Ban chủ trì hội nghị sơ kết công tác Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những ý kiến phát biểu chất lượng của các đại biểu, tỉnh, thành, Bộ sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao lớn đã góp phần nâng cao nhận thức của Đảng, Nhà nước và nhân dân về vai trò của văn hóa. Văn hóa được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của sự phát triển, được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng; cùng với đó khẳng định được vai trò, vị trí trong sự phát triển của đất nước.
Tái cấu trúc hệ thống quản lý ngành sau sáp nhập
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân tích: “Thông qua hoạt động thực tiễn của nền văn hóa, chúng ta sẽ giúp các cấp ủy Đảng, nhân dân nhận thức về văn hóa ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, trên một tinh thần: ‘Văn hoá là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Thông tin là mạch dẫn - Du lịch là nhịp cầu kết nối’… Khi chúng ta thay đổi tư duy, tiếp cận từ hướng làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, kiến tạo chính sách thông qua góc độ chính sách thì chuyển hướng này đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng, sự nghiệp văn hóa là của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và âm thầm lặng lẽ kiến tạo, làm từ bước nhỏ bên bước lớn, thiết thực, từ việc đơn giản đến việc phức tạp; tháo gỡ từng điểm nghẽn, nút thắt…".
Bộ trưởng cho biết: Cách đây một thời gian, khi làm việc với Tổng giám đốc UNESO, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay là dựa trên trụ cột của văn hóa và Việt Nam kiên trì lấy văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển này… "Đó là khẳng định một vai trò của văn hóa và điều này đã thể hiện được trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIV. Để rồi, hiện nay trách nhiệm của những người đang làm văn hóa, đang thực hành văn hoá, quản lý nhà nước về văn hóa phải nhận thức sâu sắc hơn quan điểm đó”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nền văn hóa, thể thao và du lịch phải biết cách chọn việc, chọn điểm, để tham mưu và được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho tổ chức nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp quốc tế để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; củng cố niềm tin, truyền đi các thông điệp, những chính sách mới của Đảng và Nhà nước thông qua con đường của nghệ thuật, con đường của thể thao, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, âm nhạc….
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng kết luận tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị: Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, linh hoạt, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, UBND…., cùng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trước hết, cần quán triệt rõ định hướng chung, tăng tốc, bứt phá, hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2025, phối hợp chặt chẽ với Bộ theo hướng: “Phân cấp rõ, phối hợp chặt, tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình.”
Trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cấu trúc hệ thống quản lý ngành sau sáp nhập; cần thống nhất mô hình tổ chức Sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ổn định nhân sự theo đặc điểm vùng miền và thực tiễn phát triển; rà soát chức năng, nhiệm vụ phù hợp với mô hình hai cấp chính quyền theo các Nghị định 137 và 138/NĐ-CP; kiến tạo bản sắc địa phương trên nền tảng văn hóa đa vùng miền. Mỗi địa phương cần có chiến lược tích hợp các giá trị di sản, điểm đến, lễ hội... sau sáp nhập, đồng thời xây dựng các mô hình điểm như: “Địa bàn văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình hạnh phúc”, “Làng du lịch cộng đồng” để dẫn dắt chuyển đổi.
Cùng với đó, định vị thương hiệu văn hóa, thể thao và du lịch riêng cho từng tỉnh. Cần xây dựng các khẩu hiệu, biểu trưng thể hiện bản sắc - hiện đại - hội nhập thể hiện tinh thần đổi mới sau sáp nhập; phấn đấu mỗi tỉnh có ít nhất một sản phẩm mang tính biểu tượng quốc gia và một sự kiện mang tầm khu vực vào năm 2026; đồng hành cùng Bộ để hoàn thành 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành. 34 tỉnh, thành cần hành động theo tinh thần “Bộ dẫn hướng - Sở đồng hành - Một sứ mệnh chung”, đồng thời mạnh dạn đề xuất các mô hình, sáng kiến để Bộ xem xét, nhân rộng.
Đặc biệt, đổi mới tư duy điều hành, quản lý và truyền thông tại địa phương. Mỗi Giám đốc Sở cần thể hiện vai trò “nhạc trưởng” - hiểu vùng, dẫn dắt đội ngũ, tạo cảm hứng và để lại dấu ấn; áp dụng tư duy “Chính phủ kiến tạo, phục vụ” trong cải cách hành chính, dịch vụ công trong các lĩnh vực VHTTDL, và tăng cường truyền thông số để xây dựng hình ảnh địa phương như một “thương hiệu số” nổi bật trong hệ sinh thái VHTTDL quốc gia.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các giá trị di sản văn tiếp tục được thực hiện, tổ chức đổi mới nhiều hoạt động, các tour đêm, hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian và hoạt động giáo dục truyền thống thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước trải nghiệm. Thành phố cũng triển khai phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống số văn hóa, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả, đặc biệt triển triển các nội dung liên quan đến gia đình văn hóa. Theo đó, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó tôn vinh 80 gia đình văn hoá Thủ đô tiêu biểu… Phong trào thể dục, thể thao được triển khai sâu rộng, các đoàn thể thao đạt nhiều thành tích cao. Lĩnh vực du lịch được tập trung đổi mới và phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc góp phần tăng nguồn thu và phát triển kinh tế xã hội của thành phố; đã trình Hội đồng nhân dân hai Nghị quyết liên quan đến thương mại và văn hóa, Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội…
Các đại biểu tham dự hội nghị.
“Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thành phố cũng có một số bổ sung, kiến nghị Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo. Thứ nhất, là các kiến nghị liên quan nhiệm vụ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, đặc biệt là phối hợp trong việc tổ chức lễ kỷ niệm diễu binh, diễu hành. Thứ hai, kiến nghị Bộ sớm ban hành thông tư quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, dịch vụ công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, gia đình, báo chí, truyền thông, du lịch phù hợp thực tiễn. Thứ ba, đề nghị Bộ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn công, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về thẩm quyền quản lý hướng dẫn các nội dung”, bà Vũ Thu Hà đề nghị.
Trình bày tham luận về vấn đề phát triển thể dục, thể thao của TP Hồ Chí Minh, trong tình hình mới, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh, thành phố đang đứng trước một bước ngoặt phát triển mới sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính mới, đặc biệt là hợp nhất với các Sở Văn hoá, Thể thao TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó không chỉ là một sứ mệnh, một tầm nhìn chiến lược hình thành một trung tâm thể thao đặc biệt của một siêu đô thị, góp phần phát triển thể dục thể thao Việt Nam ở kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh đó, TP Hồ Chí Minh cần có một cách tiếp cận hoàn toàn mới, linh hoạt, đa chiều nhằm tận dụng sức mạnh tổng hợp từng vùng, nâng cao thể thao thành một bộ phận quan trọng của đời sống, của đô thị sáng tạo.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân trình bày ý kiến tại hội nghị.
“Chúng tôi cho rằng hợp nhất với tầm nhìn chiến lược, hình thành “vùng tam giác phát triển”: TP Hồ Chí Minh mới với ba vùng, TP Hồ Chí Minh cũ là khu vực 1 với vai trò là trung tâm tư liệu, nghiên cứu ứng dụng khoa học thể thao tiên tiến sẽ kết nối chặt chẽ với Bình Dương (cũ) ở khu vực 2, nơi có tiềm năng dồi dào phát triển và đào tạo năng khiếu, đồng thời phát triển công nghiệp thiết bị thể thao nội địa. Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) là khu vực 3, địa phương lý tưởng để phát triển kinh tế thể thao thông qua tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế, đặc biệt là phát triển các môn thể thao biển, hình thành một điểm đến du lịch thể thao biển cho cả khu vực và quốc tế. Ba khu vực cùng hợp lực sẽ hình thành một vùng tam giác thể thao với 3 sứ mệnh: Huấn luyện thể thao đỉnh cao, cung cấp nguồn nhân lực, tổ chức sự kiện thể thao trên nền tảng điều kiện tự nhiên, dân số, kinh tế kết hợp với số hóa toàn diện, hiện đại và đồng bộ…”, ông Nguyễn Nam Nhân chia sẻ.
Từ điểm cầu tỉnh Thanh Hoá, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, Thanh Hóa là địa phương đặt vấn đề tập trung cho đầu tư phát triển du lịch tương đối muộn so với một số tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch. Giai đoạn đầu, tỉnh xác định du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ở giai đoạn này tỉnh xác định đầu tư phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy mới nhưng Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú…
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá chia sẻ ý kiến.
Về vấn đề quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch, trong 6 tháng đầu năm, Thanh Hóa có thêm 2 quy hoạch phát triển du lịch được phê duyệt, nâng tổng số lên 57 quy hoạch du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Chúng tôi ưu tiên vốn bố trí vốn cho 19 dự án về hạ tầng khu du lịch, với tổng số vốn hơn 1.170 tỉ đồng, trong đó nhiều dự án quy mô lớn và thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp nhận chủ trương đầu tư và đã khởi công 1 dự án hộ kinh doanh du lịch trong 3 dự án lớn của tập đoàn Sun Group với quy mô trên 35.000 tỷ đồng… nâng tổng số các dự án đầu tư du lịch lên 76 dự án, vốn đăng ký trên 150 nghìn tỷ đồng…
"Về phát triển các sản phẩm, Thanh Hóa đang tập trung vào các lợi thế của tỉnh. Với sản phẩm du lịch biển, Thanh Hóa có 102 km đường bờ biển, hiện tại chỉ còn lại khoảng 20 km phía Bắc vẫn chưa tập trung phát triển du lịch. Với sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh, hiện có trên 3.000 di sản vật thể và trên 700 di sản phi vật thể. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển. Với sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, chúng tôi có 11 huyện núi, bây giờ chia thành 76 xã, có rất nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc”, ông Phạm Nguyên Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, dù tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực khắc phục tình trạng mùa vụ, nhưng khu vực Sầm Sơn chỉ thu hút đông đảo du khách vào mùa hè; các doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư nhiều sản phẩm mới, nhưng vấn đề mùa vụ vẫn còn tồn tại… Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào các khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, hạn chế; thời gian quan tỉnh đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn tập trung vào các khu vực này…
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ, một số sản phẩm du lịch Thanh Hóa tiếp cận với thị trường mới ở mức trung bình. Vì vậy, tổng thu trên tổng lượt khách tương đối thấp so với mặt bằng của toàn quốc.
Tăng tốc xây dựng thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn
Trình bày chuyên đề công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật của ngành và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện việc phân cấp, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực của Ngành khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 15/7, Bộ đã chủ trì xây dựng 44 văn bản Quy phạm pháp luật, bao gồm 2 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng Luật; 22 dự thảo Nghị định, đề nghị xây dựng Nghị định; 18 Thông tư của Bộ trưởng.
Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày chuyên đề tại hội nghị.
Bộ đang tiếp tục xây dựng các Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực VHTTDL. Đây là năm đánh dấu nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác hoàn thiện thể chế của ngành. Thể hiện cụ thể bằng số lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ xây dựng trong năm 2025 đạt mức cao nhất trong nhiệm kỳ Chính phủ từ năm 2021 đến nay và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.
Chia sẻ thông tin liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ông Phạm Cao Thái cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ; Nghị định số 137/2025/NĐ CP ngày 12/6 2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp; Nghị định số 138/2025/NĐ - CP của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp…
Cùng với đó, Bộ trưởng đã cho xây dựng cuốn Cẩm nang về các nhiệm vụ được phân cấp, phân định cho cấp xã để gửi cho các Sở và đặc biệt là 3321 xã trên toàn quốc để hướng dẫn các nội dung, nhiệm vụ, quy trình, thủ tục thực hiện các nhiệm của chính quyền cấp xã trong lĩnh vực VHTTDL, báo chí…
Vụ trưởng Phạm Cao Thái đề nghị thời gian tới, tổ chức bộ máy sau sắp xếp, tinh gọn phải vận hành trơn tru, có hiệu quả. Để làm được điều này, các quy định phải đầy đủ, nội dung rõ ràng, không được chồng chéo, mâu thuẫn; đảm bảo sự phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ; phân định rõ giữa thẩm quyền chung với thẩm quyền riêng; giảm bớt các thủ tục hành chính. Trong đó phải tháo gỡ điểm nghẽn thông qua việc rà soát, phát hiện, thay thế, sửa đổi kịp thời những quy định không còn phù hợp, có sự mâu thuẫn, trái với văn bản có hiệu lực cao hơn gây khó khăn khi áp dụng; hướng dẫn những quy định chung chung, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Đồng thời, phải thay đổi cách tiếp cận khi xây dựng văn bản mới, không tìm cách đưa vào các quy định tạo rào cản, thủ tục không cần thiết gây ra những điểm nghẽn mới.