Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Đông Nam Ukraine. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong tuyên bố phát đi, IAEA cho biết loạt tiếng súng bắn liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ kể từ 22 giờ theo giờ địa phương. IAEA nhận định đây là điều bất thường và cơ quan này đang tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc.
Trước đó vào hồi đầu năm, theo hãng thông tấn TASS, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là cơ sở thuộc sở hữu của Nga và việc chuyển giao quyền kiểm soát cho Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào khác là điều không thể chấp nhận.
Phía Nga cũng cho biết các nhân viên làm việc tại nhà máy là công dân Nga và không ai có quyền đe dọa sự an toàn của họ. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga đã cấm đại diện của các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp cận nhà máy, với lý do rằng các cơ quan tình báo của những quốc gia này có thể có khả năng phá hoại.
Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu – ngay từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Kể từ đó, các bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau tiến hành các cuộc tấn công gây nguy hiểm cho sự an toàn tại nhà máy lớn nhất châu Âu này.
Mặc dù nhà máy hiện không sản xuất điện, nhưng IAEA đã bố trí các giám sát viên tại đây, giống như tại tất cả các địa điểm điện hạt nhân của Ukraine. Ukraine yêu cầu trả lại quyền kiểm soát nhà máy này, bác bỏ việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga và coi hành động này là bất hợp pháp.
Tờ Kyiv Independent của Ukraine cũng từng đưa tin rằng vấn đề kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã được Kiev và Washington thảo luận tích cực trong hồi tháng 3.
Khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố: “Mỹ có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc vận hành các nhà máy này nhờ chuyên môn về điện cũng như lĩnh vực liên quan. Việc các nhà máy này thuộc sở hữu của Mỹ sẽ là sự bảo vệ tốt nhất cho cơ sở hạ tầng này”.
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky tuyên bố các nhà máy này thuộc về người dân Ukraine. Ông cho biết Ukraine sẵn sàng hợp tác nếu Mỹ muốn đầu tư và hiện đại hóa nhà máy này, song khẳng định “chắc chắn không thảo luận” về trao quyền sở hữu cơ sở đó cho Mỹ.
Thành trì chiến lược của Nga
Nằm trên bờ đông sông Dnipro, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là một cơ sở chiến lược quan trọng. Theo một số nguồn tin, khoảng 1.000 binh sĩ Nga đã được triển khai trong khu vực nhà máy này vào cuối mùa hè năm 2024.
Quân đội Ukraine cho rằng phía Nga sử dụng nhà máy này làm nơi huấn luyện và bàn đạp cho các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) nhằm vào các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Nhà phân tích Emil Kastehelmi tại nhóm Black Bird Group có trụ sở tại Phần Lan, cho rằng: “Khả năng Nga tự nguyện rút khỏi nhà máy là rất thấp do tầm quan trọng của nhà máy này. Rút lui vì bất kỳ lý do nào sẽ bị coi là tổn thất lớn đối với Nga và việc đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực này có thể cần đến sức mạnh quân sự đáng kể”.
Nhà phân tích Kastehelmi nhận định: “Nhà máy này đóng vai trò quan trọng trong cung cấp điện cho các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát trong tương lai và Nga không có ý định trả lại các vùng này”.
Trên thực tế, sau khi các nỗ lực quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát không thành công, Ukraine hy vọng có thể lấy lại nhà máy thông qua con đường ngoại giao.
Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine Kyrylo Budanov và các binh sĩ Ukraine cho biết nỗ lực đầu tiên nhằm thiết lập một đầu cầu để giải phóng nhà máy đã được thực hiện vào tháng 8/2022. Hai lần đổ bộ khác diễn ra vào cuối năm đó nhưng không thành công.
Theo nhà phân tích Kastehelmi, một cuộc tấn công quy mô lớn của Ukraine nhằm giành lại nhà máy hiện tại sẽ “rất rủi ro và phi thực tế”.
“Về lý thuyết, có thể có một bước đột phá ngoại giao giúp Ukraine giành lại quyền kiểm soát nhà máy, nhưng hiện tại rất khó để thấy Ukraine có thể đạt được đòn bẩy chính trị nào để làm điều đó”, ông Kastehelmi kết luận.