Theo Đại úy Hải quân đã nghỉ hưu Mỹ, Thomas R. Fedyszyn, xen giữa các hoạt động ngoại giao và chính trị bàn về các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Hải quân Nga đã thực hiện một loạt các động thái như điều ít nhất 4 tàu chiến, 1 tàu trinh sát và 1 tàu sửa chữa neo đậu tại cảng Tartus của Syria cùng với các đơn vị khác của Nga. Rõ ràng là, khi quân đội Mỹ "xoay trục” tới chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, Hải quân Nga đã "tái cân bằng" trở lại vùng biển châu Âu vốn rất quen thuộc thời Chiến tranh Lạnh. Nga dường như đang triển khai và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai lực lượng hải quân của mình lấp vào khoảng trống được tạo ra khi lực lượng hải quân Mỹ vắng mặt ở Địa Trung Hải. Do đó, Mỹ nên có phản ứng bằng cách bổ sung thêm một loạt các tàu chiến tới khu vực này như: một căn cứ tàu nổi ở phía trước (AFSB) và một số tàu chiến đấu ven biển (LCS), các tàu khu trục tên lửa (DDG) theo kế hoạch đã triển khai trong giai đoạn 2014 – 2015.
Chiến lược mới của Mỹ đã đánh giá các khu vực trên thế giới như sau: Châu Á -Thái Bình Dương sẽ là khu vực trung tâm địa chiến lược mới; khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục trong tình trạng hỗn loạn và mất ổn định; châu Phi và Mỹ Latin sẽ trở thành chiến trường có chi phí thấp; và châu Âu, đối tác chính của Mỹ, sẽ trở thành một chiến trường mà Washington sẽ phải cân bằng lại vì nó đã trở thành một nhà bảo trợ chứ không phải là một người cần bảo trợ về an ninh.
Tàu ngầm của Hải quân Nga. Ảnh: Itar-Tass |
Fedyszyn cho rằng, thế hệ thủy thủ trước đây của Hải quân Mỹ đã xem việc triển khai tới Địa Trung Hải như là cơ hội để giành ưu thế trong cuộc đối đầu với hải quân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù bị giới hạn về không gian, nhưng Địa Trung Hải luôn thu hút số lượng lớn các tàu chiến tiên tiến từ cả hai bên và luôn luôn có ít nhất một đội tàu chiến và tàu sân bay Mỹ hoạt động trong khu vực này.
Tuy nhiên, chiến lược xoay trục tới châu Á cùng với kế hoạch chiến tranh của NATO được thay thế bởi việc ưu tiên lực lượng hải quân cho cuộc chiến chống khủng bố và đối phó với sự bất ổn trên phạm vi toàn cầu, khiến cho Địa Trung Hải chỉ đơn giản là điểm dừng quá cảnh cho tàu chiến thuộc Hạm đội Đại Tây Dương (Mỹ) trên đường đến vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và Vịnh Aden. Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và chuyển hướng ưu tiên của Mỹ ra khỏi Địa Trung Hải đã tạo ra một khoảng trống quyền lực hàng hải trong khu vực này và có thể để lại “một hậu quả nghiêm trọng” trong suốt thế kỷ 21 của hải quân Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, với việc tận dụng tốt cơ hội để nâng cao hình ảnh của Moskva trên trường quốc tế, đã nhận thức được rằng đang có một khoảng trống quyền lực tại Địa Trung Hải trong vài năm trở lại đây. Trong bối cảnh hạm đội của Nga đang bị suy yếu sau nhiều năm không được quan tâm và chỉ là cái bóng của thời Liên Xô, sức chiến đấu ở trong tình trạng bấp bênh, ông Putin nhận thấy sự cần thiết phải hiện đại hóa lực lượng hải quân nước nhà. Kể từ đó, Nga đã cải tiến đáng kể quy mô các đội tàu chiến và sẵn sàng tăng cường tuần tra trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Syria. Năm 2013, riêng Hạm đội Biển Đen đã thực hiện 17 chuyến tuần tra và 39 chuyến viếng thăm các cảng ở Địa Trung Hải.
Vào tháng 1/2013, Nga đã tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Địa Trung Hải kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trong chuyến thăm Hạm đội Biển Đen vào tháng 2/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh rằng "khu vực Địa Trung Hải là nguồn cơn của tất cả các mối nguy hiểm tiềm tàng đối với lợi ích quốc gia của Nga" và ảnh hưởng của “Mùa xuân Arập đang lan tới khu vực quan trọng này". Ngay sau đó, ông đưa ra một chính sách hải quân mới của Nga với việc quyết định thành lập một lực lượng tàu chiến đặc nhiệm thuộc Bộ Hải quân ở Địa Trung Hải.
Nhiều người cho rằng lực lượng đặc nhiệm trên sẽ nằm dưới sự kiểm soát vĩnh viễn của Hạm đội Biển Đen do có sự gần gũi với khu vực, và tàu tuần dương tên lửa Moskva hiện đại nhất của Nga cũng sẽ được triển khai ở đó. Theo một số báo cáo của các phương tiện truyền thông, sẽ có khoảng 10 tàu chiến hiện đại từ các hạm đội khác nhau của Nga hoạt động lâu dài ở Địa Trung Hải. Đô đốc Viktor Chirkov, Tư lệnh của Hạm đội Biển Đen nói thêm rằng số lượng tàu trong lực lượng đặc nhiệm trên có thể được mở rộng "bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân" và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng được cho là sẽ trở thành một phần của lực lượng này, mặc dù nó đang được nâng cấp. Lực lượng đặc nhiệm thường trực sẽ thực hiện các bài huấn luyện để sẵn sàng đối phó với bất kỳ lực lượng hải quân nào của NATO ở ven biển Địa Trung Hải, cũng như với Israel và Trung Quốc.
Chiếc tàu khu trục đầu tiên trong loạt tàu thuộc Dự án 11356 mới được chế tạo cho Hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh: RIA Novosti |
Theo Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ, sự xoay trục của hải quân Nga trở lại Địa Trung Hải có thể được giải thích bằng một số tính toán hợp lý. Có lẽ đó là sự kết hợp đơn giản giữa cung và cầu.
Từ góc độ nguồn cung, sau khi có kế hoạch xây dựng lại lực lượng quốc phòng trong nhiều năm, Nga cuối cùng đã có khả năng thực hiện những bước đầu tiên. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm đã đưa Nga vào danh sách là 1 trong 3 nước đứng đầu về chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu, sau Mỹ và Trung Quốc. Với mức tăng trưởng ấn tượng 113% trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp đóng tàu và việc hiện đại hóa Hải quân Nga đang nhận được nguồn kinh phí phân bổ ngày càng nhiều, lên tới hơn 132 tỷ USD từ nay đến năm 2020, theo Reuters.
Ngoài ra, các nhà máy đóng tàu của Nga cũng đã bắt đầu cung cấp những tàu chiến mới cho các hạm đội của nước này. Theo báo cáo mới nhất từ phía Nga, Hải quân nước này nhận được 36 tàu chiến năm 2013, một số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử nước Nga. Không thể phủ nhận rằng tàu ngầm lớp Yasen cỡ lớn hơn, các tàu khu trục lớp Steregushchiy, tàu hộ tống lớp Gorshkov, tàu đổ bộ lớp Ivan Gren và tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei … cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Mong muốn mở rộng hạm đội của mình cũng đã dẫn đến việc Nga mua tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp cũng như tăng cường sản xuất tên lửa hành trình.
Về phía cầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng việc nâng cấp mạnh mẽ lực lượng quốc phòng của Nga là một phản ứng hợp lý trong một nỗ lực nhằm tạo thế “cân bằng chiến lược” đối Mỹ và NATO trong bối cảnh phương Tây tăng cường triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở châu Âu. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng việc đáp trả quân sự của Nga phải được "tính toán cẩn thận và nhanh chóng".
Tại sao Địa Trung Hải lại được chọn làm nơi để quân đội Nga có thể phản ứng một cách nhanh chóng theo chiến lược trên? Thứ nhất, cánh cửa duy nhất để Hạm đội Biển Đen của Nga vươn ra đại dương là Địa Trung Hải. Nga từ lâu cũng có quan hệ kinh tế với một số nước trong khu vực như Hy Lạp, Libya, Síp và Algeria cũng như có một số hợp đồng mua bán vũ khí với một số quốc gia ven biển Địa Trung Hải, trong đó có Pháp và Algeria. Một khía cạnh khác nữa là cơ sở hậu cần của Nga ở Tartus, một vị trí ngày càng quan trọng chiến lược trong giai đoạn đang diễn ra cuộc xung đột Syria, đặc biệt là trong trường hợp cần sơ tán công dân Nga ở quy mô lớn. Cuối cùng, Hải quân Nga sẽ có thể tăng khả năng chiến đấu và phát triển các bài huấn huyện trong môi trường phức tạp hơn khi hoạt động ở Địa Trung Hải trong những tháng mùa đông.
Trong khi đó, các lực lượng hải quân của NATO trong khu vực này đã bị suy giảm trong nhiều năm. Các đồng minh châu Âu của Mỹ sẵn sàng rời khỏi Địa Trung Hải đơn giản chỉ vì NATO tuyên bố rằng các chiến trường tại châu Âu đang mất dần ý nghĩa chiến lược. Trong thực tế, phương Tây đã đánh giá thấp giá trị của Địa Trung Hải và Tổng thống Nga Putin đã phản ứng như một nhà đầu tư khôn ngoan. Đến nay, dù hạm đội Biển Đen vẫn bị giới hạn hoạt động, nhưng theo các nhà quân sự thì điều đó "không thể ngăn cản sự tung hoành của Nga ở Biển Đen tới Địa Trung Hải" và khi quá trình sáp nhập Crimea vào Nga hoàn tất, Hải quân Nga sẽ như "hổ mọc thêm cánh".
Xem tiếp Kỳ 2 tại đây
Công Thuận (Theo U.S.N.I)Kỳ cuối: Toan tính của Mỹ