Mối quan hệ phức tạp của Washington với châu Âu (EU) đang phải đối mặt với những thách thức mới trong một chuyến đi kéo dài một tuần của Tổng thống Barack Obama, nhằm tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo đồng minh để duy trì lập trường cứng rắn trong việc trừng phạt Nga vì đã sáp nhập Crimea.Xung đột sâu sắc giữa Đông và Tây dự kiến sẽ "thống trị" chuyến thăm của ông Obama tới châu Âu, bắt đầu từ ngày 24/3 với chặng dừng chân đầu tiên là Hà Lan. Chuyến công du 4 nước châu Âu lần này được cho là đã lên kế hoạch từ trước, nhưng lúc này nó lại tạo cơ hội đúng lúc cho Mỹ và EU để thiết lập "một mặt trận thống nhất" nhằm cô lập Nga.
Nhưng đằng sau hậu trường, ông Obama đang phải tính toán thế nào trong bối cảnh một nền kinh tế "ốm yếu" chưa kịp phục hồi của EU có thể sẵn sàng thực hiện cách lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn với đối với Moskva, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của họ. Ông cũng sẽ phải đối mặt với nỗi thất vọng khác của châu Âu đối với Mỹ vốn có nguy cơ bùng phát từ lâu dưới "bề mặt của sự yên bình".
Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh White House |
Một số quan chức châu Âu, đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel, vẫn đang rất "nhức nhối" về vụ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại của Đức cũng như cá nhân bà. Ngoài ra còn có sự bất bình vốn đã kéo dài trong giới lãnh đạo EU về những gì mà liên minh này cho là ông Obama đang làm "mất mặt" đồng minh.
"Có một sự tức giận ở đó, có một sự thất vọng ở đó", Heather Conley, chuyên gia châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. Bà nói thêm rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể "âm thầm" tạo ra một số sự khiêu khích từ châu Âu đối với ông Obama.
Tại Hà Lan, Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân và một cuộc gặp bên lề được lên kế hoạch chóng vánh giữa nhóm 7 nước: Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. Cuộc họp thứ hai sẽ tập trung vào tăng cường hỗ trợ tài chính cho chính phủ lâm thời của Ukraine, trong khi cũng thể hiện như là một biểu tượng về những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Moskva. Mỹ đang kêu gọi tẩy chay cuộc họp của nhóm G-8 vào tháng 6 tới ở Moskva. Nga cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh hạt nhân, nhưng Tổng thống Putin sẽ không đến dự hội nghị này và cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov đến Hague.
Tiêu điểm của ông Obama về vấn đề Ukraine sẽ tiếp tục được thảo luận tại Brussels, trụ sở của EU và NATO. Sau chuyến dừng chân tại Rome và dự kiến sẽ có một cuộc họp rất được mong đợi với Giáo hoàng Francis, ông Obama sẽ bay sang Saudi Arabia nhằm hàn gắn sự rạn nứt trong quan hệ với đồng minh quan trọng ở Vùng Vịnh.
Hình phạt ban đầu từ Mỹ và EU đã không ngăn được Nga sáp nhập Crimea. Giới chức phương Tây đang nghi ngờ Nga sẽ có hành động leo thang, tiếp tục hiện diện quân sự của mình ở những nơi khác dọc theo biên giới của Liên Xô cũ. Trong khi đó các quan chức Nga nói rằng những binh sĩ đó chỉ đơn giản là tham gia vào cuộc tập trận.
Mỹ đã cảnh báo rằng một hành động leo thang nữa của Nga có thể dẫn đến một hình phạt sâu rộng hơn nhằm mục tiêu nền kinh tế Nga, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Nhưng các quan chức tại Washington thừa nhận rằng biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ có thể "lệch pha" với châu Âu do quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa EU và Moskva.
Điều đó đặt ông Obama vào một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi 28 quốc gia của khối này thường xuyên nổi giận với những gì mà họ xem là sự "lạnh nhạt" của Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ đã không tới Brussels trong tất cả 8 chuyến công du tới châu Âu trong 2 nhiệm kỳ của mình từ trước đến giờ. Ông Obama đã không dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU hàng năm và "thích" họp chung với tất cả thay vì từng cá nhân lãnh đạo của châu Âu. Vào những dịp hiếm hoi khi ông Obama tham dự hội nghị thượng đỉnh EU, các cuộc họp thường tổ chức ngắn gọn và mang lại ít kết quả.
"Họ biết tổng thống Mỹ không thể dự các cuộc họp này. Họ đã thấy thông điệp đó hết sức rõ ràng", Conley nói khi đề cập đến các lãnh đạo của EU.
Những bê bối về vụ NSA nghe lén điện thoại đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ của ông Obama với châu Âu, đặc biệt là với bà Merkel, một nhà lãnh đạo có lẽ là có mối quan hệ gần gũi nhất nhất với ông. Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Jeremy Shapiro nói rằng trong khi giận dữ về vụ nghe lén của NSA vẫn tồn tại, các nhà lãnh đạo châu Âu và ông Obama chắc chắn sẽ tiếp tục chia rẽ về vấn đề Ukraine.
"Ukraine là một vấn đề quá nghiêm trọng đối với họ (EU). Nga cũng là vấn đề quá nghiêm trọng đối với họ và nhu cầu hợp tác với Mỹ cũng là một vấn đề nghiêm trọng có thể làm phức tạp thêm tình hình", Shapiro, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Brookings (Mỹ) nói.
Vũ Thanh (AP)