Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành Ngân hàng chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ.
Ngành Ngân hàng ghi nhận nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng xanh
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề về tăng trưởng xanh. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã ban hành khung pháp lý, chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số nghị định triển khai. Mới đây, ngày 4/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Ngành Ngân hàng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và tập trung đầu tư vốn trong lĩnh vực tài chính xanh. Các TCTD đã rất chủ động phối hợp, tạo điều kiện và đầu tư vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực đảm bảo an toàn về môi trường. Trong 10 năm trở lại đây, ngành Ngân hàng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng xanh.
Với vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế, các ngân hàng và tổ chức tín dụng có tiềm năng to lớn trong việc định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển xanh, từ năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, đến các dự án tiết kiệm năng lượng và xử lý chất thải. Đến cuối tháng 3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, quá trình triển khai phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những rào cản, thách thức lớn nhất hiện nay là khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thật sự đồng bộ và hoàn thiện.
Toàn cảnh Tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến Tài chính xanh”
Tọa đàm đã tập trung làm rõ những tác động cụ thể của việc chưa đồng bộ, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến tài chính xanh gây cản trở đến quá trình phát triển tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của các TCTD; đồng thời, đưa ra đề xuất kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý, các địa phương, doanh nghiệp để sớm tháo gỡ, giải quyết để tài chính xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đóng góp hiệu quả và thành công cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia mà Việt Nam đã đặt ra.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các ngân hàng tham dự đã đề xuất ba nhóm giải pháp quan trọng để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tín dụng xanh.
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế ưu đãi tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh. Cụ thể, Nhà nước nên sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 21 về phân loại dự án xanh, đồng thời áp dụng các chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động cho vay xanh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cấp bù lãi suất hoặc trợ cấp lãi suất để giảm chi phí vay cho các dự án nông nghiệp xanh, hữu cơ hoặc tuần hoàn.
Thứ hai, cần có các chính sách khuyến khích rõ ràng đối với các tổ chức tín dụng tiên phong trong triển khai tín dụng xanh. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng xanh cao, từ đó tạo động lực tài chính thực chất để các ngân hàng chuyển hướng danh mục tín dụng theo hướng xanh hóa.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn về quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Việc xây dựng bộ tiêu chí rủi ro xã hội theo thông lệ quốc tế sẽ là nền tảng giúp các tổ chức tín dụng hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro môi trường - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế trong việc nhận vốn tài trợ và ủy thác đầu tư vào các dự án xanh.
Thứ tư, cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về đánh giá rủi ro môi trường, xã hội và có cơ chế, chính sách để các tổ chức tín dụng khai thác tối đa nguồn dữ liệu này.
Agribank đồng hành cùng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Là ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu, với sứ mệnh trọng tâm phục vụ “Tam nông”, Agribank đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc triển khai các chương trình tín dụng xanh, góp phần đưa dòng vốn ngân hàng lan tỏa vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank chia sẻ tại Tọa đàm
Ngay từ năm 2016, Agribank đã đi đầu trong việc triển khai Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với quy mô vốn tối thiểu lên tới 50.000 tỷ đồng. Đây là chương trình dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Điểm nổi bật của chương trình là mức lãi suất ưu đãi, giảm từ 0,5% đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường đối với lĩnh vực nông nghiệp, giúp khách hàng tiết giảm chi phí vay vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Song song với đó, Agribank đã triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP - Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”. Với lãi suất thấp hơn tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất của Agribank, chương trình không chỉ tiếp sức cho các chủ thể OCOP mà còn góp phần phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn giá trị bản địa và phát triển bền vững.
Agribank luôn thể hiện rõ vai trò đồng hành cùng các chiến lược lớn của Chính phủ về tăng trưởng xanh và giảm phát thải. Agribank đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong triển khai các đề án trọng điểm như: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025; Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Agribank cũng triển khai mạnh mẽ chương trình cho vay “tín dụng xanh” dành riêng cho khách hàng cá nhân, với quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng. Khách hàng có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 3,5%/năm để thực hiện các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh như: nông nghiệp hữu cơ, năng lượng sạch, sản phẩm thân thiện môi trường… Chương trình góp phần đưa tín dụng xanh đến gần hơn với người dân, tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, lấy hiệu quả và sự bền vững làm trọng tâm.
Bên cạnh các chương trình dành cho khách hàng cá nhân, Agribank tích cực hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai các dự án xanh có quy mô và chiều sâu lớn, bao gồm: Dự án nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng; Dự án phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; Chương trình chống hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung - Tây Nguyên… Các dự án này không chỉ giúp tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn góp phần thúc đẩy sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân ở các vùng khó khăn.
Trong những năm gần đây, tín dụng xanh tại Agribank đã ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh trên tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024 - một bước tiến rõ rệt trong thị trường tín dụng xanh hiện nay. Riêng trong năm 2024, Agribank đã cấp tín dụng xanh cho hơn 42.000 khách hàng, với tổng dư nợ gần 29.000 tỷ đồng, trong đó: Lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch: Hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm 53%; Lĩnh vực lâm nghiệp bền vững: Trên 6.900 tỷ đồng, chiếm gần 24%; Lĩnh vực nông nghiệp xanh: Gần 6.500 tỷ đồng, chiếm hơn 22%. Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh.
Đối với Agribank, tín dụng xanh không chỉ là cầu nối gắn kết ngân hàng với người nông dân, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế; đó còn là sự chung tay hiện thực hóa các cam kết bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp tuần hoàn và nâng cao chất lượng sống cho người dân.