Theo kênh RT (Nga), nhận định trên do nhà phân tích chính trị và quan hệ quốc tế Anh Tom Fowdy đưa ra. Theo đó, AUKUS có tác động mạnh tới khu vực Đông Á. Trung Quốc có thể ngả về Triều Tiên nhiều hơn và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể coi đây là cơ hội để tăng tốc chiến lược hạt nhân.
Cuối tuần trước, Bộ ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích thỏa thuận AUKUS: “Đây là những hành động cực kỳ nguy hiểm và không được mong đợi, sẽ tác động xấu tới cân bằng chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kích hoạt chạy đua vũ trang hạt nhân”.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Triều Tiên thử cả tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên không thể đạt đột phá ngoại giao về đàm phán hạt nhân.
Trong đó, Triều Tiên dần chấp nhận tăng mức độ rủi ro. Không phải tình cờ mà Triều Tiên cũng muốn chế tạo tàu ngầm hạt nhân của riêng mình, mặc dù năng lực còn bị nghi vấn.
Cùng lúc với vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Hàn Quốc cũng thử tên lửa phóng từ tàu ngầm. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết mục đích là để đối phó với các mối đe dọa từ nhiều phía.
Động thái của Hàn Quốc phù hợp với chiến lược của Mỹ khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế với Hàn Quốc về phát triển tên lửa. Mỹ muốn các quốc gia đồng minh trong khu vực tăng cường năng lực của bản thân.
Triều Tiên coi đây là cơ hội vàng để củng cố vị trí của mình trong cuộc đua vũ trang khu vực ngày càng leo thang, gần như chấm dứt mọi hy vọng phi hạt nhân hóa. Theo nhà báo Tom Fowdy, Triều Tiên là đồng minh duy nhất của Trung Quốc trên thế giới, quốc gia duy nhất mà Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ nếu Triều Tiên bị tấn công trước.
Trong những thập kỷ qua, khi Triều Tiên bị cô lập kinh tế và ngoại giao thì Trung Quốc có nhiều cơ hội mới với nền kinh tế bùng nổ của Hàn Quốc, có quan hệ giao thương quan trọng. Theo logic thông thường, Trung Quốc có thể coi trọng quan hệ với Hàn Quốc nhiều hơn Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề là Hàn Quốc lại là đồng minh của Mỹ.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong bối cảnh chiến lược thay đổi và khi quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, Mỹ đang gây sức ép để Hàn Quốc “chọn phe”. Khi dỡ bỏ hạn chế phát triển tên lửa cho Hàn Quốc, Washington vừa muốn Seoul có tên lửa mạnh hơn để đối phó với Triều Tiên vừa là biện pháp răn đe với Trung Quốc.
Về phần Triều Tiên, việc Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc cũng là một cơ hội vì nó khiến chương trình hạt nhân tên lửa của nước này có tính hợp pháp về mặt chính trị.
Từ đầu năm nay, Triều Tiên đã thông báo kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân và cơ hội thúc đẩy kế hoạch đó sáng rõ hơn bao giờ hết sau khi Hàn Quốc thử tên lửa từ tàu ngầm, còn Anh, Mỹ và Australia thông báo thỏa thuận lập liên minh AUKUS ngày 15/9.
Trong khi đó, những động thái của Mỹ ở Đông Á đang tạo ra một tình huống có thể vẽ lại bản đồ chiến lược. Hậu quả có thể sâu rộng. Mỹ muốn đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng ý muốn này giờ chỉ là hy vọng, nhất là với những gì vừa diễn ra trong khu vực. Trong thực tế, các động thái của Mỹ đã chấm dứt hy vọng phi hạt nhân hóa, đang đẩy Trung Quốc về phía Triều Tiên.