Crimea là để đáp trả phương Tây trong vụ Kosovo

Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ trích các nước phương Tây về những gì ông gọi là "đạo đức giả" liên quan đến vấn đề Nga sáp nhập Crimea. Ông cho rằng họ đã ủng hộ Kosovo có quyền tự quyết và độc lập khỏi Serbia, nhưng bây giờ lại từ chối cho Crimea các quyền tương tự. "Bạn không thể gọi cùng một điều rằng ngày hôm nay nó đen và ngày mai nó trắng", ông nói.

Nhớ lại những ngày này 15 năm về trước, Tổng Thư ký NATO Solana đã ra lệnh cho Tướng Mỹ W.Clark, Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, bắt đầu cuộc không kích chống Nam Tư. NATO đã mở cuộc tấn công quy mô lớn kéo dài suốt 10 giờ vào khoảng 40 mục tiêu trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền.

Dù đã tiên lượng trước, nhưng dư luận thế giới vẫn không khỏi bàng hoàng khi NATO mở cuộc không kích quy mô lớn. Không có một lý lẽ nào có thể bào chữa, che đậy được tính chất phi nghĩa và bất hợp pháp của cuộc tấn công này. Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga khi đó là ông I.Ivanov, hành động của NATO với tất cả "những hậu quả có thể của nó" đã vi phạm Hiến chương LHQ và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ đối với khu vực Balkan. Còn Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã tỏ ý lấy làm tiếc về hành động quân sự của NATO và khẳng định, mọi quyết định về sử dụng vũ lực phải được Hội đồng Bảo an LHQ chuẩn y.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ và NATO dựng lên đã gây ra "thảm họa nhân đạo" ở quốc gia vùng Balkan. Theo số liệu của Chính phủ Nam Tư, có khoảng 1.500 thường dân bị giết hại và hơn 6.000 người bị thương. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ước tính có hơn 855.000 người, đa số là người gốc Albania đã phải rời Kosovo đi tị nạn kể từ khi chiến dịch không kích của NATO bắt đầu.

Bom đạn của NATO cũng phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, trường học, nhà máy, đẩy hàng triệu người dân Nam Tư vào cảnh "màn trời chiếu đất". Thậm chí, việc NATO sử dụng vũ khí hóa học, bom bi (loại vũ khí bị cấm sử dụng) cùng nhiều loại vũ khí mới, đã gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

"Chính quyền Crimea đã dựa vào một tiền lệ rất nổi tiếng là Kosovo - tiền lệ do những người bạn phương Tây của chúng ta chính tay tạo ra trong một tình huống hoàn toàn tương tự, khi họ công nhận rằng việc đơn phương chia cắt Kosovo khỏi Serbia, chính xác như những gì Crimea đang làm hiện nay, là hợp pháp và không cần bất kỳ sự cho phép nào từ chính quyền trung ương", ông Putin nói.

Tổng thống Nga Putin.


Tổng thống Nga nói rằng ông không muốn dựa vào các trích dẫn, nhưng trong trường hợp này, ông không thể làm khác và đưa ra một trích dẫn từ một tài liệu chính thức khác: Bản tường trình của Mỹ ngày 17/4/2009 gửi đến cùng Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc liên quan đến các buổi điều trần về Kosovo. Một lần nữa, tôi xin lại được trích dẫn: “Việc tuyên bố độc lập có thể, và thường là vi phạm luật pháp trong nước. Tuy nhiên, điều đó không khiến nó vi phạm luật pháp quốc tế”.

Khi cuộc chiến ở Kosovo nổ ra, chính quyền của Tổng thống Nga Boris Yeltsin vẫn đang trong tình trạng rệu rã và không có một phản ứng đáng kể nào. NATO đã tận dụng điều này, sử dụng tất cả các loại máy bay, lấy không kích làm chủ đạo để "giải phóng" Nam Tư sớm nhất. Theo báo chí nước ngoài khi đó, căn cứ vào tính năng, nhiệm vụ của từng máy bay, các cuộc không kích được chia làm ba tầng: cao, trung, thấp. Phía Nam Tư cũng có các loại vũ khí phòng không tương ứng đối phó với máy bay chiến đấu các loại của NATO. Số liệu của NATO cho biết, trong 72 ngày, lực lượng quân sự NATO đã thực hiện hơn 31.500 phi vụ không kích, phá hủy của Nam Tư hơn 100 máy bay, 314 khẩu pháo, 203 xe bọc thép chở quân, 120 xe tăng, 268 xe quân sự, 14 sở chỉ huy, 57% lượng xăng dầu dự trữ, 29% số kho đạn dược, 34 cầu đường bộ, 11 đường cầu sắt; khoảng 10.000 binh lính Serbia đã chết hoặc bị thương.

Vào tháng 12/1999, ông Putin trở thành quyền tổng thống và một tháng sau, ông được bầu làm Tổng thống Nga. Theo ông Putin, thật khó mà tin rằng, vào cuối thế kỷ 20 mà một thủ đô ở châu Âu, Belgrade, lại chìm dưới các cuộc tấn công bằng tên lửa trong vài tuần, và sau đó là đến cuộc can thiệp vũ trang thật sự. Có nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an về vấn đề này lại cho phép những hành động như vậy? Không hề. Và rồi họ (phương Tây) đánh Afghanistan, Iraq, vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Lybia khi thay vì chỉ áp đặt cái gọi là vùng cấm bay thì họ đồng thời dội bom luôn xuống đó.

Mỹ và Tây Âu nói rằng Kosovo là một trường hợp đặc biệt. Tổng thống Nga lập luận: “Điều gì đã khiến nó trở nên đặc biệt? Hóa ra đó là vì cuộc xung đột ở Kosovo đã khiến rất nhiều người thương vong. Điều này có phải một lập luận có cơ sở pháp lý? Phán quyết của Tòa án quốc tế không hề nói như vậy. Nó thậm chí còn không phải là một thứ tiêu chuẩn kép; nó là kiểu lý sự cùn, ấu trĩ kinh ngạc. Con người ta không nên đổi trắng thay đen, cố gắng một cách thô thiển như vậy để khiến mọi thứ thuận theo lợi ích của mình”.

Ông Putin kết luận rằng, như một tấm gương, tình hình ở Ukraine phản ánh những gì đang và đã diễn ra trên thế giới trong một vài thập kỷ qua. Sau khi trạng thái lưỡng cực tan rã, thế giới không còn sự ổn định nữa. Các thể chế quốc tế chủ chốt không những không mạnh hơn, mà ngược lại, trong nhiều trường hợp còn suy thoái một cách đáng buồn. Các đối tác phương Tây, dẫn đầu là Mỹ thích dùng “quy tắc của súng đạn” hơn là luật pháp quốc tế. Phương Tây cho rằng họ đặc biệt và có đặc quyền, rằng họ có thể quyết định vận mệnh thế giới, rằng chỉ họ mới luôn luôn đúng, làm bất cứ thứ gì họ thích: chỗ này, chỗ kia. Họ sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia có chủ quyền, xây dựng các liên minh dựa trên nguyên tắc “Nếu anh không theo tôi nghĩa là anh chống lại tôi”. Để cho sự xâm lược này có vẻ hợp pháp, họ ép buộc các tổ chức quốc tế phải đưa ra các nghị quyết. Và nếu vì một vài lý do nào đó mà cách này không hiệu quả, thì họ phớt lờ luôn cả Liên Hợp Quốc lẫn Hội đồng Bảo an.


Vũ Thanh
(Tổng hợp)

Ván cờ Crimea đã kết thúc?
Ván cờ Crimea đã kết thúc?

Tổng thống Nga Putin đã chơi tốt hơn và vấn đề Crimea dường như đã ngã ngũ khi bán đảo này chính thức sáp nhập vào Nga ngày 21/3, chuyên gia K. P. Fabian nhận định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN