“Tôi không hối tiếc trước việc ra quyết định đặt lợi ích quốc gia của Australia lên trước hết” - đó là cách Thủ tướng Scott Morrison đáp trả chỉ trích của Pháp - nước cho rằng mình bị “qua mặt” trong việc hình thành AUKUS.
Sau khi ra tuyên bố thành lập AUKUS, cả Mỹ và Anh đều lên tiếng xoa dịu Pháp. “Tổng thống Joe Biden đánh giá cao liên minh với Pháp và mong thảo luận vấn đề AUKUS với Tổng thống Emmanuel Macron, tìm kiếm hướng giải quyết”, giới chức Nhà Trắng thông báo vắn tắt cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước. Về phần mình, Thủ tướng Anh Borris Johnson bay tỏ quan điểm không muốn gây khó với Pháp khi tham gia ký kết AUKUS.
Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ khiến Pháp nguôi tức giận. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian miệt thị vai trò của Anh trong vụ thành lập AUKUS và chỉ trích Anh là nước theo đuổi “chủ nghĩa cơ hội thường trực”. Nhưng đến thời điểm này, Pháp vẫn chưa có hành động mạnh tay là triệu hồi đại sứ ở Anh về nước, như cách Pháp làm với Mỹ và Australia.
Thủ tướng Johnson một lần nữa bày tỏ quan điểm mềm mỏng, xoa dịu trước bình luận của Ngoại trưởng Le Drian. “Tình yêu của chúng tôi dành cho nước Pháp không thể mất đi. Thỏa thuận AUKUS không phải là hình thức bên thắng, bên thua và nó cũng không phải là một nhóm nhỏ đặc quyền. Tôi không nghĩ ai đó cần phải lo ngại về vấn đề này”, ông Johnson phát biểu ngày 19/9 khi tới New York dự phiên họp phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76.
Australia hôm 15/9 cho biết nước này đã hủy hợp đồng trị giá khoảng 36 tỉ USD, đặt mua 12 tàu ngầm thông thường của Pháp, hoàn thiện và chuyển giao trong thời hạn 5 năm. Với AUKUS, Australia sẽ được Mỹ và Anh hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây lắp để có được ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân. Động thái này khiến Paris tức giận. Một quan chức ngoại giao Pháp cho biết chính quyền Tổng thống Macron chỉ được thông báo ý định của Canberrea vào sáng ngày 15/9.
Ông Morrison phủ nhận cáo buộc “không thật lòng” với chính phủ Pháp khi ký AUKUS kèm theo điều khoản mới nhất về tàu ngầm hạt nhân. Theo ông, Canberra đã gửi đề nghị tới phía Pháp để sửa đổi, điều chỉnh hợp đồng, do lo ngại sâu sắc rằng tàu ngầm tấn công thông thường của Pháp cung cấp theo thỏa thuận ban đầu không còn đáp ứng được lợi ích chiến lược của Australia. “Pháp hiểu rõ mọi chuyện, chúng tôi nói rất rõ rằng mọi quyết định đưa ra đều dựa trên lợi ích chiến lược của Australia”, ông Morrison phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/9.
Ngoại trưởng Pháp Le Dorian đến đây vẫn chưa buông xuôi. Ông khẳng định Australia đã dối trá, “đi hai mang”, vi phạm nghiêm trọng lòng tin. “Có vấn đề, mâu thuẫn phải được làm rõ giữa Pháp và Australia. Điều này không có gì là sai cả. Nó cho thấy có một cuộc khủng hoảng”, ông Le Dorian lên tiếng.
Giới chức Pháp cho biết Paris đã liên tục yêu cầu Australia nêu phản hồi về việc có thay đổi hợp đồng đóng tàu, từ tàu ngầm thông thường chuyển sang tàu ngầm hạt nhân hay không. Nhưng mọi đề nghị đều rơi vào im lặng. Tại cuộc gặp hôm 24/6 vừa qua, cơ quan chức năng Australia mới đặt ra câu hỏi: Liệu tàu ngầm tấn công thông thường đặt mua của Pháp có còn phù hợp với “môi trường đang biến chuyển và xấu đi” hay không?
Nguồn tin từ Pháp cho biết đó là toàn bộ phản hồi của Australia. Không hề có bất kỳ yêu cầu nào của Canberra với Paris về chuyển hợp đồng từ tàu ngầm thông thường sang tàu ngầm hạt nhân. Phía Australia cũng không hề có bất cứ động thái nào mang tính đánh động, chuyển vấn đề từ tham vấn song phương sang tham vấn có cả Anh và Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết phiên bản tàu ngầm của Pháp không tốt bằng phiên bản của tàu ngầm Mỹ, Anh đang hoạt động. Cũng có lo ngại về chi phí gia tăng cũng như trì hoãn thời gian trong thỏa thuận ký với Pháp.
Tuy nhiên, giới chức và đại diện các tập đoàn của Pháp kịch liệt phản đối quan điểm cho rằng những vấn đề về khả năng tác chiến là lý do để giải thích cho quyết định hủy hợp đồng của Canberra, bởi mọi khúc mắc về điểm này đã được giải quyết từ hồi đầu năm nay.