Câu chuyện thành công về xóa đói giảm nghèo của Ấn Độ

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn báo cáo công bố ngày 5/7 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Ấn Độ đã đạt được một thành tựu đáng chú ý khi trở thành quốc gia có mức độ bình đẳng cao thứ 4 trên toàn cầu, chỉ đứng sau Slovakia, Slovenia và Belarus.

Chú thích ảnh
Biển người tham dự Lễ hội Maha Kumbh Mela ở thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ ngày 13/1/2025. Ảnh: ANI/TTXVN

Với chỉ số Gini ở mức 25,5, thấp hơn đáng kể so với các cường quốc như Trung Quốc (35,7) và Mỹ (41,8), Ấn Độ đã chứng minh hiệu quả trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Chỉ số này phản ánh mức độ phân phối thu nhập và của cải trong xã hội, trong đó 0 thể hiện sự bình đẳng hoàn hảo và 100 là bất bình đẳng tuyệt đối.

Chỉ số Gini giúp hiểu cách thu nhập, của cải hoặc tiêu dùng được phân bổ bình đẳng như thế nào giữa các hộ gia đình hoặc cá nhân trong một quốc gia. Chỉ số này có giá trị từ 0 đến 100. Điểm 0 có nghĩa là bình đẳng hoàn hảo, trong khi điểm 100 có nghĩa là một người có toàn bộ thu nhập, của cải hoặc tiêu dùng và những người khác không có gì, do đó là bất bình đẳng tuyệt đối. Chỉ số Gini càng cao thì quốc gia đó càng bất bình đẳng.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2022, Ấn Độ đã đạt được bước tiến vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ người dân sống dưới mức 2,15 USD/ngày - ngưỡng nghèo đói cùng cực toàn cầu - đã giảm mạnh từ 16,2% xuống chỉ còn 2,3%. Con số này tương đương với việc 171 triệu người Ấn Độ đã thoát khỏi đói nghèo trong thập kỷ qua.

Thành công này được cho là kết quả của nhiều sáng kiến chính sách đồng bộ từ chính phủ. Các chương trình như "PM Jan Dhan Yojana" đã mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, trong khi "Stand-Up India" tập trung hỗ trợ nữ doanh nhân từ các nhóm yếu thế.

Báo cáo của WB nhấn mạnh, mô hình phát triển của Ấn Độ đã thành công trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Điều này được thể hiện qua việc cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận nguồn cung thực phẩm, dịch vụ ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và việc làm của người dân.

Ngọc Thúy (TTXVN)
Phụ nữ vùng cao Pá Ma Pha Khinh xóa đói giảm nghèo
Phụ nữ vùng cao Pá Ma Pha Khinh xóa đói giảm nghèo

Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư vào chăn nuôi gia súc, thủy sản, chị Lường Thị Tấc, dân tộc Thái, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã vượt khó vươn lên, giúp đỡ nhiều chị em phát triển kinh tế; tích cực tham gia các phong trào tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN