Cuộc đàm phán siêu bí mật dẫn tới sự ra đời của liên minh AUKUS Mỹ-Anh-Australia

Mỹ và Australia đã bí mật đàm phán hàng tháng trời về kế hoạch chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân, từ cách đây hơn một năm và quá trình này tăng tốc sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1.

Chú thích ảnh
Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ đã thông báo về thỏa thuận AUKUS. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, thông tin trên do các quan chức nắm rõ thỏa thuận tiết lộ. Họ cho biết các cuộc thảo luận diễn ra rất bí mật và lặng lẽ, ngay cả trong nội bộ Chính phủ Mỹ và Australia cũng không phải ai cũng biết. Nguyên nhân đàm phán bí mật như vậy là do bản chất nhạy cảm của công nghệ tàu ngầm hạt nhân, khả năng khiến Trung Quốc nổi giận và lo sợ thỏa thuận sẽ bị ảnh hưởng nếu rò rỉ ra bên ngoài.

Theo các quan chức, các cuộc đàm phán diễn ra ở cấp chuyên viên hồi mùa xuân, rồi vấn đề được trình lên trong một cuộc họp giữa Tổng thống Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề Hội nghị G7 hồi tháng 6.

Lúc đó, không có thông tin nào được tiết lộ công khai về thỏa thuận tàu ngầm, mặc dù Nhà Trắng cho biết rằng trong cuộc gặp bên lề G7, bộ ba nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng bối cảnh chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đang thay đổi và có lý do mạnh mẽ để làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chiến lược giữa ba chính phủ.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán, thỏa thuận tàu ngầm giữa Pháp và Australia không được đưa ra. Kể cả trong các cuộc gặp sau đó giữa quan chức Mỹ và Pháp, thỏa thuận trên cũng không được nhắc tới cho dù hợp đồng mua tàu ngầm Australia của Pháp có ý nghĩa quan trọng với Pháp.

Mãi tới tuần này Mỹ mới chính thức thông báo với Pháp về thỏa thuận với Anh và Australia (được gọi là AUKUS) sau khi đã chốt vào tháng trước.

Các bên vẫn còn tranh cãi về thông báo liên quan AUKUS. Đại sứ Pháp tại Mỹ Philippe Etienne cho biết chính phủ Pháp mãi tới ngày AUKUS được thông báo mới hay biết. Phía Mỹ thì nói họ thông báo cho Pháp tại một sự kiện tại Nhà Trắng chiều 15/9, trước khi thỏa thuận được chính thức hóa. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết có các cuộc đối thoại với Pháp trong vòng 24-48 tiếng trước khi công bố AUKUS.

Chú thích ảnh
Đại sứ Philippe Etienne. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng có một nguồn tin nói rằng Nhà Trắng đã gọi điện cho ông Etienne ngày 15/9, vài giờ trước khi ông Biden thông báo về thỏa thuận cùng với lãnh đạo Australia và Anh trong một buổi lễ trực tuyến.
Một quan chức Mỹ nói rằng phía Mỹ giả định rằng Australia sẽ thông báo cho Pháp về thay đổi trong kế hoạch mua tàu ngầm và phản ứng quá mức của Pháp khiến một số người ở Nhà Trắng ngạc nhiên.

Trước đó, Australia, Mỹ và Anh công bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo quy định của AUKUS, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết các tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Giới chức Mỹ nhấn mạnh các tàu ngầm trên sẽ không được triển khai với vũ khí hạt nhân, song sẽ cho phép Hải quân Australia hoạt động yên tĩnh hơn, trong thời gian dài hơn, cùng khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của yêu cầu đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong dài hạn”. Thủ tướng Anh Boris Johnson coi đây là một quyết định quan trọng đối với Australia để có được công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Theo người đứng đầu Chính phủ Anh, đây sẽ là một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (ảnh) cho biết nước này đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia để bày tỏ sự phản đối, "do tính nghiêm trọng đặc biệt của tuyên bố AUKUS". Ảnh: AP/TTXVN

Ngay sau khi AUKUS được công bố, Thủ tướng Australia Morrison xác nhận nước này sẽ chấm dứt thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Pháp. Nhà thầu quốc phòng Naval Group của Pháp đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định trên của Australia bởi tuyên bố của Thủ tướng Morrison có nguy cơ làm tiêu tan hợp đồng trị giá hàng tỷ euro của Naval Group với Australia về việc đóng mới 12 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Attack.

Giới phân tích cho rằng AUKUS mà Mỹ, Anh và Australia vừa công bố có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Australia và Trung Quốc. Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã chỉ trích AUKUS, đồng thời cho rằng Washington, London và Canberra nên “từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ”. 

Triều Tiên sau đó cũng cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đồng thời cam kết có hành động phản ứng nếu thỏa thuận này có tác động xấu tới an ninh của mình. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/9 dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao cho hay: “Đây là những hành động cực kỳ nguy hiểm và không được mong đợi, sẽ tác động xấu tới cân bằng chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kích hoạt chạy đua vũ trang hạt nhân”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Leo thang tranh cãi giữa Pháp và Ausrtralia quanh vụ hủy hợp đồng tàu ngầm
Leo thang tranh cãi giữa Pháp và Ausrtralia quanh vụ hủy hợp đồng tàu ngầm

Việc Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp trị giá hàng chục tỉ USD sau khi thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) chính thức ra đời khiến quan hệ giữa Canberra và Paris leo thang căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN