Nhận định với tờ Politico châu Âu (Politico.eu) mới đây, ông Jörg Rocholl, Hiệu trưởng của Trường Quản lý và Công nghệ châu Âu tại Berlin (Đức), cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, đang diễn ra với nhiều thay đổi quan trọng và kết quả sẽ có tác động toàn cầu, đặc biệt là đối với EU. Tuy nhiên, bất kể kết quả là gì, lợi ích của EU không hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Washington và đã đến lúc EU cần nhận ra để phản ứng phù hợp trước những thay đổi chiến lược từ Mỹ.
Dù ai thắng cử, Mỹ đang tiếp tục chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính sách này đã bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Obama và tiếp tục dưới thời Donald Trump và Joe Biden.
Ngoài vấn đề chiến lược, Mỹ cũng đang chuyển dịch sang các chính sách kinh tế mang tính bảo hộ, như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và duy trì thuế quan đối với thép và nhôm từ thời chính quyền của ông Trump. Điều này đã gây ra căng thẳng kinh tế với châu Âu, đặc biệt khi chính quyền của ông Biden không mở rộng các khoản ưu đãi với xe điện cho các nhà sản xuất châu Âu. Nếu ứng cử viên tổng thống Kamala Harris đắc cử, chính sách kinh tế của bà nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo hướng này, dẫn đến cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Thay vì hy vọng vào một kết quả bầu cử có lợi, EU cần xác định và hành động theo những mục tiêu chiến lược riêng để duy trì tự chủ và bảo vệ lợi ích dài hạn. Các biện pháp quan trọng mà châu Âu cần triển khai bao gồm:
Thứ nhất, tăng chi tiêu quốc phòng và hợp tác nội khối: EU cần tăng cường chi tiêu cho an ninh và quốc phòng để củng cố năng lực tự vệ và đảm bảo rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ khi cần thiết. Việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia châu Âu có nền công nghiệp quốc phòng mạnh sẽ giúp EU xây dựng một hệ thống quốc phòng tự chủ hơn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới trong khu vực dân sự.
Thứ hai, phát triển thị trường vốn và củng cố đồng euro: EU cần xây dựng các thị trường vốn mạnh hơn và củng cố vị thế của đồng euro như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu. Việc này sẽ giúp cải thiện khả năng tài trợ cho các dự án đổi mới và tăng trưởng ở châu Âu, đồng thời tăng cường tính tự chủ và độc lập chiến lược của khu vực.
Thứ ba, đàm phán các thỏa thuận thương mại toàn diện: EU cần tích cực thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với các khu vực khác để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Sự thất bại của Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) là một bài học quý giá. EU cần tránh lặp lại sai lầm này với các khu vực như Mỹ Latinh và châu Phi, đặc biệt là với thỏa thuận Mercosur.
Dù vậy, Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng nhất của châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và thông qua NATO. Nhưng điều này không có nghĩa là lợi ích của hai bên hoàn toàn phù hợp. Do đó, EU cần thừa nhận rằng những thay đổi chiến lược của Mỹ không chỉ là tạm thời mà là một xu hướng dài hạn, đòi hỏi khối phải xây dựng một chiến lược độc lập và phù hợp hơn để bảo vệ lợi ích của mình.
Có thể nói đã đến lúc EU ngừng đặt hy vọng vào kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ và bắt đầu hành động quyết liệt để xây dựng sức mạnh chiến lược và kinh tế độc lập. Điều đó không chỉ giúp châu Âu duy trì được sự tự chủ mà còn bảo đảm rằng EU có thể đối mặt với những thách thức quốc tế một cách tự tin và kiên định.