Là thành viên của liên minh quân sự AUKUS vừa thành lập cùng Anh và Mỹ, Australia sẽ được trang bị công nghệ để xây dựng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong bối cảnh các quốc gia phương Tây muốn tăng cường sức mạnh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trang Daily Mail đưa tin người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đánh giá liên minh AUKUS gây tổn hạt nghiêm trọng đến hoà bình và ổn định khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang và phá hoại Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, báo Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nhanh chóng có bài đăng cảnh báo động thái trên có thể dẫn đến một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Australia.
Bài báo trích dẫn lời của một chuyên gia quân sự cấp cao trong nước nói rằng Australia có thể trở thành mối đe doạ hạt nhân với những quốc gia khác vì tàu ngầm mới của Canberra có thể được trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ hoặc Anh.
Chuyên gia này cho hay: “Các nước như Trung Quốc và Nga đang trực tiếp đối mặt với nguy cơ từ những tàu ngầm của Australia”. “Bắc Kinh và Moskva sẽ không coi Australia như một cường quốc phi hạt nhân vô hại mà là một đồng minh của Mỹ có thể trang bị vũ khí hạt nhân bất kỳ lúc nào”, vị chuyên gia nói thêm.
Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo tham vọng tăng cường tiềm lực quân sự của Australia có thể đem đến hậu quả nguy hiểm trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Theo tờ Daily Mail, Trung Quốc được cho là sở hữu khoảng 250 – 350 vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, kho vũ khí của Mỹ là 5.800 và của Nga là 6.300.
Hình ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 7 cho thấy khả năng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ tên lửa ngầm tại thị trấn sa mạc Hami ở Tân Cương. Giới nghiên cứu tin rằng cơ sở này lên đến 100 hầm ngầm, có thể chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa hạt nhân DF-31 của Trung Quốc có thể di chuyển với vận tốc lên đến 8km/giây. Tháng 1/2021, quân đội Trung Quốc từng công bố đoạn clip thử nghiệm tên lửa DF-26. Đây là tên lửa tầm từ trung đến xa không gắn hạt nhân, được cho là đủ sức mạnh để vươn đến đảo Guam của Mỹ ở cách đó 5.100km. (Xem video Trung Quốc thử tên lửa DF-26. Nguồn: Daily Mail)
Hiện nay trên thế giới chỉ có 8 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên.
Theo thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Australia sẽ đóng 8 tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide, với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. Cụ thể, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
Như vậy, Australia sẽ là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định nước này sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân.
Trước đó, Pháp đã phản ứng tức giận trước thông tin đối tác AUKUS (Anh - Mỹ - Australia) giúp Canberra có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và hủy bỏ thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD đã ký với Paris.