Lý do sâu xa Mỹ - Trung khó hàn gắn tại Thượng đỉnh G20

“Gốc rễ căng thẳng kinh tế Mỹ - Trung mang tính cấu trúc và khó có thể thay đổi sau một đêm”, giới chuyên gia nhận định về triển vọng cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2017. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bữa tối làm việc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này. Đây được cho là cơ hội để hàn gắn quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới.

Chương trình làm việc của hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ xoay quanh chủ đề chính là cuộc chiến thương mại song phương Mỹ - Trung đang “làm nóng” cả thế giới. Mỹ áp đặt thuế lên khoảng 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng đã có đòn thuế đáp trả lên 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Hiện tại hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào để tháo ngòi căng thẳng, trong bối cảnh Mỹ liên tục khước từ những thỏa thuận tiềm năng với hy vọng ép Trung Quốc đáp ứng các đòi hỏi của mình.

Trước thềm cuộc gặp, quan chức Nhà Trắng tỏ ra tự tin về kết quả làm việc tại Buenos Aires. “Có khả năng cao chúng tôi có thể đạt thỏa thuận’, ông Larry Kudlow, trưởng Cố vấn kinh tế của Tổng thống phát biểu với các phóng viên hôm 27/11, nhưng lưu ý thêm rằng “mọi chuyện đang chuyển động rất chậm giữa hai nước”. Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton nhấn mạnh Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mối quan hệ tốt, nhưng mỗi người sẽ đại diện cho lợi ích đất nước mình tại Argentina.

Chờ đợi điều gì ở cuộc gặp Trump - Tập

Các cuộc thảo luận về thương mại dự kiến sẽ chiếm ưu thế tại thượng đỉnh G20 năm nay, trong đó cuộc gặp Trump - Tập được cho là sẽ trung tâm thu hút sự chú ý tại Buenos Aires dù giới chuyên gia không chờ đợi bất cứ đột phá nào sẽ đạt được nhằm tháo ngòi cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung.

Video Tổng thống Trump và phu nhân tới Buenos Aires dự Thượng đỉnh G20:

Chính Tổng thống Trump đã chỉ ra khá rõ. Trước khi lên đường tới Argentina, ông nói với các phóng viên rằng Mỹ "đang xúc tiến công việc với Trung Quốc nhưng tôi cũng không chắc là tôi muốn làm điều đó". Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, câu nói đó cho thấy ông Trump đang chuẩn bị cho một kịch bản không có thỏa thuận đạt được tại hội nghị.

"Do không thực sự có những cuộc đàm phán về chất trong vài tuần hay vài tháng qua, khả quan nhất là có thể có một thỏa thuận nhằm tạm ngừng các đòn thuế tiếp theo, không bổ sung thuế đã áp lên khoảng 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, để đổi lại những cuộc thảo luận tiếp theo trong vài tháng tới", ông Locke phát biểu với CNBC hôm 30/11.

Theo cựu đại sứ Mỹ tại Singapore Kirk Wagar, có hai lý do tại sao ông Trump sẽ đồng ý tạm ngừng áp thuế. Thứ nhất Trung Quốc dường như đến bàn đàm phàn với "một số đề xuất thực sự" nhằm xoa dịu căng thẳng với Washington. Thứ hai là áp lực chính trị ngày càng tăng mà ông Trump đang phải đối mặt tại quê nhà: Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã phải chi hàng tỉ USDS tiền thuế do chính sách thuế cao hơn với Trung Quốc. Điều này dẫn đến hậu quả là các nông trang phá sản, nhiều công ty phải cắt giảm việc làm, đóng cửa nhà máy, ông Wagar cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cảnh báo rằng ông Trump vẫn có thể mạnh tay tiếp tục áp thuế như kế hoạch vào tháng 1/2019, và cuối cùng là đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

"Ông Trump muốn duy trì tăng thuế như một cách để gây thêm áp lực với Trung Quốc nhằm đi đến một thỏa thuận mà Mỹ mong muốn", các nhà phân tích thuộc công ty Quản lý Thịnh vượng Pictet viết trong báo cáo mới công bố.

Ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Washington thì nhận định.“Tôi cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ nói những lời hay ý đẹp về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, nhưng sẽ không giải quyết được gì cả”. Sau đó họ có thể rời hội nghị mà vẫn kẹt trong bế tắc đã dẫn hai nước rơi vào căng thẳng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Chú thích ảnh
Tàu container cập cảng Mỹ ở Portland.

Vấn đề đằng sau xung đột thương mại

Các chuyên gia cho rằng, một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không làm lợi cho ai cả, trong khi cuộc chiến thuế đang diễn ra giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới được dự báo sẽ còn kéo dài, có thể tới năm 2020, do tính phức tạp của những vấn đề đằng sau nó.

Tổng thống Trump có nhiều cơ hội để tấn công Trung Quốc với lý do mất cân bằng thương mại khổng lồ giữa hai nước. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 375,6 tỉ USD, có nghĩa Mỹ đang mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn là hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc.

Ông Trump đã nhiều lần đổ lỗi chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh, nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ và các rào cản với công ty Mỹ muốn hoạt động tại Trung Quốc. Washington lưu ý tới kế hoạch "Made in China 2025" - chiến lược của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành người đi đầu trong ngành các ngành công nghiệp toàn cầu, bao gồm cả công nghệ, lĩnh vực mà Mỹ đang thống trị. Nhiều sản phẩm bị Mỹ áp thuế liên quan đến các ngành mà Trung Quốc đang đưa vào chiến lược này.

Nhưng theo một số chuyên gia thì vấn đề thực sự nằm ở ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên vũ đài toàn cầu, mà Mỹ muốn kiềm chế.

"Tôi không chờ đợi một thỏa thuận đột phá nào có thể giải quyết căn bản những vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc bởi chúng quá lớn, quá sâu và quá nhiều", Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ) nhận xét. "Đó không chỉ đơn giản là va chạm thương mại, mà hai nước đang dính vào một cuộc cạnh tranh địa vị toàn cầu, bao gồm thể chế thương mại, kiến trúc an ninh, quy chuẩn và thực tiễn, các giá trị và tư tưởng, và thực sự không có gì ông Tập đưa lên bàn đàm phán mà làm vừa ý yêu cầu của ông Trump về một sự thay đổi cấu trúc với Trung Quốc", ông Daly bình luận với CNBC ngày 29/11.

Ảnh hưởng toàn cầu

Mỹ và Trung Quốc chiếm tới gần 40% tổng sản phẩm toàn cầu, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Hai nước cũng là những thị trường tiêu dùng lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và là những điểm đến đầu tư quan trọng.

Điều đó có nghĩa bất cứ tác động nào đến hai nền kinh tế này cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2019, viện dẫn căng thẳng thương mại là nguy cơ lớn có thể làm chệch hướng hoạt động kinh tế thế giới.

Các công ty cũng bắt đầu phải suy nghĩ lại về các chiến lược kinh doanh. City, trong một cuộc khảo sát đầu tháng này, phát hiện nhiều khách hàng của họ đang điều chỉnh các chuỗi cung cấp nhằm đối phó với lệnh thuế bổ sung.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Trung Quốc yêu cầu tàu cá cư xử đúng mực khi diễn ra hội nghị G20
Trung Quốc yêu cầu tàu cá cư xử đúng mực khi diễn ra hội nghị G20

Chính phủ Trung Quốc đã gửi thông báo tới các tàu cá quốc gia này hoạt động ngoài khơi, cảnh báo tránh vi phạm luật quốc tế trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN