Hải quân Nga 'tái cân bằng' đến Địa Trung Hải-Kỳ 2: Toan tính của Mỹ

Theo Đại úy Hải quân Mỹ Thomas R. Fedyszyn, chiến lược của Mỹ có lẽ sẽ là tốt hơn nếu không chỉ xem xét Địa Trung Hải đơn thuần là một tiểu vùng thuộc châu Âu, mà thay vào đó nó là trung tâm giữa 3 khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu. Do đó, lực lượng quân sự Mỹ nếu được bố trí ở đó nên đáp ứng với những nhu cầu về môi trường an ninh của 3 khu vực trên. Dù phải thừa nhận rằng Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với những áp lực kinh tế (cắt giảm ngân sách quốc phòng), nhưng Mỹ nên lưu ý đến cán cân quyền lực và thông báo với Nga rằng thực tế không có khoảng trống an ninh tại khu vực này.

Sự hiện diện của Hải quân Mỹ hiện nay tại Địa Trung Hải không còn phù hợp với những khả năng chiến lược (vốn được đề cập trong Chiến lược biển của NATO) trong giai đoạn bất ổn và bạo lực này (ví dụ tình hình hỗn loạn đang diễn ra tại Libya, Ai Cập và Syria). Trong khi Chiến lược biển của NATO nhấn mạnh sự cần thiết của việc chia sẻ thông tin, các nhiệm vụ ngăn chặn, nâng cao nhận thức không gian hàng hải (MDA), bổ sung lực lượng đặc biệt và hoàn thiện chiến lược tác chiến ngư lôi, thì thay vào đó, Mỹ và đồng minh NATO lại đi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo ở châu Âu (EPAA).

Hệ thống EPAA có mục đích chính là bảo vệ Liên minh châu Âu (EU) trước những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tiềm tàng từ các nước đối địch, đặc biệt là Iran. Tuy nhiên, nếu cho rằng hệ thống này giữ vai trò nền tảng cho sự hiện diện tại Địa Trung Hải của hải quân Mỹ, thì rõ ràng là Lầu Năm Góc đang có những định hướng chiến lược sai lầm. Trong thực tế, hệ thống phòng thủ trên của NATO giống như hành động khiêu khích hơn là việc ngăn cản các hành động của Hải quân Nga.
 

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Gibraltar tới Địa Trung Hải tháng 8/2013. Ảnh: RIA Novosti


Rõ ràng, Nga cho rằng bất kỳ sự triển khai của Mỹ nào nhằm hỗ trợ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) đều là một thách thức đối với lực lượng hạt nhân chiến lược của mình. Sẽ là phù hợp hơn nếu Mỹ hạ thấp vai trò của BMD và làm nổi bật tất cả các khả năng quân sự tiên tiến khác mà Hải quân Mỹ có ưu thế. Ngược lại, với khả năng tác chiến chống ngầm và đối không hạn chế, NATO sẽ có nhu cầu tiến hành tập trận hải quân đa quốc gia thường xuyên hơn với Mỹ. Đây chính là cơ hội cho tàu chiến Mỹ triển khai tới khu vực Đông Địa Trung Hải và khi đó sẽ xuất hiện một mối đe dọa rõ ràng bằng tên lửa đạn đạo.

Nói cách khác, những tàu chiến này nên đảm nhiệm vai trò như là một lực lượng đặc nhiệm thường trực và đa năng tại Đông Địa Trung Hải. Nó cũng sẽ là lực lượng phản ứng đầu tiên và trước hết đối với bất kỳ cuộc khủng hoảng và xung đột tiềm năng nào tại các khu vực ven biển Địa Trung Hải, từ Gibraltar đến Suez. Đặc biệt, việc thay đổi cảng neo đậu thường xuyên này không cần phải tốn nhiều tiền thuế của người dân Mỹ, giới lãnh đạo hải quân Mỹ đánh giá đây là một phương thức hiệu quả và không quá đắt đỏ.
 
Fedyszyn cho rằng đây có thể thực sự là một ý tưởng hay. Mỹ nên triển khai các tàu khu trục tên lửa dẫn đường (DDG) theo mô hình bố trí của cả hai Hạm đội 5 và 7 ở Địa Trung Hải. Thứ nhất, sự bố trí này là cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn việc chuyên chở hàng lậu. Mỹ có thể thiết lập một “căn cứ tấn công nổi” (AFSB) ở bất cứ nơi nào tại khu vực Địa Trung Hải. AFSB sẽ là cơ sở đồn trú của các loại xuồng cao tốc và trực thăng để thực hiện việc triển khai nhanh lực lượng Tác chiến Hải quân đặc biệt (SEAL), biệt kích và lính đặc nhiệm khác tại vùng duyên hải. Như vậy, một tàu AFSB như tàu USS Ponce của Hạm đội 5, có thể là một nhân tố quan trọng cho các hoạt động di tản và tăng cường thêm lực lượng đặc nhiệm, đồng thời giúp cho máy bay trực thăng thực hiện nhiệm vụ chủ yếu trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Thứ hai, để hỗ trợ chống khủng bố và buôn lậu, đẩy mạnh sự hiện diện, các tàu tấn công ven biển (LCS) đang được Mỹ phát triển có thể được triển khai với số lượng tương tự như Lầu Năm Góc đang thực hiện ở Singapore đối với Hạm đội 7. Ưu điểm của những chiếc tàu này là chúng có thể triển khai với số lượng lớn, nhưng quy mô lại nhỏ, chi phí bảo trì thấp, có khả năng đi vào những cảng hẹp và cạn ở châu Âu. Nhằm bổ sung tàu khu trục thường xuyên neo đậu tại các cảng ở Tây Ban Nha, vị trí tốt nhất để bố trí AFSB là ở giữa Địa Trung Hải, cùng phối hợp với các tàu chiến thuộc Hạm đội 6 ở Italy, trong khi đó LCS cũng được bố trí tại Đông Địa Trung Hải, hoàn hảo nhất là ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chi phí để cơ động những tàu chiến cỡ nhỏ trên tới Địa Trung Hải sẽ không đáng kể so với chi phí của chiến lược “tái cân bằng” tới châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng lợi ích mà nó mang lại là rất lớn. Thứ nhất, nó sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới những đồng minh NATO của Washington: Chúng tôi đang thiết lập an ninh ở châu Âu với một ưu tiên cao. Đây là một sự “bảo đảm đối với các đồng minh” một cách hoàn hảo – một vấn đề đã được nhấn mạnh trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ -  với một cái giá vừa phải. Cùng với sự đảm bảo này, Mỹ có thể yêu cầu các đồng minh chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng trong các diễn đàn của NATO.
 
Trong vài thập kỷ qua, Hải quân Nga đã không có khả năng thực hiện những mục tiêu mà họ đặt ra: bảo vệ đồng minh, khuếch trương thanh thế, thể hiện sức mạnh và tác động đến cán cân quyền lực. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, Hải quân Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ và họ quyết định tăng cường sự hiện diện của mình ở Địa Trung Hải khi mà NATO không đủ khả năng để kiểm soát khu vực này. Việc tái cân bằng lực lượng nhỏ hải quân Mỹ tới Địa Trung Hải có thể sẽ là một sự lựa chọn chiến lược khôn ngoan nhằm: vừa kiềm chế sự trỗi dậy của Nga trong khu vực vừa chứng minh rằng Mỹ đang thực hiện những cam kết của mình với đồng minh ở châu Âu. Nói cách khác, sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ tại đây sẽ là một sự đầu tư với chi phí thấp nhưng mang lại giá trị chiến lược tiềm năng lớn, đại úy Fedyszyn nhận định.
 

Công Thuận (U.S.N.I)
 
 
 
 
 
 

Hải quân Nga 'tái cân bằng' đến Địa Trung Hải-Kỳ 1: 'Hổ mọc thêm cánh'
Hải quân Nga 'tái cân bằng' đến Địa Trung Hải-Kỳ 1: 'Hổ mọc thêm cánh'

Khi NATO và Mỹ không giành ưu tiên cho một khu vực từng là trung tâm chiến lược trên thế giới, Nga đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN