Pháp là nước bất ngờ nhất và phản đối giận dữ nhất việc lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia hôm 15/9 ra tuyên bố thành lập AUKUS. Thỏa thuận mới ra đời đã tước đi của Pháp hợp đồng thế kỉ trị giá 66 tỉ USD cung cấp tàu ngầm cho Australia.
Thực tế, Pháp đã bị gạt ra rìa đối với sáng kiến an ninh này ngay tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp pháp triển (G7) được tổ chức tại Cornwall, Anh, hồi tháng 6 vừa qua. Hội nghị được đánh giá là thành công, với việc truyền thông mô tả mối quan hệ trong G7 là “tình anh em”. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện các cuộc tiếp xúc kín diện hẹp bên lề.
Nổi bật là cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Anh Borris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Tại đây, ba nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận về thỏa thuận Mỹ, Anh trợ giúp Australia phát triển tàu ngầm hạt nhân – điểm chính trong thỏa thuận AUKUS. Theo Sunday Telegraph, mọi tài liệu, thông tin liên quan đến AUKUS tại hội nghị G7 này đều thuộc diện “tuyệt mật”.
Theo kế hoạch đề ra trong AUKUS, Mỹ và Anh trong vòng 18 tháng tới sẽ đáp ứng mong đợi của Canberra về làm chủ tàu ngầm hạt nhân. Các nhóm chuyên gia kĩ thuật, chiến lược của ba nước sẽ làm việc, hợp tác tại một cơ sở ở Adelaide. Australia kỳ vọng sẽ sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân được đóng ở Adelaide.
Pháp lập tức có phản ứng gay gắt ngay sau khi Mỹ, Anh, Australia ra tuyên bố thành lập AUKUS, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả quyết định đơn phương của Mỹ, Anh, Australia về AUKUS là 'hành động đâm sau lưng". Ông nói Australia đã phản bội sự tin tưởng của Pháp và đây không phải cách các đồng minh hành xử với với nhau.
Đến ngày ngày 17/9, Tổng thống Macron đã lệnh triệu hồi các đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước ngay lập tức để tham vấn sau khi Mỹ lập liên minh mới với Anh và Australia, khiến Canberra hủy đơn hàng tàu ngầm đặt mua của Pháp.