Quá trình phát triển của thiết bị bay không người lái trong xung đột Nga - Ukraine

Công nghệ thiết bị bay không người lái (UAV) đổi mới không ngừng và đang vẽ lại luật chơi tại tiền tuyến của xung đột Nga - Ukraine.

Chú thích ảnh
Thiết bị bay không người lái được sử dụng trong quân đội Nga. Ảnh tư liệu: Trần Hiếu/TTXVN

Theo The Wall Street Journal (Mỹ), giờ đây thiết bị bay không người lái đã thống trị chiến trường. Mỗi bên đều có hàng trăm thiết bị bay không người lái liên tục hoạt động trên bầu trời khu vực chiến tuyến dài hơn 1.200km.

Thiết bị bay không người lái có thể rải mìn, vận chuyển mọi thứ từ đạn dược đến thuốc men, và thậm chí là sơ tán binh lính bị thương hoặc đã tử trận. Điều quan trọng là thiết bị bay không người lái phát hiện mọi chuyển động dọc theo chiến tuyến và được điều động để tấn công quân địch và phương tiện quân sự.

Ở giai đoạn đầu xung đột, Ukraine dựa vào thiết bị bay không người lái có sẵn trong các cửa hàng với giá khoảng 2.000 USD để truy tìm các đơn vị của Nga.

Sau đó, thiết bị bay không người lái giám sát nhanh chóng trở thành nhu cầu thiết. Chúng được sử dụng để tìm kiếm thiết bị, kho dự trữ và sở chỉ huy của đối phương. Ban đầu, nhóm phân tích sẽ xem các cảnh quay được lưu trữ trên thẻ nhớ. Trong vòng một năm sau khi xung đột bùng phát, thiết bị bay không người lái đã cung cấp hình ảnh thời gian thực để lực lượng pháo binh có thể điều hướng hỏa lực vào mục tiêu.

Theo sau đó, một cải tiến đơn giản và rẻ tiền đã biến thiết bị bay không người lái trở nên nguy hiểm chết người. Những người quan tâm tới công nghệ nhận ra rằng một thiết bị trông tựa như móng vuốt, được tạo ra bằng máy in 3D, có thể được kích hoạt từ xa để thả lựu đạn.

Thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất, hay còn gọi là FPV, được coi là cải tiến có tác động lớn nhất đến xung đột Nga - Ukraine. Chất nổ được gắn trên FPV, sau đó nó bay thẳng vào mục tiêu. Điều này biến FPV thành những thiết bị đánh bom liều chết giá rẻ.

Mặc dù FPV không tạo ra sức công phá mạnh bằng tên lửa, nhưng chính xác hơn nhiều. FPV bắt đầu xuất hiện trên chiến trường vào năm 2022, nhưng phải đến cuối năm 2023, chúng mới bắt đầu thay đổi cục diện. Mọi thứ nằm trong phạm vi khoảng 19km quanh đường tiếp xúc đều có thể trở thành mục tiêu cho FPV.

Giá thành sản xuất quá rẻ khiến cả Ukraine và Nga đều không ngần ngại sử dụng FPV cho bất kỳ mục tiêu nào, dù đó chỉ là một lính bộ binh đơn lẻ. Bởi đặc tính nhỏ và nhanh, FPV rất khó bị bắn hạ. Biện pháp phòng thủ chính chống lại chúng là hệ thống gây nhiễu điện tử, làm gián đoạn giao tiếp giữa thiết bị bay không người lái và người điều khiển.

Nga đã tiên phong trong cải tiến quan trọng nhất cho FPV, đó là bổ sung sợi cáp quang kết nối thiết bị bay không người lái với người điều khiển nhằm đối phó với thiết bị gây nhiễu.

Đến năm 2024, FPV trở thành yếu tố gây khó khăn cho việc tiếp tế quân đội ở tiền tuyến. Ukraine đã tìm ra giải pháp, đó là thiết bị bay không người lái Vampire có thể hoạt động vào ban đêm khi được trang bị camera quan sát ban đêm. Thiết bị này cao 60 cm, có 6 hoặc 8 cánh quạt và có thể mang theo hàng hóa tới 9 kg.

Thiết bị bay không người lái hiện có thể vận chuyển theo mọi thứ, từ thực phẩm, nước uống đến đạn dược, pin dự phòng và cả bình chữa cháy ra tiền tuyến.

Ở thời điểm này, các nhà sản xuất thiết bị bay không người lái còn tham vọng hơn khi thử nghiệm các loại xe ô tô, xuồng và xe địa hình điều khiển từ xa, có thể được sử dụng để hỗ trợ sơ tán binh lính bị thương và tử trận.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Mỹ chuyển vũ khí cho Ukraine qua NATO: Chiến lược mới hay động thái cấp bách?
Mỹ chuyển vũ khí cho Ukraine qua NATO: Chiến lược mới hay động thái cấp bách?

Tổng thống Trump bất ngờ công bố kế hoạch bán hệ thống phòng không và tên lửa đánh chặn cho NATO, mở đường viện trợ gián tiếp cho Ukraine. Đây là chiến lược lâu dài hay động thái khẩn cấp?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN