Một hình ảnh vệ tinh do công ty Satellogic của Mỹ chụp ngày 24/6 và được Iran International thu thập dường như cho thấy thiệt hại có thể đã xảy ra tại một cơ sở thông tin liên lạc nhạy cảm bên trong Căn cứ Không quân Al Udeid của Mỹ ở Qatar – nơi đã bị Iran tấn công vào ngày 23/6. Một vòng tròn đỏ đã được thêm vào hình ảnh để đánh dấu khu vực cần chú ý.
Hai mươi ngày sau khi Iran thông báo rằng một tên lửa đạn đạo đã bắn trúng Căn cứ Không quân Al Udeid của Mỹ tại Qatar, Lầu Năm Góc đã xác nhận sự việc, thừa nhận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đã không thể đánh chặn được mối đe dọa của một quả tên lửa đạn đạo đang tới gần.
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/7, trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, người phát ngôn chính của Lầu Năm Góc, ông Sean Parnell cho biết: “Một tên lửa đạn đạo của Iran đã rơi trúng Căn cứ Không quân Al Udeid vào ngày 23/6, trong khi các tên lửa còn lại bị hệ thống phòng không của Mỹ và Qatar đánh chặn”.
Ông Parnell cho biết tên lửa của Iran chỉ gây “thiệt hại tối thiểu” đối với trang thiết bị và các công trình tại Căn cứ Không quân Al Udeid, đồng thời nhấn mạnh rằng không có thương vong nào xảy ra.
“Căn cứ Không quân Al Udeid vẫn hoàn toàn hoạt động và có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, cùng với các đối tác Qatar của chúng tôi, nhằm duy trì an ninh và ổn định trong khu vực”, ông nói thêm.
Chuyên trang quân sự Bulgarian Military cho biết thêm tuyên bố của ông Parnell được củng cố bởi hình ảnh vệ tinh Sentinel-2 chụp tọa độ 25.116211, 51.331512 (vị trí của Căn cứ Không quân Al Udeid) cùng sự xuất hiện của một vết đen. Điều này cho thấy hệ thống phòng không Patriot của Mỹ được triển khai trong phạm vi của Căn cứ Không quân Al Udeid đã thất bại ít nhất một lần trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo của Iran trong cuộc tấn công hôm 23/6.
Trước đó vào ngày 23/6/2025, Iran đã phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Căn cứ Không quân Al Udeid tại Qatar nhằm đáp trả các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Cuộc tấn công, nằm trong chiến dịch mà Iran gọi là “Điềm báo chiến thắng” (Harbinger of Victory), đã được cảnh báo trước cho cả Qatar và Mỹ. Phần lớn các tên lửa đã bị đánh chặn, nhưng một tên lửa đã trúng mục tiêu mà không gây thương vong.
Phản ứng ban đầu của Mỹ và Qatar nhấn mạnh sự thành công của hệ thống phòng thủ, với các tuyên bố chính thức rằng tất cả tên lửa đã bị đánh chặn và không có thiệt hại nghiêm trọng hay thương vong.
Theo báo The Times of Israel tối 23/6, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social cùng ngày rằng cuộc tấn công của Iran nhằm vào Căn cứ Không quân Al Udeid của Mỹ ở Qatar bao gồm 14 quả tên lửa — trong đó 13 quả đã bị bắn hạ, còn một quả được phép rơi xuống vì “nó bay theo hướng không gây đe dọa”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Qatar đảm bảo rằng Căn cứ Không quân Al Udeid vẫn hoạt động đầy đủ.
Chuyên trang quân sự Bulgarian Military cho rằng cách tiếp cận này phản ánh một chiến thuật thường thấy trong các sự cố quân sự, khi các báo cáo ban đầu thường giảm nhẹ hoặc phủ nhận thiệt hại nhằm duy trì niềm tin vào hệ thống phòng thủ và ngăn chặn suy đoán về các lỗ hổng.
Một chiến thuật tương tự từng được ghi nhận trong cuộc tấn công của Iran vào căn cứ Al Asad năm 2020, khi các tuyên bố ban đầu rằng không có thương vong sau đó được sửa đổi với thừa nhận rằng có người bị thương.
Trong vụ việc tại Căn cứ Không quân Al Udeid, hình ảnh vệ tinh do Iran International công bố ngày 11/7/2025 cho thấy một mái vòm radar (radome) đã bị phá hủy hoàn toàn, buộc Lầu Năm Góc phải thừa nhận vào ngày 12/7 rằng một tên lửa đã trúng căn cứ, gây thiệt hại nhỏ cho thiết bị.
Sự thừa nhận chậm trễ này phản ánh việc ban đầu giữ kín thông tin cho đến khi bằng chứng không thể bác bỏ được (như hình ảnh vệ tinh) buộc phải xác nhận công khai.
Tuy nhiên, việc hệ thống Patriot đánh chặn được phần lớn tên lửa vẫn cho thấy hiệu quả của nó, dù không tuyệt đối, đặc biệt trong các cuộc tấn công phức tạp – điều này tiếp tục làm dấy lên tranh luận về những thách thức mà các hệ thống phòng không hiện đại phải đối mặt.
Việc thiếu các bằng chứng cụ thể giải thích vì sao tên lửa đạn đạo của Iran lại vượt qua được hệ thống Patriot và trúng vào mái vòm radar tại Căn cứ Không quân Al Udeid cho thấy thành công của vụ tấn công có thể bắt nguồn từ yếu tố bất ngờ chiến thuật kết hợp với những giới hạn tiềm tàng của hệ thống MIM-104 Patriot.
Iran, có thể đã sử dụng một loại tên lửa đạn đạo tiên tiến có khả năng né tránh radar hoặc có khả năng cơ động cao, có thể đã chọn quỹ đạo hoặc thời điểm khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn. Nếu tên lửa là một phần của loạt phóng phối hợp (salvo), hệ thống Patriot có thể đã bị quá tải bởi nhiều mục tiêu và để lọt một quả tên lửa.
Ngoài ra, cảnh báo trước của Iran – dù mang tính ngoại giao – có thể đã được sử dụng như một chiến thuật đánh lạc hướng, khiến thời gian phản ứng của lực lượng phòng thủ bị rút ngắn.
Một nguyên nhân khác có thể là do các vấn đề vận hành hoặc kỹ thuật trong hệ thống Patriot hoặc sự phối hợp chưa tối ưu giữa lực lượng Mỹ và Qatar. Mặc dù hiệu quả cao, nhưng hệ thống Patriot không phải là không thể bị xuyên thủng, đặc biệt là trước các loại tên lửa hiện đại có quỹ đạo bay thấp hoặc sử dụng các biện pháp chống radar.
Cũng có thể đã có một khoảng trống tạm thời trong phạm vi phủ sóng radar hoặc lỗi phần mềm theo dõi, cho phép tên lửa đến được mục tiêu.
Căn cứ Không quân Al Udeid là một cơ sở chiến lược được bảo vệ chặt chẽ, nhưng độ phức tạp của cuộc tấn công, có thể kết hợp với tác chiến điện tử (gây nhiễu radar), đã để lộ ra một điểm yếu.
Những yếu tố giả định này cho thấy rõ những khó khăn trong công tác phòng không trong bối cảnh xung đột leo thang.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar bắt đầu từ năm 1996, khi Qatar hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược này với khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD nhằm thu hút lực lượng Mỹ đến khu vực.
Nằm cách thủ đô Doha khoảng 30 km về phía Tây Nam, Al Udeid đã trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, với khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ cùng với các quân nhân từ Không quân Qatar, Vương quốc Anh và các đồng minh khác.
Một góc Căn cứ Không quân Al Udeid. Ảnh: AFP/TTXVN
Căn cứ này là trung tâm chính cho các hoạt động của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), hỗ trợ các nhiệm vụ không quân và hậu cần tại các khu vực như Afghanistan, Iraq và Syria.
Năm 2003, Căn cứ Không quân Al Udeid trở thành trung tâm chỉ huy của lực lượng Mỹ sau khi rút khỏi Saudi Arabia và vào tháng 1/2024, Mỹ ký với Qatar một thỏa thuận kéo dài thêm sự hiện diện của Mỹ tại căn cứ này trong một thập kỷ, càng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của nơi này.
Một thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng tại Căn cứ Không quân Al Udeid là mái vòm radar, bảo vệ hệ thống truyền thông vệ tinh Modernized Enterprise Terminal (MET). Được lắp đặt vào năm 2016 với chi phí 15 triệu USD, đây là hệ thống đầu tiên thuộc loại này được triển khai ngoài nước Mỹ, cung cấp liên lạc an toàn qua giọng nói, hình ảnh và dữ liệu giữa các lực lượng và bộ chỉ huy.
Hệ thống MET có công nghệ chống gây nhiễu, giúp đảm bảo thông tin liên lạc trong các chiến dịch quân sự phức tạp. Mái vòm giúp bảo vệ thiết bị nhạy cảm khỏi điều kiện khắc nghiệt của sa mạc trong khi vẫn cho phép truyền tín hiệu vô tuyến mà không bị cản trở.
Hệ thống MIM-104 Patriot – trụ cột của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Mỹ – được tập đoàn Raytheon phát triển từ những năm 1970 và được triển khai lần đầu vào năm 1984. Ban đầu được thiết kế để chống máy bay, hệ thống Patriot đã được nâng cấp nhiều lần để đối phó với tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái (UAV).
Patriot là hệ thống di động gồm radar AN/MPQ-53/65, trung tâm chỉ huy, bệ phóng và các tên lửa đánh chặn như PAC-2 và PAC-3. Radar, với tầm hoạt động lên tới 100 km, là bộ phận cốt lõi, có khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu với độ chính xác cao.
Được triển khai tại các vị trí chiến lược như Căn cứ Không quân Al Udeid, Patriot giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự khỏi các mối đe dọa trong khu vực. Các nâng cấp, bao gồm cải tiến phần mềm và biến thể PAC-3 MSE mới, tăng cường khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo phức tạp, khiến nó trở nên thiết yếu cho các hoạt động tại các khu vực bất ổn như Trung Đông.
Khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Patriot dựa vào công nghệ “va chạm trực tiếp” (hit-to-kill) của PAC-3 hoặc mảnh nổ của PAC-2. Radar trước tiên phát hiện tên lửa đang đến, xác định quỹ đạo và tốc độ, sau đó trung tâm chỉ huy xử lý dữ liệu và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.
Tên lửa PAC-3, ví dụ, sử dụng năng lượng động học để tiêu diệt mục tiêu thông qua va chạm trực tiếp, đặc biệt hiệu quả đối với các tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay dễ dự đoán. Hệ thống có thể xử lý nhiều mục tiêu cùng lúc, nhưng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công phối hợp hoặc tên lửa có đầu đạn cơ động và khả năng né radar.
Sự cố tại Căn cứ Không quân Al Udeid cho thấy sự cân bằng mong manh giữa ưu thế công nghệ và tính khó lường của chiến tranh hiện đại. Trong khi hệ thống Patriot đã chứng minh khả năng vô hiệu hóa phần lớn các mối đe dọa, việc một tên lửa vẫn có thể lọt qua nó cho thấy cần tiếp tục phát triển các công nghệ phòng thủ để đối phó với vũ khí ngày càng tinh vi.
Sự việc này có thể khiến Mỹ và các đồng minh đánh giá lại việc phân bổ nguồn lực và tăng cường đầu tư vào các hệ thống phòng không tích hợp, kết hợp công nghệ radar, trí tuệ nhân tạo (AI) và cải thiện phối hợp giữa các lực lượng đồng minh nhằm giảm thiểu lỗ hổng trong tương lai tại các địa điểm chiến lược như Căn cứ Không quân Al Udeid.
Ý nghĩa địa chính trị rộng lớn hơn của vụ tấn công cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực và những thách thức trong việc duy trì ổn định tại Trung Đông. Việc Iran thành công trong một cuộc tấn công – dù hạn chế – có thể khuyến khích các quốc gia khác phát triển năng lực tấn công tương tự, làm phức tạp nỗ lực duy trì ảnh hưởng quân sự của Mỹ.
Đồng thời, quan hệ đối tác đang diễn ra với Qatar, được củng cố thông qua các thỏa thuận dài hạn, cũng cho thấy tầm quan trọng của quan hệ ngoại giao và quân sự trong việc đối phó với các mối đe dọa như vậy. Căn cứ Không quân Al Udeid không chỉ là một tiền đồn quân sự mà còn là biểu tượng cho cam kết của Mỹ với khu vực, đòi hỏi sự thích nghi nhanh chóng với những thực tế chiến trường mới.