Khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tăng cường hoạt động ở phía Nam Dải Gaza, giới truyền thông liền chú ý vào Khan Yunis. Với khả năng rằng các trại tị nạn nằm liền kề và hệ thống đường hầm tại đó có thể là thành trì che giấu ban lãnh đạo Hamas, cũng như giam giữ các tù nhân Israel, việc tập trung vào Khan Yunis là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bất chấp bản chất phức tạp và tổn thất nặng nề về con người trong cuộc chiến ở Khan Yunis, Rafah dường như là một cái bẫy phức tạp hơn nữa. Vì cuộc xung đột ở đó đặt ra những thách thức đáng kể trên các đấu trường song phương, khu vực và quốc tế.
Kể từ khi Israel hoàn tất việc rút quân khỏi Sinai vào năm 1982, Rafah trở thành khu vực chia cắt giữa Ai Cập và Dải Gaza. Ngay cả sau khi Hiệp định Oslo được thực thi, Israel vẫn tiếp tục kiểm soát cửa khẩu Rafah và dải phân cách lãnh thổ Palestine với lãnh thổ Ai Cập, hay còn gọi là “Hành lang Philadelphia”. Tuyến đường này nhanh chóng trở thành trung tâm cho các hoạt động khủng bố chống lại lực lượng IDF, đồng thời trở thành đường dẫn buôn lậu vũ khí từ Sinai qua các đường hầm.
Tình trạng buôn lậu vũ khí gia tăng sau khi rút quân vào năm 2005, và với việc Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, hoạt động này càng trở nên tràn lan hơn. Sau chiến dịch “Protective Edge" năm 2014, Ai Cập bắt đầu chống buôn lậu vũ khí bằng cách phá hủy các ngôi nhà ở Rafah bên phía lãnh thổ mình, cũng như làm ngập các đường hầm dọc biên giới Ai Cập.
Nếu IDF nắm quyền kiểm soát Rafah, điều đó sẽ có ý nghĩa quan trọng. Trên đấu trường song phương, việc kiểm soát phần lãnh thổ Rafah của người Palestine và Hành lang Philadelphia sẽ không chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ nổ súng không mong muốn giữa IDF và quân đội Ai Cập, mà còn vi phạm thỏa thuận hòa bình giữa hai nước. Theo thỏa thuận, Israel bị cấm triển khai xe tăng và pháo binh ở phía đông biên giới trong dải hẹp "Khu vực D". IDF chỉ được phép bố trí 4 tiểu đoàn và không quá 180 xe bọc thép chở quân.
Việc chiếm đóng tạm thời hoặc lâu dài Rafah và Hành lang Philadelphia có thể khiến Israel vi phạm điều khoản này trong thỏa thuận hòa bình, có khả năng gây ra căng thẳng với Ai Cập hoặc thúc đẩy nhu cầu tăng cường lực lượng của Ai Cập ở Sinai. Mặc dù có thể thay đổi các điều khoản của thỏa thuận nhưng chúng cần có sự đồng ý của cả hai bên. Ngoài ra, sự hiện diện của lực lượng Israel ở Rafah và dọc Hành lang Philadelphia có thể khiến Ai Cập rơi vào tình thế khó xử. Ai Cập có thể sớm được Israel yêu cầu hành động để chặn các kênh chuyển vũ khí cho các nhóm vũ trang còn lại ở Dải Gaza. Sự chấp thuận của Ai Cập đối với yêu cầu như vậy có thể được hiểu là một thỏa thuận để Israel kiểm soát dải đất đó.
Mối quan tâm lớn nhất của Ai Cập, thể hiện rõ ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, là dòng người tị nạn từ Dải Gaza đến Sinai. Cairo kịch liệt phản đối điều này vì một số lý do: bên cạnh việc là một quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế với khả năng hạn chế trong việc hỗ trợ người tị nạn Palestine, Ai Cập lo ngại bị thế giới Arab coi là hỗ trợ Israel trục xuất hoặc ngược đãi người Palestine.
Hơn nữa, sự hiện diện của các hoạt động khủng bố của người Palestine ở Sinai, dọc biên giới Israel, có thể dẫn đến xung đột giữa Ai Cập và Israel nếu những phần tử này hành động chống lại Israel từ lãnh thổ Ai Cập.
Về mặt quốc tế, việc kiểm soát vùng đất phía bên kia Palestine của cửa khẩu Rafah có ý nghĩa quan trọng. Trong khi Israel tuyên bố rằng họ không có ý định quản lý các vấn đề dân sự của Dải Gaza và chịu trách nhiệm về nền kinh tế của người dân, luật pháp quốc tế quy định rằng việc Israel kiểm soát cửa khẩu Rafah ở phía Palestine cũng đồng nghĩa với trách nhiệm đối với sinh kế và nền kinh tế của người dân Dải Gaza.
Trong bất kỳ kịch bản nào, bất kỳ động thái nào của Israel tại Rafah và Hành lang Philadelphia đều đòi hỏi phải đàm phán và hợp tác nghiêm túc với Ai Cập. Đặc biệt, Ai Cập là nhà hòa giải quan trọng đối với Israel, không chỉ trong việc giải quyết vấn đề con tin mà còn trong mọi vấn đề liên quan đến kênh liên lạc với chính quyền Palestine nào ở Dải Gaza. Phớt lờ nhu cầu của Ai Cập có thể dẫn đến thảm họa, kéo theo việc khôi phục quyền kiểm soát của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và sự trở lại của những người bảo trợ tư tưởng của Hamas.
Câu hỏi về thời hậu chiến ở Gaza gắn liền với Rafah. Cho đến nay, Israel vẫn chưa đưa ra câu trả lời cho cộng đồng quốc tế về tương lai của Dải Gaza. Chính phủ Israel đã nhấn mạnh những gì họ không muốn (phản đối cả chế độ của Hamas lẫn đảng Fatah của chính phủ Palestine điều hành Gaza), nhưng lại không nói rõ họ muốn gì. Một giả định được đưa ra là Israel có thể muốn các quốc gia Arab – Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan – quản lý Dải Gaza, cả về mặt dân sự hoặc quân sự.
Nhiều yếu tố khác nhau ở Ai Cập đã làm rõ rằng Ai Cập không có ý định kiểm soát Dải Gaza. Tuy nhiên, ngay cả khi Ai Cập đồng ý tham gia vào các thỏa thuận trong tương lai, chẳng hạn như cử công nhân tới hỗ trợ tái thiết Dải Gaza, Israel sẽ cần phải tính đến quan điểm của Ai Cập về Rafah và Hành lang Philadelphia.