Đằng sau cơn sốt khiến 'vàng vĩ đại trở lại"

Các đối thủ của Mỹ từ lâu đã khao khát một tương lai không phụ thuộc vào đồng USD, và giờ đây chính quyền Tổng thống Trump lại vô tình củng cố lập luận đó cho họ, khi làm cho "vàng vĩ đại trở lại".

Chú thích ảnh
Một cửa hàng trang sức ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh:  China Daily

Theo trang Asia Times, cơn sốt vàng ngày càng gia tăng từ các ngân hàng trung ương cho thấy hậu quả từ chính sách tài khóa của Tổng thống Donald Trump mới chỉ bắt đầu.

 “Cơn sốt vàng” và lời cảnh báo từ thị trường toàn cầu

Khi các cơ quan tiền tệ hàng đầu đổ xô vào vàng với mức giá cao kỷ lục, mục tiêu thực sự của họ là giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Động thái này phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump rằng việc cắt giảm thuế hàng nghìn tỷ USD sẽ tự bù đắp. Đây cũng là một phản ứng đối với các mức thuế quan hỗn loạn của Trump.

Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) có trụ sở tại Washington gọi "Dự luật to đẹp" mà Đảng Cộng hòa vừa phê chuẩn là dự luật hòa giải tốn kém nhất trong lịch sử. Khoản nợ quốc gia này sẽ tăng thêm 4,1 nghìn tỷ USD đến năm 2034. Nếu các điều khoản tạm thời được áp dụng vĩnh viễn, con số này sẽ tăng lên 5,5 nghìn tỷ USD.

Khi Bộ Tài chính của Tổng thống Trump vạch ra chiến lược về cách tài trợ cho các khoản chi tiêu mạnh tay của mình, họ sẽ phải dựa vào Trung Quốc và phần còn lại của châu Á, nơi có những chủ nợ công lớn nhất của Mỹ, để có nguồn tiền. Nhiều chủ nợ lớn này, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện đang phải đối mặt với các mức thuế quan đối ứng của ông Trump.

Nhưng mọi thứ đang không diễn ra theo đúng kế hoạch, nếu nhìn vào xu hướng trên thị trường vàng.

Trung Quốc vốn không nổi tiếng với việc theo đuổi các thị trường tăng giá phi mã. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã làm khi bổ sung vào dự trữ vàng chính thức của mình trong tháng thứ tám liên tiếp vào tháng 6, bất chấp giá giao dịch gần mức cao kỷ lục.

Lượng vàng thỏi nắm giữ của PBOC đã tăng 70.000 troy ounce vào tháng trước. Kể từ khi đợt mua vàng hiện tại của ngân hàng trung ương bắt đầu vào tháng 11, PBOC dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Pan Gongsheng đã gia tăng thêm 1,1 troy ounce vàng, tương đương khoảng 34,2 tấn.

Điều này diễn ra bất chấp việc giá vàng đã tăng vọt hơn 26% từ đầu năm đến nay. Không phải ngẫu nhiên mà đợt tăng giá này, cùng với việc các ngân hàng trung ương tích trữ vàng, lại nóng lên sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái và kể từ khi kỷ nguyên Trump 2.0 chính thức bắt đầu vào tháng 1 năm nay.

Điều này khiến Trung Quốc phải xem xét lại sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ nói chung. Krishan Gopaul, một nhà phân tích tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết lượng vàng mua ròng của Bắc Kinh từ đầu năm đến nay đã đạt 19 tấn.

Chính sách thuế quan hỗn loạn và khối nợ khổng lồ: Gót chân Achilles của nước Mỹ

Tổng thống Trump đã trở lại nắm quyền với những kế hoạch thậm chí còn lớn hơn nhằm hạn chế sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và đẩy nhanh tốc độ gia tăng nợ công của Mỹ lên mốc 30 nghìn tỷ USD và hơn thế nữa.

Không có gì ngạc nhiên khi đồng USD đã giảm giá 13%, và đà sụt giảm này được dự đoán sẽ còn tiếp tục. Tất nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy, khi nhu cầu mua đô la tăng mạnh ở một số nơi sau khi Tổng thống Trump áp thuế 50% mới lên đồng và hàng hóa Brazil.

"Chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương đang mua vàng để đa dạng hóa dự trữ, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và phòng ngừa lạm phát cũng như bất ổn kinh tế", nhà phân tích Lawson Winder tại Bank of America nhận định. "Chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn xoay quanh thuế quan của Mỹ và lo ngại về thâm hụt ngân sách."

Chiến lược gia Daniel Von Ahlen của TS Lombard nhận định rằng: “Những đòn công kích của ông Trump nhắm vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cùng với mong muốn công khai về một đồng USD yếu hơn, chỉ càng củng cố quan điểm đó. Đồng USD hiện vẫn bị định giá cao so với hầu hết các thước đo tỷ giá hối đoái. Khi các yếu tố bất lợi đối với USD đang hiện diện khắp nơi, thì tại sao lại không kỳ vọng đồng đô la sẽ bị định giá thấp trong thời gian tới? Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm bán khống mạnh USD trong danh mục đầu tư của mình".

Mỹ đang “vũ khí hóa” hệ thống tài chính toàn cầu?

Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đặc biệt sôi động ở các chính phủ không mấy thiện chí với lợi ích của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và các quốc gia vùng Vịnh như Qatar.

Các quốc gia BRICS như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi không hề ngần ngại thể hiện mong muốn loại bỏ đồng USD. Nỗ lực tạo ra một đồng tiền thay thế USD giờ đây có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi Đảng Cộng hòa, và giờ đây là chính ông Trump đang gia tăng sức ép lên Brazil.

Tổng thống Trump đã áp thuế 50% đối với những gì ông gọi là "các cuộc tấn công" của Brazil vào các công ty công nghệ Mỹ và theo đuổi nỗ lực chống lại cựu Tổng thống Jair Bolsonaro.

Các thành viên BRICS có thể xem xét đòn tấn công này trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách biến sự thống trị tài chính của mình thành vũ khí.

Và mặc dù Quốc hội Mỹ gần đây đã từ bỏ kế hoạch trao cho Nhà Trắng quyền áp thuế đối với các công ty và cá nhân đến từ những quốc gia mà họ "không ưa", giới phân tích vẫn lo ngại sâu sắc rằng các biện pháp như vậy có thể vẫn đang được âm thầm chuẩn bị. Theo họ, thiệt hại thực sự đã xảy ra.

Chính ý tưởng này “thách thức bản chất cởi mở của thị trường vốn Mỹ khi công khai sử dụng việc đánh thuế lên các khoản nắm giữ tài sản Mỹ của nước ngoài như một đòn bẩy để theo đuổi các mục tiêu kinh tế của Washington”, nhà kinh tế George Saravelos thuộc Deutsche Bank nhận định. Ông cảnh báo việc “vũ khí hóa thị trường vốn Mỹ” sẽ tạo ra nguy cơ “cho phép chính quyền Mỹ biến một cuộc chiến thương mại thành một cuộc chiến vốn nếu họ muốn”.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Giá vàng châu Á tăng nhẹ khi thị trường dần 'chai sạn' với căng thẳng thuế quan
Giá vàng châu Á tăng nhẹ khi thị trường dần 'chai sạn' với căng thẳng thuế quan

Giá vàng châu Á tăng nhẹ trong phiên chiều 10/7, giữa lúc giới đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán thương mại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng “mặt trận thuế quan” của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN