Quyền con người là giá trị chung của nhân loại, là quy định pháp luật cơ bản của các nhà nước pháp quyền, không phân biệt trình độ phát triển, bản sắc văn hóa và chế độ chính trị. Trong đó, bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc của người dân là cơ bản nhất. Song thực tế cũng cho thấy, nghèo đói vẫn đang là vấn đề bức xúc có tính toàn cầu và công cuộc xóa đói đang đối mặt với nhiều thách thức. Một cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc vẫn là mơ ước của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định công tác xóa đói, giảm nghèo, toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường an sinh xã hội là một chủ trương, mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện với nhiệm vụ đặt ra là phải phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về giảm nghèo. Các biện pháp giảm nghèo mới ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Vì người nghèo” đã đem lại những thành tựu to lớn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên cả nước do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn quốc là 5,71%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.586.336 hộ. Trên bình diện cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chung là 2,93%, với 815.101 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,78%, với 771.235 hộ cận nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều, số hộ nghèo, hộ cận nghèo công bố tại quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, các chính sách kinh tế - xã hội khác.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ, với các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", tới hết tháng 9 năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93%.
Với những thành tựu này, phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 7/5/2024 khi tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt đã khẳng định: “Đã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước và trong cuộc sống người dân Việt Nam”.
Có thể thấy, Việt Nam đang là một điểm sáng trên thế giới về xóa nghèo và là quốc gia đi đầu trong việc tích hợp các biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia; không chỉ về thu nhập mà còn bao gồm cả các yếu tố như tiếp cận y tế, giáo dục, vệ sinh và nước sạch. Chính vì vậy, trong chuyến thăm cách đây chưa lâu, đánh giá kết quả công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cho rằng, đây chính là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.
Báo cáo Phát triển con người (HDR) 2023/24 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi những năm 1990 khi UNDP đưa ra chỉ số phát triển con người HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng; đến nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua.
Có được những thành tựu lớn nói trên, song thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đang còn nhiều thách thức trong công cuộc giảm nghèo mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra “tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”, “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng nằm”. Nổi lên là kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo vì các lý do khách quan (ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt...). Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; việc hỗ trợ các địa phương vùng “lõi nghèo”, vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía Tây của Tổ quốc, vùng nghèo, vùng khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững.
Việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và quy trình thanh quyết toán trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo vẫn còn lúng túng. Thêm vào đó, một hạn chế cũng được chỉ ra là một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tại một số địa phương có thành viên bị bệnh tật, khuyết tật, người không có khả năng lao động, thiếu đất để sản xuất, thiếu lao động để tham gia dự án nên không đáp ứng điều kiện để tham gia dự án, mô hình phát triển sản xuất.
Nhằm thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Bên cạnh hai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện, vừa qua Quốc hội đã phê duyệt triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là các nguồn lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết đối với 6 vùng trong cả nước về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ mục tiêu giảm nghèo bền vững của từng vùng.
Đặc biệt, nỗ lực, quyết tâm trong công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới có thêm tín hiệu tích cực khi ngày 9/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định công nhận 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Bến Tre, Kiên Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024.
Phó Thủ tướng giao UBND 4 tỉnh này công bố quyết định, đồng thời ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, liên xã phục vụ dân sinh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các xã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; duy trì, nâng cao chất lượng và kết quả đạt được của các tiêu chí đánh giá xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, chú trọng tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo, cơ sở hạ tầng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh để bảo đảm tính bền vững khi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.