Nhân rộng những mô hình xóa đói giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên

Với những cách làm năng động, sáng tạo, Thái Nguyên trở thành địa phương đi đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc về thực hiện hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững…

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi gà thả vườn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con xóa đói giảm nghèo ở xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ.

Triển khai hực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành, các huyện, thành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện Chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo giảm nghèo bền vững, xây dựng các mô hình giảm, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế,đa dạng hoá sinh kế tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Với những cách làm năng động, sáng tạo, Thái Nguyên trở thành địa phương đi đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc về thực hiện hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững…

Tạo sinh kế cho người nghèo từ nuôi gà thả vườn

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ, đã chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tuyên truyền vận động nhân dân đưa các giống cây, con có hiệu quả tốt vào phát triển kinh tế; trong đó, mô hình nuôi gà thả vườn đang phát triển hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân.    

Tận dụng diện tích đất vườn rộng, tháng 4/2024, gia đình chị Lâm Thị Ánh, xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, được thụ hưởng dự án chăn nuôi gà với số lượng 200 con giống, người dân đối ứng 30%, dự án hỗ trợ 70%. Ngay sau khi nhận được hỗ trợ, gia đình chị Lâm Thị Ánh đã xây dựng chuồng trại, thực hiện theo hướng bán chăn thả. Chị Lâm Thị Ánh chia sẻ: "Gia đình tôi không chỉ được cấp gà giống, cấp cám, mà còn được tập huấn kỹ năng chăn nuôi để gà nhanh chóng sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ có cán bộ Trung tâm khuyến nông thường xuyên tập huấn, cộng với kinh nghiệm sẵn có, nên quá trình chăn nuôi không gặp nhiều khó khăn".

Theo chị Ánh, đặc điểm nổi bật của giống gà ri lai được cấp là chịu khó kiếm ăn, sức chống chịu với thời tiết và bệnh tật cao, thịt thơm ngon, nhất là gà mái tơ…

Cũng là một trong những hộ được nhận gà giống hỗ trợ, gia đình anh Chu Văn Hưởng, người dân tộc Nùng, ở xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, đã nhận được 100 con gà ri lai. Anh Hưởng cho biết: Mặc dù không phải là giống gà địa phương, nhưng đàn gà nhà anh thích ứng rất nhanh với điều kiện thời tiết, cũng như tập quán chăn nuôi của địa phương. Gà lớn nhanh với tỷ lệ sống gần như tuyệt đối. Với anh Hưởng đàn gà này không chỉ mở ra cho chị cơ hội tăng thu nhập, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho anh và các thành viên trong gia đình.

Anh cho biết thêm: “Lúc mới nhận gà, mình cứ lo không biết có nuôi được không, nhưng giờ thì thấy rất dễ chăm sóc, gà lớn nhanh, rất đẹp. Gia đình sẽ chăm sóc thật cẩn thận để chúng phát triển tốt”.

Trong 13 hộ dân được thụ hưởng dự án, các gia đình đều thực hiện chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, kết hợp kinh nghiệm giữa nuôi gà truyền thống và áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, trong đó, chế độ dinh dưỡng và biện pháp phòng bệnh trên đàn gà ở từng độ tuổi đã được các hộ dân đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện theo đúng quy trình.

Ông Hoàng Văn Quân, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Bình chia sẻ: "Năm 2023, số hộ nghèo, cận nghèo toàn xã là 103 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã là 103/793 hộ, tương đương 12,98%. Năm 2024, xã Hòa Bình thực hiện giảm 45 hộ, để đạt tỉ lệ dưới 8,0%, đủ điều kiện hoàn thành tiêu chí. Hàng năm, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi theo công nghệ mới, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với mô hình chăn nuôi gà đang được triển khai tại địa phương, do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trực tiếp hỗ trợ và hướng dẫn, rất được bà con tin tưởng thực hiện, chăn nuôi rất tốt, chất lượng gà được thị trường ưa chuộng. Đây thực sự là mô hình tạo sinh kế, đem lại thu nhập ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số tại địa phương".

Trồng na rải vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao

Cũng như mô hình chăn nuôi gà ở xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, mô hình na rải vụ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai tại xã La Hiên và xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2024, với mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng cao, kéo dài thời gian thu hoạch na trong năm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo hướng đi mới thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Xã Phú Thượng – xã vùng cao của huyện Võ Nhai, hiện có khoảng 5 ha trồng na rải vụ, trong đó có 1,5 ha nằm trong mô hình triển khai của Trung tâm Khuyến nông. Điều kiện khí hậu, đất canh tác trên núi đá vôi ở Phú Thượng rất phù hợp cho thâm canh cây na.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng na rải vụ tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.

Là một trong những hộ gia đình tham gia trồng na rải vụ, ông Kiều Thượng Chất, ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cho biết: "Trước đây, cũng như những người dân trong vùng, việc trồng na của gia đình tôi được thực hiện theo cách truyền thống, thu hoạch quả chỉ tập trung trong một thời gian ngắn, khoảng hơn 1 tháng. Năm 2019, tôi đã tự nghiên cứu để làm na rải vụ. Nhưng do không nắm được kỹ thuật, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm bản thân, nên ở vụ trái này, quả na thu hoạch thường bị sượng, dẫn đến hiệu quả không cao".

Sau khi tham gia mô hình, ông được hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư thực hành ô thí nghiệm… Đặc biệt, ông được tham gia các lớp tập huấn và đi thực tế tại những mô hình làm hiệu quả… Ông Chất đã quyết định trồng 400 cây na trên diện tích gần 1 ha đất đồi. Trước đây, khi làm na chính vụ, sản lượng na của gia đình ông đạt gần 6 tấn/năm. Sau gần 2 năm thí điểm trồng na rải vụ, sản lượng na của gia đình ông đã tăng lên hơn 7 tấn/năm. Quả na thu hoạch ở vụ sớm và muộn đều có mẫu mã to, đẹp, chất lượng tốt, trung bình từ 3-4 quả/1 kg, có quả nặng đến 500g và giá bán cao hơn gấp 2 lần so với na chính vụ. Hạch toán sơ bộ cho thấy, na rải vụ thu lãi cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng hơn 60 triệu đồng/ha. Từ thành công này, năm 2022, ông chuyển toàn bộ diện tích trồng na theo hình thức rải vụ…

Ông Chất chia sẻ: “Trồng na rải vụ cần chủ động nguồn nước tưới, cộng với áp dụng đúng khoa học kỹ thuật và tỉa thưa quả hợp lý sẽ cho chất lượng quả rất cao, na rải vụ cho thu hoạch quả từ tháng 8 đến đầu tháng 12. Làm na rải vụ, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 250 triệu đồng lợi nhuận, tăng gần 40% so với canh tác theo cách thông thường”.

Tương tự như gia đình ông Chất, gia đình chị Hoàng Thị Lan Chi, dân tộc Nùng, xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, cũng bén duyên với trồng na rải vụ khoảng 2 năm trở lại đây. Chị Hoàng Thị Lan Chi tâm sự: "Hiện nay gia đình tôi đang trồng khoảng 400 cây na với sản lượng vụ chính từ 5 – 6 tấn và rải vụ khoảng 1 tấn với giá bán trung bình 40.000 – 50.000 đồng/kg".

Theo chị Chi, việc ứng dụng khoa học vào trong trồng trọt đã đem lại hiệu quả và chất lượng cao cho sản phẩm, đồng thời giúp bà con có thêm thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Ông Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng thông tin: Na rải vụ đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân trong xã, hướng đi tiếp theo của xã là sẽ định hướng xây dựng điểm du lịch kết hợp với trồng na; trong đó sẽ vận động người dân xây dựng cải tạo đường vào, các điểm checkin trong vườn na, thu hút khách du lịch, tạo thị trường lớn hơn cho sản phẩm na, mang lại thu nhập cho người dân…

Không để hộ nghèo, hộ cận nghèo bị bỏ lại phía sau

Tỉnh Thái Nguyên dự ước đến cuối năm 2024, số hộ nghèo giảm còn 7.480 hộ, đạt tỷ lệ 2,22%, giảm 0,8% so với năm 2023; hộ cận nghèo giảm còn 8.740 hộ, đạt tỷ lệ 2,59% giảm 0,23% so với năm 2023.

Trong giai đoạn 2026-2030, Thái Nguyên đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, không để hộ nghèo, hộ cận nghèo bị bỏ lại phía sau…

Để đạt được mục tiêu này, Thái Nguyên tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc miền núi, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững, huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo…

Chú thích ảnh
Gia đình chị Lý Thị Hiền, người dân tộc Dao, ở xóm Ngọc Mỹ xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, thuộc diện hộ nghèo, đã được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà mới.

Mới đây nhất, thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, Ban thường trực Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh đã bố trí đủ kinh phí dành cho việc xóa 504 nhà tạm, nhà dột nát thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện pháp lý về đất ở, với mức hỗ trợ xây mới là 50 triệu đồng/nhà và sửa chữa nhà ở là 25 triệu đồng/nhà.

Riêng chương trình hỗ trợ 100 nhà Đại đoàn kết do Bộ Quốc phòng vận động tài trợ, thì được hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng phân bổ kinh phí đợt 1 và đợt 2 cho các huyện, thành phố để hỗ trợ 102 hộ xây dựng nhà mới, 75 hộ sửa chữa nhà ở...

Cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Nguyên đã kịp thời triển khai rà soát, thống kê nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới, tổ chức triển khai thực hiện đến các xã, thôn, tổ dân phố rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết, chính xác từng hộ gia đình, cá nhân, đối tượng được thụ hưởng.

Qua đó, kịp thời cập nhật số liệu một số hộ đã chủ động thực hiện xây dựng nhà ở hoặc đã được hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình, dự án, hoạt động khác. Đặc biệt có một số địa phương không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát như thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên. 

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vừa được tổ chức cuối tháng 10/2024 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, ông Trịnh Việt Hùng, nhấn mạnh: Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể... cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Các huyện, thành phố khẩn trương rà soát kỹ, thống kê cụ thể, chính xác, chi tiết danh mục nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ trên địa bàn; ban chỉ đạo cấp huyện khẩn trương rà soát lại nhu cầu đảm bảo đúng, đủ, không bỏ sót; lập hồ sơ đối với từng hộ, thống nhất cách làm và hình thức triển khai thực hiện.

Những hộ chưa đủ điều kiện cần được phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể, lập hồ sơ, đồng thời đề xuất giải pháp thực hiện trên cơ sở đảm bảo quy định của pháp luật, phấn đấu đến trước 31/3/2025 hoàn thành việc nhà tạm, nhà dột nát cho những hộ đủ điều kiện..

Hoàng Nguyên
Thái Nguyên: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thái Nguyên: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2024 đã diễn ra ngày 24/10 với sự tham gia của 250 đại biểu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN