Sau 2/3 chặng đường, báo cáo SDG mới nhất của LHQ công bố ngày 14/7 đã phác họa một bức tranh tổng quan rõ nét: bên cạnh những thành quả đáng khích lệ, thế giới vẫn còn đối mặt với những rào cản nghiêm trọng, khiến lộ trình về đích năm 2030 trở nên gian nan.
Quang cảnh phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Thanh Tuấn/Phóng viên TTXVN tại Mỹ
Tín hiệu hy vọng
Báo cáo ghi nhận một số tiến bộ đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, y tế và hạ tầng cơ bản. Cụ thể, tỷ lệ người sử dụng Internet toàn cầu đã tăng từ 40% lên 68% chỉ trong một thập niên, trong khi hơn 92% dân số thế giới được kết nối điện vào năm 2023. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) ngày càng gia tăng, cùng với sự bùng nổ kết nối di động: 97% dân số thế giới hiện sống trong phạm vi phủ sóng tín hiệu di động.
Trong giai đoạn 2000-2019, tuổi thọ trung bình toàn cầu được cải thiện đáng kể, mặc dù sau đại dịch COVID-19 đã sụt giảm gần 2 năm. Từ năm 2015 đến nay, hơn 110 triệu trẻ em được đến trường; tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi giảm khoảng 15%; 54 quốc gia đã loại trừ ít nhất một bệnh nhiệt đới và hơn 2,2 tỷ ca sốt rét đã được ngăn chặn. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu cũng giảm đáng kể – từ mức đỉnh 6,6% vào năm 2020 xuống còn 5,4% vào năm 2023, khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cú sốc đại dịch.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế - xã hội Li Junhua nhấn mạnh: “Những thắng lợi này không phải là con số thống kê trừu tượng, chúng thể hiện rõ rằng cuộc sống thực đã thay đổi, nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo và các cộng đồng được trao quyền để xây dựng một tương lai tốt đẹp và vững mạnh hơn”.
Tiến độ đáng lo ngại
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh cũng cho thấy nhiều khoảng tối. 10 năm sau cam kết, chương trình nghị sự đang phải đối mặt với sự thiếu hụt tài chính nghiêm trọng - lên tới 4.000 tỷ USD cho các nước đang phát triển. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và xung đột gia tăng, vai trò của chủ nghĩa đa phương bị xói mòn nghiêm trọng.
Chỉ 18% các mục tiêu SDG đang đi đúng hướng để đạt được vào năm 2030, khoảng 17% đạt tiến triển vừa phải, trong khi hơn một nửa tiến triển quá chậm và 19% đang thực sự bị thụt lùi. Cứ 10 người thì có 1 người vẫn sống trong cảnh nghèo đói cùng cực; cứ 11 người thì có 1 người đối mặt với mất an ninh lương thực. Đáng lo ngại hơn, trên 1,1 tỷ người hiện sống trong các khu ổ chuột hoặc định cư tạm bợ, thiếu các dịch vụ cơ bản như nước sạch và vệ sinh. Năm 2024, cứ 12 phút lại có một người thiệt mạng do xung đột vũ trang.
Tổng Thư ký António Guterres cảnh báo: “Cộng đồng quốc tế đang trong tình trạng khẩn cấp về phát triển toàn cầu. Hơn 800 triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói, trong khi biến đổi khí hậu leo thang và gánh nặng nợ nần ngày càng nghiêm trọng”.
Giới chuyên gia cho rằng tiến trình thực hiện SDG bị chậm do tình hình quốc tế nhiều năm qua liên tục biến động: căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang và các vấn đề an ninh phi truyền thống như đại dịch, khí hậu cực đoan, an ninh mạng, năng lượng và lương thực.
Nguồn tài chính cho phát triển tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng. Các quốc gia đang phát triển hiện thiếu tới 1.200 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cho các lĩnh vực xã hội thiết yếu. Hơn 60% nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với khủng hoảng nợ – một trở ngại lớn cho việc huy động nguồn lực thực hiện SDG.
LHQ cũng đánh giá rằng tiến trình thực hiện các mục tiêu SDG đang diễn ra không đồng đều giữa các khu vực và giữa các quốc gia. Sự bất bình đẳng gia tăng không chỉ giữa các nước giàu – nghèo, mà còn trong từng xã hội, khi nhóm yếu thế, thiểu số và người nghèo tiếp tục bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam - Điểm sáng trong bức tranh toàn cầu
Trong bối cảnh chung nhiều khó khăn, Việt Nam nổi lên như một trong số ít quốc gia đạt được tiến bộ tích cực và ổn định trong triển khai SDG. Theo Chỉ số SDG toàn cầu (SDG Index), năm 2023 Việt Nam đạt 73,3 điểm, xếp thứ 55/166 quốc gia – tiếp tục cải thiện so với năm trước.
Báo cáo của LHQ ghi nhận Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng: tỷ lệ giảm nghèo đa chiều đạt 3,2%; tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,1%; tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn môi trường đạt 91,6%; tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6%; tỷ lệ địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức cao 42,2%. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư năm thứ tám liên tiếp, với kỷ lục xuất siêu khoảng 28 tỷ USD - gấp 2,3 lần so với năm 2022.
Việt Nam hiện đang triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Sự nhất quán trong chiến lược, sự đồng thuận chính trị cao và sự tham gia tích cực của toàn xã hội là những yếu tố then chốt góp phần tạo nên kết quả này.
Thời gian đang đếm ngược. Mốc năm 2030 – thời hạn hoàn thành SDG – chỉ còn chưa đầy 5 năm. Việc tiến độ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 bị chậm trễ đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với LHQ và cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký LHQ António Guterres từng cảnh báo rằng các mục tiêu SDG “đang không đi đúng hướng và sẽ không thể đạt được nếu thiếu những cải cách mang tính bước ngoặt trong hệ thống tài chính toàn cầu – bắt đầu từ việc tăng cường đầu tư và ưu tiên mạnh mẽ hơn cho chủ nghĩa đa phương”.
Đây không phải là thời điểm để tuyệt vọng. Đây là lúc cần tăng tốc hành động, chuyển lời hứa thành hành động cụ thể, và hiện thực hóa các cam kết chính trị trên tinh thần trách nhiệm chung - vì một thế giới bền vững, công bằng và bao trùm hơn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.