Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), đại dịch đang làm gián đoạn quan hệ thương mại Mỹ-Trung ở ba khía cạnh: nỗ lực tránh phụ thuộc thương mại, khả năng gia tăng căng thẳng thương mại trở lại, xói mòn niềm tin lẫn nhau.
Từ trước khi thế giới biết tới tên virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt lên hàng hóa của nhau một loạt mức thuế cao để "ăn miếng trả miếng" từ năm 2018, làm đứt gãy nghiêm trọng mối quan hệ thương mại có qui mô 635 tỷ USD.
Các lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải nghĩ lại và sắp xếp lại chuỗi cung để tránh chi phí thuế và bất ổn do mối đe dọa thuế cao từ Mỹ và Trung Quốc. Mỹ bắt đầu nhập thành phẩm và bán thành phẩm từ các nước khác, thay vì từ Trung Quốc như trước đây.
Nhiều quan chức thương mại Mỹ ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc cho rằng quan hệ kinh tế sâu sắc giữa hai nước là sai lầm chiến lược, có lợi cho Trung Quốc và có hại cho Mỹ. Nhiều động thái mà Mỹ thực hiện là nhằm chuyển chuỗi cung ra khỏi Trung Quốc, nếu không chuyển được về Mỹ thì ít nhất cũng phải gần Mỹ.
Tình hình đại dịch COVID-19 đã khiến những động thái này thêm khó thực hiện và còn khiến quan hệ thương mại hai nước có thêm khía cạnh xung đột mới: tính toán về y tế công cộng trở thành trọng tâm trong mối quan hệ thương mại.
Với nhiều nước, xây dựng năng lực tự cung tự cấp hàng hóa y tế và thảm thiểu rủi ro về cung là vấn đề sống còn trong đại dịch.
Theo gói kích thích khổng lồ mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua, Viện hàn lâm Khoa học, Công nghệ và Y khoa Quốc gia phải rà soát chuỗi cung trong lĩnh vực y tế mà Mỹ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, từ thuốc cho tới trang thiết bị y tế, từ đó xác định rủi ro an ninh quốc gia và y tế cộng đồng.
Theo Viện Peterson, khoảng một nửa thiết bị bảo hộ cá nhân mà Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc. Mỹ cũng nhập tới gần 70% số thiết bị bảo vệ mắt, mũi từ quốc gia châu Á này.
Nhà Trắng đang bàn cách tăng cường yêu cầu “Mua hàng Mỹ” đối với ngành y tế, dược phẩm. Trước đại dịch COVID-19, Mỹ đã cân nhắc rút khỏi Thỏa thuận Mua sắm Chính phủ của Tổ chức Thương mại Thế giới vì khiến Mỹ bị hạn chế trong áp dụng chính sách kiểu như “Mua hàng Mỹ”.
Mặc dù tranh cãi vẫn tiếp tục tại Nhà Trắng nhưng bối cảnh đại dịch đã khiến Mỹ càng muốn tăng cường sản xuất thuốc và thiết bị y tế trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, khi đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu hơn, dự kiến chuỗi cung sẽ có động lực mạnh hơn để nhanh chóng chuyển khỏi Trung Quốc theo chỉ đạo của Chính phủ Mỹ hoặc theo thực tế thương trường.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Mỹ và Trung Quốc ký hồi tháng 1 đã để lại những vấn đề khó giải quyết nhất cho các vòng đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, đại dịch và tình trạng suy giảm kinh tế đi kèm đang đe dọa quá trình thực hiện ngay cả những điều khoản được coi là dễ trong thỏa thuận giai đoạn một, đặc biệt là những điều khoản về việc kêu gọi Trung Quốc mua thêm sản phẩm Mỹ trị giá 200 tỷ USD.
Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường mua lúa mỳ và khí đốt hóa lỏng của Mỹ, đồng thời nới lỏng hạn chế về ba loại hoócmôn kích thích tăng trưởng trong thịt bò theo tinh thần của thỏa thuận.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn còn lâu mới mua đủ số lượng hàng hóa cụ thể theo lời kêu gọi. Cho dù thỏa thuận có điều khoản về tham vấn giữa hai bên nếu xảy ra các sự kiện ngoài dự kiến khiến quá trình thực hiện thỏa thuận gặp khó khăn, nhưng hiện chưa rõ hai bên sẽ xử lý vấn đề thế nào. Mỹ sẽ có quyền áp thuế cao trở lại với hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không thực hiện cam kết mua hàng Mỹ.
Trong bối cảnh đại dịch, đàm phán giai đoạn hai dường như bị hoãn vô thời hạn. Nếu các vấn đề khó khăn như chính sách công nghiệp và trợ cấp của Trung Quốc không được giải quyết thành công trong đàm phán sau đó, tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ dần nóng trở lại và khả năng áp đặt trở lại các mức thuế cao hay áp thuế mới sẽ lại xuất hiện.
Tình trạng “đình chiến” sau khi đạt thỏa thuận giai đoạn một hiện nay cuối cùng có thể sẽ đổ vỡ. Tức là, quan hệ thương mại Mỹ-Trung căng thẳng trở lại sẽ là hậu quả tiếp theo mà đại dịch COVID-19 gây ra. Thương chiến giữa hai nước một lần nữa có thể leo thang căng thẳng.
Những động lực thiện chí và tốt đẹp mà thỏa thuận giai đoạn một tạo ra đang dần mất đi vì những tranh cãi, khẩu chiến qua lại về virus SARS-CoV-2.
Tổng thống Donald Trump luôn muốn gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng không có bằng chứng cho thấy virus này bắt nguồn từ Trung Quốc, mà trong thực tế là do các quân nhân Mỹ cố tình mang vào Vũ Hán khi dự một hội thao tại đây hồi năm ngoái.
Tại một thời điểm nào đó trong tương lai, quan chức Mỹ và Trung Quốc cuối cùng sẽ phải ngồi đàm phán thương mại với nhau. Tuy nhiên, sự mất lòng tin và tranh cãi gay gắt về virus SARS-CoV-2 sẽ khiến công việc đàm phán trở nên khó khăn hơn nhiều.
Tình trạng chuỗi cung đổ vỡ, khả năng căng thẳng thương mại gia tăng và không khí thù địch giữa hai bên sẽ khiến con đường phía trước càng thêm phức tạp.
Trong khi cả hai nước đều tập trung vào đại dịch COVID-19, chỉ cần vài bước đi nhỏ có thể giúp hạn chế hậu quả về quan hệ thương mại.
Theo ông Stephen Olson, thành viên nghiên cứu của Tổ chức Hinrich về thương mại toàn cầu có trụ sở ở Hong Kong, hai bên cần kiềm chế áp thêm thuế trong giai đoạn dịch bệnh, ra tuyên bố cam kết chung về thực hiện đàm phán giai đoạn hai càng sớm càng tốt, giảm giọng điệu chỉ trích lẫn nhau.