Quân đội Syria được triển khai tại thành phố Suwayda ngày 14/7. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN, đụng độ đã nổ ra cuối tuần qua giữa lực lượng Druze và các bộ tộc Bedouin tại thành phố Suwayda ở miền Nam, khiến 30 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Bạo lực buộc chính phủ Syria phải can thiệp và trong giao tranh, 18 binh sĩ đã thiệt mạng.
Các lực lượng Hồi giáo thân chính phủ Syria đã tham chiến trong tuần này, làm gia tăng lo ngại trong cộng đồng người Druze và khiến một nhân vật quan trọng của cộng đồng này kêu gọi được quốc tế bảo vệ.
Israel, quốc gia đã cam kết bảo vệ người Druze tại Syria, đã phát động các đợt không kích mới nhằm vào lực lượng chính phủ Syria đang tiến về phía Suwayda, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ cộng đồng này.
Bộ Ngoại giao Syria cho biết các cuộc không kích đã khiến nhiều dân thường và thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng, nhưng không nêu con số cụ thể.
Trong một tuyên bố, bộ này lên án các cuộc tấn công của Israel, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Syria và là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Trước đó, quân đội Israel nói trong một tuyên bố rằng họ đã tấn công các phương tiện quân sự thuộc lực lượng chính phủ Syria ở khu vực Suwayda, miền Nam Syria.
Người Druze là ai?
Druze là một giáo phái Arab có khoảng một triệu tín đồ, chủ yếu sinh sống ở Syria, Liban và Israel. Tại miền Nam Syria, nơi người Druze chiếm đa số ở tỉnh Suwayda, cộng đồng này từng bị kẹt giữa lực lượng thời nhà lãnh đạo Bashar al-Assad và các nhóm cực đoan trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 10 năm.
Người Druze xuất hiện ở Ai Cập vào thế kỷ 11 và theo một nhánh riêng biệt của Hồi giáo. Tôn giáo này không cho phép cải đạo cả theo chiều vào hay ra và cấm hôn nhân khác đạo.
Tại Syria, người Druze tập trung chủ yếu ở ba tỉnh gần khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng ở phía Nam nước này.
Trên 20.000 người Druze sinh sống tại Cao nguyên Golan - vùng đất chiến lược mà Israel chiếm từ Syria trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 và sau đó sáp nhập vào năm 1981.
Người Druze ở Golan sống cùng khoảng 25.000 người Do Thái trong hơn 30 khu định cư.
Phần lớn người Druze tại Golan tự nhận là công dân Syria và đã từ chối lời đề nghị nhập quốc tịch Israel sau khi Israel chiếm đóng khu vực này. Những người từ chối được cấp thẻ cư trú của Israel nhưng không được công nhận là công dân Israel.
Vì sao lực lượng Syria giao tranh với người Druze?
Sau khi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, Tổng thống mới của Syria là ông Ahmed al-Sharaa đã cam kết thúc đẩy tinh thần hòa hợp và bảo vệ mọi cộng đồng đa dạng tại Syria. Tuy nhiên, các lực lượng Hồi giáo cực đoan trung thành với ông vẫn tiếp tục đối đầu bạo lực với các nhóm tôn giáo thiểu số.
Tháng 3, hàng trăm người đã thiệt mạng trong một chiến dịch trấn áp người Alawite tại thành phố Latakia ở miền Tây. Tháng 4, các cuộc giao tranh giữa lực lượng thân chính phủ và các tay súng Druze đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.
Một vấn đề lớn khiến quan hệ giữa chính phủ mới của Syria và người Druze trở nên căng thẳng là yêu cầu giải giáp các tay súng Druze và sáp nhập lực lượng này. Ông al-Sharaa muốn hợp nhất các phe vũ trang dưới một quân đội thống nhất, nhưng chưa đạt được thỏa thuận với người Druze, vốn kiên quyết giữ lại vũ khí và các đơn vị độc lập.
Một số người Druze từng phản đối ông Assad nhưng vẫn dè chừng ông al-Sharaa. Họ bày tỏ lo ngại vì một số lãnh đạo của mình bị loại khỏi tiến trình đối thoại quốc gia do ông al-Sharaa khởi xướng và vì cộng đồng Druze chỉ có một bộ trưởng trong chính phủ mới.
Vài giờ sau khi binh sĩ Syria tiến vào thành phố Suwayda ngày 15/7, Bộ trưởng Quốc phòng Syria, ông Murhaf Abu Qusra, đã tuyên bố lệnh ngừng bắn sau khi đạt được thỏa thuận với các lãnh đạo cộng đồng, đồng thời cho biết cảnh sát quân sự sẽ được triển khai nhằm điều tiết hoạt động quân sự và truy cứu trách nhiệm đối với người vi phạm.
Vì sao Israel can thiệp?
Ngày 15/7, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel cam kết ngăn chặn mọi tổn thất đối với người Druze tại Syria vì mối quan hệ anh em sâu sắc với cộng đồng người Druze ở Israel, cũng như quan hệ huyết thống và lịch sử với người Druze ở Syria.
Khoảng 130.000 người Druze ở Israel sống tại vùng Carmel và Galilee ở miền Bắc Israel. Khác với nhiều cộng đồng thiểu số khác trong lãnh thổ Israel, nam giới Druze từ 18 tuổi trở lên bắt buộc phải nhập ngũ từ năm 1957 và nhiều người đã đạt cấp bậc cao trong quân đội, cũng như đảm nhiệm các vai trò trong lực lượng cảnh sát và an ninh.
Chính phủ Israel cũng đơn phương tuyên bố thiết lập một vùng phi quân sự tại Syria, theo đó cấm đưa lực lượng và vũ khí vào khu vực miền Nam Syria.
Chính phủ Syria bác bỏ tuyên bố về vùng phi quân sự này và đã nhiều lần cùng với cộng đồng quốc tế yêu cầu Israel chấm dứt các hành động quân sự vi phạm chủ quyền Syria.
Lo ngại các nhóm cực đoan tại biên giới, Israel đã áp dụng lập trường đối đầu với ông al-Sharaa, bất chấp các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy hòa giải Syria - Israel và mở rộng tiến trình bình thường hóa tại Trung Đông.
Trước đó ngày 15/7, một lãnh đạo tinh thần của người Druze là ông Hikmat Al-Hijri đã kêu gọi quốc tế bảo vệ.
Tuy nhiên, một tuyên bố khác của các lãnh đạo Druze lại hoan nghênh hành động can thiệp của chính phủ Syria vào Suwayda, kêu gọi nhà nước khẳng định quyền kiểm soát, đồng thời kêu gọi các nhóm vũ trang tại thành phố giao nộp vũ khí cho lực lượng chính phủ và bắt đầu đối thoại.
Khả năng thỏa thuận giữa Israel và Syria
Các lực lượng an ninh Syria tại thành phố Suwayda ngày 15/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Kể từ khi Tổng thống al-Assad sụp đổ vào tháng 12/2024, Israel đã kiểm soát thêm lãnh thổ tại Syria và liên tục tiến hành các cuộc không kích, với lý do ngăn cản Syria tái thiết năng lực quân sự và tiêu diệt các nhóm tay súng có thể đe dọa an ninh Israel.
Các cuộc tấn công của Israel vẫn tiếp diễn dù đồng minh thân cận nhất là Mỹ đang thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Syria - quốc gia hiện dưới sự kiểm soát của chính phủ mới.
Mỹ đang tìm cách hướng các quốc gia trong khu vực theo con đường khác và hy vọng Syria sẽ tham gia vào Thỏa thuận Abraham. Đây là loạt hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói hồi tháng trước: “Syria nghiêng về phía Israel sẽ mang lại lợi ích cho nước này”.
Israel đã bày tỏ mong muốn mở rộng các thỏa thuận đó. Sau cuộc xung đột đẫm máu với Iran, ông Netanyahu tuyên bố chiến thắng của Israel đã mở đường cho mở rộng mạnh mẽ các thỏa thuận hòa bình và cho biết Israel đang tích cực xúc tiến vấn đề này.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar thậm chí đã nêu rõ các quốc gia mà Israel muốn bình thường hóa quan hệ. Ông nói vào cuối tháng trước trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Áo: “Israel muốn mở rộng vòng tròn hòa bình và bình thường hóa từ Thỏa thuận Abraham. Chúng tôi có lợi ích khi đưa các nước láng giềng như Syria và Liban vào vòng tròn hòa bình và bình thường hóa, đồng thời bảo vệ các lợi ích cốt lõi, an ninh của Israel”.
Israel đã tiến hành cả các cuộc đối thoại trực tiếp và gián tiếp với chính phủ mới của Syria, cho thấy mối quan hệ giữa hai kẻ thù cũ đang thay đổi kể từ khi chính phủ của ông al-Assad sụp đổ.
Tuy nhiên, việc Israel liên tục không kích lãnh thổ Syria và tăng cường hiện diện quân sự tại nước này có thể làm phức tạp hóa các tham vọng đó.
Tháng 5, ông al-Sharaa cho biết các cuộc đối thoại gián tiếp với Israel nhằm chấm dứt các cuộc tấn công, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.
Trước đó, ông Netanyahu đã gọi chính phủ mới ở Syria là một “chế độ Hồi giáo cực đoan” và là mối đe dọa đối với Israel. Tháng 5, một quan chức Israel tiết lộ rằng Thủ tướng đã yêu cầu ông Trump không dỡ bỏ trừng phạt Syria vì lo sợ điều đó sẽ dẫn đến một kịch bản tương tự như sự kiện ngày 7/10/2023 khi các tay súng do Hamas dẫn đầu tấn công Israel.
Các cuộc không kích của Israel tại Syria cũng làm phức tạp nỗ lực của ông al-Sharaa trong củng cố quyền lực trên toàn quốc và thúc đẩy thỏa thuận bình thường hóa như một chiến thắng cho chủ quyền và nhân dân Syria.