẽ và không đáng tin cậy. Nhiều năm qua đi, những gì mà Nga mong đợi là trở thành một thành viên bình đẳng đối phương Tây và sự thịnh vượng kinh tế vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.
Mặc dù đã là một thành viên của khối G-8, nhưng Nga không bao giờ được được tham gia như là một đối tác đầy đủ như 7 thành viên còn lại, luôn luôn tồn tại một "cái khác". Về kinh tế, các biện pháp khắc phục tình trạng khủng hoảng do phương Tây đề xuất và được thực hiện một cách "trung thành" bởi cựu Tổng thống Boris Yeltsin đã không mang lại những lợi ích kinh tế như dự kiến. Thay vào đó, nó đã khiến cho nền kinh tế Nga "xuống dốc không phanh", làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn trước. Cái nhìn của Moskva đối với phương Tây đã kết thúc trong sự thất vọng và thảm họa.
Nhưng chính ông Putin đã cứu nước Nga ra khỏi tình trạng khốn khó đó. Ông điều chỉnh cả chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, phục hồi lại vinh quang thời Liên Xô trước đây. Khi nền kinh tế Nga được cải thiện, phương Tây mới nhận ra rằng thời kỳ "hoàng kim" của mình đã qua. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã đặt Mỹ và châu Âu vào tình trạng khó khăn và họ thấy mình phụ thuộc nhiều hơn vào các cường quốc mới nổi, trong đó có Nga.