Cuộc xung đột Ukraine sẽ nóng trở lại?

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga mới đây, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Moskva không muốn Ukraine bị chia cắt. "Chúng tôi luôn luôn tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine... Xin hãy đừng tin những ai lấy nước Nga ra để dọa nạt các bạn, những ai đang lớn tiếng rằng tiếp theo Crimea (Crưm) sẽ là những khu vực khác. Chúng tôi không muốn chia cắt Ukraine, chúng tôi không cần điều đó", ông Putin nói.

Nhưng Ukraine thực sự đã bị chia cắt, nếu không nói là về mặt địa lý, thì rất nhiều người Nga và các dân tộc nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine vẫn không hài lòng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và chống Nga tại Kiev cùng một số tỉnh miền tây.

Các vùng như Kharkov, Lugansk và Donetsk từng là các tỉnh của Nga cho đến khi chúng được sáp nhập vào Ukraine năm 1918 vì lý do chính trị và ý thức hệ.

Không thể nói rằng hầu hết tất cả mọi người ở những khu vực trên đều có nhu cầu sáp nhập lại với Nga. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1991, phần lớn các tỉnh phía đông Ukraine đã bỏ phiếu tách ra khỏi Liên Xô, không giống như người dân Crimea trong cuộc trưng cầu mới đây.

Nhưng kể từ đó (năm 1991), đã xuất hiện những thăng trầm trong mối quan hệ giữa các tỉnh miền đông Ukraine với các chính phủ tại Kiev. Các chính quyền được lập lên ở Kiev đã không có chính sách nhất quán đối với khu vực này, lúc thì lạnh nhạt, lúc thì mạnh mẽ.

Nhìn chung, khu vực miền Đông đã có một sự tự chủ nhất định và có mối quan hệ gần gũi với Nga để tạo ra công ăn việc làm, thu nhập trong khi vẫn nộp thuế cho Kiev. Tiếng Nga cũng đã được công nhận là ngôn ngữ chính thức trong khu vực, bên cạnh tiếng Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình bạo lực diễn ra tại Kiev vào tháng 2 vừa qua đã thay đổi nguyên trạng. Những nỗ lực nhằm xóa bỏ luật ngôn ngữ ngay lập tức và thay thế lãnh đạo người địa phương bằng những người thân phương Tây của Kiev đã dẫn đến tình trạng bất ổn. Điều này đã hạ thấp uy tín của Kiev và gây ra mối quan ngại từ Moskva.

Kharkov, Lugansk và Donetsk từng là các tỉnh của Nga cho đến khi chúng được sáp nhập vào Ukraine vào năm 1918. Ảnh: Reuters


Tổng thống Putin bày tỏ mối ngại này trong bài phát biểu trước lưỡng viện Nga: "Hàng triệu người Nga, người dân nói tiếng Nga đang sinh sống và sẽ tiếp tục sống ở Ukraine. Nga và sẽ luôn luôn bảo vệ lợi ích của họ bằng tất cả các phương tiện chính trị, ngoại giao và pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu vẫn là chính Ukraine, quyền và lợi ích của những người này nên được quan tâm và đảm bảo - đây chính là cách thức để đảm bảo sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Đồng tình với quan điểm của Tổng thống Putin, ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ AST có trụ sở tại Moskva nói thêm rằng, điều đó phụ thuộc chủ yếu vào Ukraine và một phần vào cộng đồng quốc tế . "Ukraine về cơ bản là một quốc gia bị thất bại và nếu chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy mạnh mẽ, củng cố quyền lực và gây đổ máu ở đông Ukraine, Nga sẽ không ngồi yên. Moskva sẽ làm những gì được cho là đúng", ông Pukhov nói.

Nhìn từ quan điểm quân sự thuần túy, có vẻ như không có gì trở ngại thực sự nếu các lực lượng của Nga tiến vào Ukraine. Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh thừa nhận rằng quân đội Ukraine đang trong tình trạng khó khăn. Điều này được chứng minh qua việc lực lượng ủng hộ Nga đã tiếp quản nhanh chóng tất cả các căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea.


Ông Tenyukh cho rằng Ukraine không thể đáp trả vì không có lời tuyên chiến chính thức từ Nga và bất kỳ hành động quân sự nào từ phía Kiev cũng sẽ bị cho là sự gây hấn và khiêu khích. Hơn nữa, lòng trung thành của các sĩ quan và binh sĩ quân đội Ukraine lại đang bị lung lay.

Chuyên gia Ruslan Pukhov cũng tại AST nhận định:  "Nếu dân Nga ở Ukraine bị ngược đãi, Moskva sẽ không có lựa chọn nào khác là phải can thiệp, như cách đã làm với Crimea. Nga chắc chắn đã có không có kế hoạch để sáp nhập Crimea và những gì xảy ra là một sự phản ứng phù hợp với các mối đe dọa từ chính phủ dân tộc cực đoan ở Kiev”.

Theo tướng Yevgeniy Lobachev, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh liên bang (FSB), nếu lực lượng Vệ binh Quốc gia mới được thành lập ở Ukraine có các thành phần chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bắt đầu các hành động khiêu khích, Moskva sẽ có căn cứ pháp lý để can thiệp nhằm bảo vệ thường dân Nga sinh sống tại các khu vực khác của Ukraine.


Vũ Thanh
(R.B.H)
Mỹ có thực sự muốn giúp Ukraine?
Mỹ có thực sự muốn giúp Ukraine?

Lý do tại sao Mỹ cần phải suy nghĩ hai lần trước khi gọi Ukraine là một đồng minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN