“Một nhát dao sau lưng”, đó là cách Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả việc Australia xé bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá h 65 tỉ USD với nước này, thay vào đó là thoả thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ.
Tháng 6 năm nay, Australia đã phát tín hiệu rằng họ đang tìm kiếm một lối thoát cho hợp đồng khủng với Pháp, được ký vào năm 2016 với công ty DCNS (nay là Naval Group) để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện Barracuda.
Trả lời một ủy ban của Thượng viện về các vấn đề với dự án, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Greg Moriarty cho biết: "Tôi thấy rõ rằng chúng ta đang gặp phải những thách thức... trong 12-15 tháng qua”. Ông Moriarty cho biết chính phủ đã xem xét các lựa chọn của mình, bao gồm cả những gì họ có thể làm nếu "không thể tiếp tục" thỏa thuận với Pháp.
Trước đó, vào tháng 4, chính phủ Australia đã từ chối ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo của dự án tàu ngầm Pháp, cho Naval Group hạn đến tháng 9 này để tuân thủ các yêu cầu. Ngoài ra, có những thông tin cho rằng từ đầu năm nay Canberra đã tìm cách “duỗi” khỏi thoả thuận với Pháp.
Dưới đây là những lý do Australia muốn rút khỏi hợp đồng và điều gì có thể xảy ra tiếp theo - theo trang Politico.
An ninh mạng
Rắc rối bắt đầu xảy ra gần như ngay lập tức sau khi Canberra chọn nhà thầu Pháp thay vì ứng viên từ Đức và Nhật Bản vào tháng 4/2016.
Tháng 8 năm đó, trước khi thỏa thuận được chính thức ký kết nhưng sau khi nó được công bố, công ty DCNS (Naval Group) thừa nhận họ đã bị tấn công mạng, khiến 22.000 tài liệu liên quan đến khả năng chiến đấu của các tàu ngầm Scorpene đang được đóng ở Ấn Độ bị rò rỉ, làm dấy lên lo ngại về an ninh đối với dự án của Australia.
Bộ Quốc phòng Australia đã cảnh báo nhà chế tạo tàu ngầm rằng họ muốn dự án của mình được bảo vệ ở cấp cao nhất.
Và trong khi các chính trị gia từ Đảng Tự do trung hữu cầm quyền của Australia tìm cách hạ thấp tác động của vụ tấn công mạng nhằm vào tàu ngầm Barracuda, phe đối lập đã nhảy vào, đưa ra một số tiết lộ và kêu gọi đình chỉ các cuộc đàm phán với công ty Pháp.
Ngân sách cạn kiệt
Mặc dù vậy, cuối năm đó, Australia đã ký thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước này với DCNS, nhằm chế tạo 12 tàu ngầm diesel thông thường Shortfin Barracuda Block 1A.
Canberra được cho là đặc biệt quan tâm đến gói thầu của Pháp vì khả năng chuyển đổi tàu ngầm Barracuda từ động cơ diesel sang năng lượng hạt nhân - công nghệ vốn coi là “chất độc chính trị” sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, nhưng chính phủ Australia tin rằng nó có thể trở nên dễ dàng hơn trong thời gian gần đây.
Dự án trên dự kiến tiêu tốn 50 tỷ đôla Australia - AUD (36,4 tỉ USD). Nhưng con số này kể từ đó đã tăng gần gấp đôi. Ở lần tính toán gần đây nhất, thoả thuận chế tạo các tàu Barracuda dự kiến có chi phí khoảng 90 tỉ AUD (65,5 tỉ USD).
Đó mới là chi phí khi chưa tính phí bảo trì. Từ tháng 11/2019, Bộ Quốc phòng đã báo cáo với một uỷ ban Thượng viện là Canberra sẽ phải chi 145 tỉ AUD (105,5 tỉ USD) trong suốt thời gian hoạt động của đội tàu ngầm Barracuda.
Và đó vẫn chưa phải là tất cả. Australia khẩn cấp cần tàu ngầm mới để thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins đã cũ, dự kiến “nghỉ hưu” vào năm 2026. Nếu không có tàu ngầm, Australia có thể rơi vào trạng thái nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Nhưng chiếc tàu ngầm Barracuda đầu tiên lại không thể được bàn giao cho đến tận năm 2035 hoặc muộn hơn, khi hoạt động chế tạo dự kiến kéo dài đến những năm 2050.
Để tránh khoảng trống đó, chính phủ Australia đầu năm nay tuyên bố sẽ đóng mới hoàn toàn 6 chiếc tàu ngầm lớp Collins với chi phí hàng tỉ đô-la.
Trì hoãn các mốc thời gian
Một số trì hoãn cũng khiến dự án tàu ngầm bị đình trệ, Bộ quốc phòng Australia và Naval Group đã phải gia hạn nhiều mốc lớn trong hợp đồng.
Vào năm 2018, chính phủ Australia đã rất tức giận về việc trì hoãn ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược quan trọng về các tranh chấp liên quan đến bảo đảm và chuyển giao công nghệ, đến mức Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Christopher Pyne được cho là đã từ chối gặp Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Florence Parly và các giám đốc điều hành Naval Group khi họ đến thăm Australia. Thỏa thuận cuối cùng được ký kết vào tháng 2/2019.
Vấn đề việc làm
Nhưng có lẽ điểm mấu chốt chính trong thương vụ đã bị huỷ bỏ là bất đồng về sự tham gia của ngành công nghiệp địa phương.
Khi công bố thỏa thuận với Pháp vào năm 2016, Thủ tướng Australia khi đó là Malcolm Turnbull nhấn mạnh các tàu ngầm Barracuda sẽ được chế tạo ở Australia, với 90% đầu vào là từ trong nước và duy trì 2.800 việc làm tại địa phương. Đây được xem như một nỗ lực để hỗ trợ chính phủ của ông trước cuộc bầu cử diễn ra vài tuần sau đó.
Nhưng lời hứa về hàng nghìn việc làm cho người Australia và lợi ích cho ngành công nghiệp địa phương đã sớm tan biến. Năm 2020, Naval Group điều chỉnh con số 90% đầu vào địa phương xuống còn 60%. Đến năm 2021, công ty của Pháp xoá bỏ điều khoản này với lý do ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của Australia vẫn chưa phát triển.
"Kế hoạch B"
Rõ ràng là thỏa thuận tàu ngầm Pháp- Australia đã gặp khó khăn trong nhiều năm. Vậy điều gì đã khiến Canberra đến lúc này chính thức rút khỏi.
Nói một cách đơn giản, thì họ cần một giải pháp thay thế khả thi, như Bộ trưởng Quốc phòng Moriarty đã khéo trình bày trước Thượng viện vào tháng 6: "Tôi sẽ không gọi đó là Kế hoạch B, tôi muốn nói là lập kế hoạch dự phòng thận trọng”.
Tham gia AUKUS, một liên minh mới giữa Australia – Mỹ - Anh sẽ giúp ba nước chia sẻ thông tin và công nghệ dễ dàng hơn, đồng thời mở đường cho Canberra sở hữu những chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên. Thủ tướng Scott Morrison hôm 16/9 cho biết, các tàu ngầm mới sẽ được đóng ở Adelaide, "với sự hợp tác chặt chẽ của Anh và Mỹ”.
Rõ ràng là Paris không hài lòng với Australia, họ còn tức giận hơn với Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian cho biết động thái này gợi nhớ đến người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Điều khiến tôi quan tâm cũng là hành vi của người Mỹ. Quyết định không đoán được, đơn phương và tàn bạo này dường như rất giống với những gì ông Trump từng làm. Các đồng minh không làm vậy với nhau. Điều đó là không thể chấp nhận”.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo
Thượng nghị sĩ Australia, Rex Patrick, một người chỉ trích dữ dội dự án tàu ngầm với Pháp, phát biểu với truyền thông địa phương rằng Canberra đã chi khoảng 2 tỷ AUD cho dự án. “Sẽ có một khoản chi phí để thoát ra. Nhưng chi phí để làm điều đó cơ bản là ít hơn đáng kể với việc tiếp tục theo đuổi”, ông Patrick nói với ABC.
Ngoại trưởng Le Drian đã chỉ ra rằng Paris sẽ chống lại động thái của Canberra: “Chuyện này vẫn chưa kết thúc. Chúng ta có hợp đồng. Người Úc cần cho chúng ta biết cách họ rút khỏi nó. Chúng ta sẽ cần lời giải thích. Chúng ta có một thỏa thuận liên chính phủ được ký kết rất sôi nổi vào năm 2019, với các cam kết chính xác, kèm theo các điều khoản; làm thế nào để họ rút khỏi nó? "
Vào năm 2017, chính phủ Australia đã tiết lộ các điều khoản của một trong các hợp đồng với Naval Group, theo đó Canberra hoặc công ty Pháp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng "khi khả năng thực hiện thỏa thuận của một bên bị ảnh hưởng cơ bản bởi các sự kiện, hoàn cảnh hoặc vấn đề đặc biệt. ''
Liệu sự chậm trễ, chi phí vượt mức và những cam kết bị huỷ bỏ có dẫn đến "sự kiện ngoại lệ" như vậy hay không, dường như đây là một câu hỏi dành cho các tòa án.
Nếu Canberra quyết định rút, thì hợp đồng đã quy định: "Các bên sẽ tham khảo ý kiến để xác định xem có thể tìm thấy điểm chung để cho phép tiếp tục Thỏa thuận hay không. Nếu không tìm thấy điểm chung nào trong vòng 12 tháng, việc chấm dứt sẽ có hiệu lực sau 24 tháng kể từ khi nhận được của thông báo ban đầu để chấm dứt”.
Thời điểm đó dường như trở nên rõ ràng với thông báo của liên minh AUKUS: Các nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ làm việc trong 18 tháng tới để tìm ra cách tốt nhất cung cấp công nghệ cho các tàu ngầm hạt nhân mới của Australia – công nghệ mà cho tới nay Mỹ mới chỉ chia sẻ cho quốc gia duy nhất trên thế giới là Anh.