Liên minh AUKUS: Sự hình thành và những tác động ảnh hưởng

Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, (gọi tắt là AUKUS), ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nội hàm của hợp tác ba bên này là gì và nó có tác động ảnh hưởng ra sao là điều mà giới nghiên cứu quốc tế đang tập trung làm rõ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại sự kiện công bố thiết lập thỏa thuận AUKUS. Ảnh: REUTERS

Sự xuất hiện của một cấu trúc an ninh mới sau “bức màn kín”

Tuyên bố thành về thiết lập AUKUS gây bất ngờ cho cộng đồng thế giới và giới quan sát quốc tế. Mỹ, Anh, Australia chỉ cung cấp thông tin nhỏ giọt về sáng kiến này một ngày trước khi ra tuyên bố chính thức.

Thông tin về AUKUS được giới thiệu trước đó chỉ gói gọn trong đề dẫn úp mở “sẽ có thông cáo quan trọng về thỏa thuận an ninh giữa ba nước trong vòng 24 giờ tới”. Gần như không có bất kỳ thông tin rò rỉ nào trước đó về sự ra đời của AUKUS. Việc định hình AUKUS trong vòng bí mật cho thấy cả 3 nước Mỹ, Anh, Australia kế hoạch thiết lập một cấu trúc mới, đặt phần còn lại vào tình thế “sự đã rồi”. Nó đơn giản đúng như tuyên bố ngắn gọn của ông Morrison: “AUKUS đã ra đời”.

Chưa có thông tin chi tiết về AUKUS, nhưng bước đầu có thể khẳng định đây là một cấu trúc mới, thiên về an ninh tay ba tại không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu của lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia đưa ra đều nhấn mạnh luận điểm AUKUS hướng đến mục tiêu bảo vệ và giữ vững lợi ích chia sẻ của các bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định quan hệ đối tác AUKUS “dẫn dắt bởi những ý tưởng bền vững, cam kết chung với trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp”.

Ông Biden nhìn nhận cả Mỹ, Anh và Australia đều công nhận tầm quan trọng, sự cần thiết phải duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Muốn vậy, ba nước phải có đủ năng lực xử lý thách thức tại khu vực, thích ứng với môi trường chiến lược – Tổng thống Mỹ nêu quan điểm.

Thủ tướng Morrisson nhận định thỏa thuận mới rất quan trọng với Canberra, giúp Australia trở thành một quốc gia hùng mạnh trong thế kỉ 21. Còn Thủ tướng Anh Jonson cho rằng thỏa thuận AUKUS sẽ góp phần bảo vệ hòa bình và nền an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là minh chứng cho quan hệ bền chặt giữa Mỹ, Anh và Australia dựa trên những giá trị chung được chia sẻ ở mức độ mật thiết.

AUKUS sẽ có gì, cấu trúc vận hành ra sao, gồm thiết chế đi kèm nào – tất cả đều còn là câu hỏi để ngỏ. Điểm nhấn nổi bật nhất cho đến lúc này chính là việc Australia sẽ được tiếp cận, sở hữu các tàu ngầm hạt nhân và công nghệ tàu ngầm. Đây mới là lần thứ hai Mỹ chia sẻ công nghệ thiết yếu này với một đồng minh, trước đó là với Anh theo một thỏa thuận ký kết năm 1958.

Theo kế hoạch, Mỹ và Anh trong vòng 18 tháng tới sẽ đáp ứng mong đợi của Canberra về làm chủ tàu ngầm hạt nhân. Các nhóm chuyên gia kĩ thuật, chiến lược của ba nước sẽ làm việc, hợp tác tại một cơ sở ở Adelaide. Australia kỳ vọng sẽ sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân được đóng ở Adelaide.

Chú thích ảnh
Australia sẽ được Mỹ, Anh trợ giúp, chuyển giao công nghệ phát triển tàu ngầm trong khuôn khổ hợp tác AUKUS. Ảnh: Australia Royal Navy

Thỏa thuận AUKUS cũng đề cập đến việc nâng cao tiềm lực, sức mạnh hỗn hợp, làm sâu sắc khả năng tương tác quân sự. AUKUS cũng bao gồm những “cấu trúc mới” về đối thoại, gặp gỡ, can dự giữa giới hoạch định chính sách quốc phòng và đối ngoại của Mỹ, Australia và Anh. Cùng lúc, ba bên sẽ đẩy manh hợp tác ở nhiều lĩnh vực đang nổi và mới như an ninh mạng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, một số công nghệ ngầm dưới biển.

Tác động, ảnh hưởng từ sự ra đời của AUKUS

Tác động nổi rõ trên bề mặt là những dấu hiệu về rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Được gây dựng, ráp nối trong bức màn kín bó hẹp trong phạm vi 3 nước, sự ra đời của AUKUS khiến Liên minh châu Âu bị bất ngờ. Ông Peter Stano, người phát ngôn cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cho biết EU đã không hề được thông báo trước về quan hệ đối tác ba bên này. EU sẽ phải thảo luận với Mỹ, Anh, Australia cũng như đẩy mạnh tham vấn nội khối giữa 27 quốc gia thành viên để lượng định, đánh giá về tác động của thỏa thuận AUKUS.

Giới chức châu Âu nhìn chung thất vọng trước hành xử của Mỹ, khi Washington bỏ qua bước tham vấn đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương trong các quyết định quan trọng – từ quyết định rút quân khỏi Afghanistan và nay là AUKUS. Vẫn còn đó lo ngại trong EU về nước Mỹ dưới thời Joe Biden chưa từ bỏ hành xử gạt đồng minh EU khỏi các quyết định then chốt như từng rất phổ biến dưới thời ông Donald Trump.

Pháp là nước phản ứng mạnh nhất. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi quyền lợi của Pháp bị ảnh hưởng nhiều nhất từ AUKUS, cụ thể là “bản hợp đồng thế kỉ” trị giá 37 tỉ USD cung ứng tàu ngầm cho Australia. Phát biểu trên đài phát thanh France Info, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả quyết định đơn phương của Mỹ, Anh, Australia về AUKUS là “hành động đâm sau lưng. Sự tin tưởng của Pháp vào Australia đã bị phản bội...”. Ông cũng nói rằng “đây không phải cách các đồng minh hành xử với với nhau".

Rạn nứt xuất hiện, nhưng sẽ không dẫn đến đổ vỡ trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ, Anh, Australia với EU. Ba nhà lãnh đạo Joe Biden, Scott Morrison và Boris Johnson đều lên tiếng trấn an Pháp, khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương vững chắc với Paris. Về phần mình, Brussells phát đi thông điệp: ở thời điểm hiện tại, EU chưa thay đổi quan điểm trong hệ song phương với Mỹ, Anh hay Australia.

Ở tầng cao hơn, AUKUS cho thấy một thực tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi lên là điểm trung tâm trong các cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu. Nó được thể hiện trong tuyên bố của lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia về tầm nhìn mục tiêu của AUKUS như đã nêu ở trên và mới nhất là trong điều chỉnh chiến lược của EU.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ, Anh, Australia thông báo thành lập AUKUS, EU đã công bố bản chiến lược đối với Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Theo quan điểm của EU, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực địa lý được xác định kéo từ Ấn Độ, Trung Quốc qua Nhật Bản, vươn tới Đông Nam Á, đi về phía Đông sang New Zealand và kết nối với Thái Bình Dương. Đây là khu vực “có tầm ảnh hưởng chiến lược hàng đầu đối với lợi ích của EU” và thuộc diện EU ưu tiên đẩy mạnh hợp tác.

Mục tiêu của chiến lược EU đề ra là tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cùng lúc, EU muốn củng cố các quy tắc thương mại quốc tế, trợ giúp các đối tác chống và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác về y tế với các nước kém phát triển.

Một mục tiêu khác mà EU hướng đến là tăng cường an ninh hàng hải và bảo đảm giao thương an toàn, không đứt quãng trên các tuyến hàng hải trên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trên hướng này, EU và các nước thành viên sẽ từng bước tăng cường hiện diện hải quân tại khu vực. Ngoại gia, EU cũng dành ưu tiên cho phát triển hợp tác vận tải, năng lượng với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giống nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, thỏa thuận AUKUS và Chiến lược của EU với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, không có ý công khai gây hấn với Bắc Kinh. Nhưng dường như “yếu tố Trung Quốc” luôn xuất hiện đằng sau những cấu trúc và hình thức can dự kiểu như vậy.

Đây là lý giúp giải thích tại sao Bắc Kinh luôn phản đối nhóm Bộ tứ và mới nhất là AUKUS. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng AUKUS gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực, lôi kéo chạy đua vũ trang. Ông gọi thỏa thuận này là sản phẩm của “tâm lý Chiến tranh Lạnh lỗi thời” và cảnh báo Mỹ, Anh, Australia đang "làm tổn hại lợi ích của chính họ".

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Australia khẳng định chương trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân là cần thiết
Australia khẳng định chương trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân là cần thiết

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 17/9 khẳng định liên minh quốc phòng mới giữa nước này với Anh và Mỹ sẽ "tồn tại vĩnh viễn", trong khi nhấn mạnh chương trình hợp tác 3 bên về chế tạo tàu ngầm hạt nhân là cần thiết cho an ninh quốc gia của Canberra và Australia sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN