Theo quyết định mới nhất, việc hoàn tất nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa dự kiến sẽ lùi đến năm 2030 thay vì 2028 như dự kiến. Theo phát ngôn viên Cơ quan kiểm soát phóng xạ và hạt nhân Ai Cập Karim al-Adham, dự án không thể hoàn thành trước năm 2030 do những gián đoạn mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Ông Adham cho biết việc khởi công dự án sẽ bị chậm lại thêm một năm, để các nhà quản lý có thêm thời gian nghiên cứu, cấp phép, cho thi công vào giữa năm 2022. Trước đó, những giấy phép thủ tục này dự kiến sẽ được cấp trong nửa cuối năm nay. Ông Adham từ chối chia sẻ thông tin về lý do dẫn đến việc trì hoãn này, chỉ nói chung chung dịch bệnh làm chậm một số quy trình.
Năm 2015, Ai Cập đã ký thỏa thuận với tập đoàn Rosatom của Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất 4,8 gigawatt, với tổng mức đầu tư lên tới 30 tỉ USD, trong đó 85% (25 tỉ USD) là vốn vay từ Nga. Tuyên bố lui thời điểm khởi công, khánh thành nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa được đưa ra đúng thời điểm quan hệ Nga-Ai Cập gặp khúc mắc mới, với việc Cairo không hài lòng trước quan điểm của Moskva về GERD, vốn là điểm đối đầu nóng bỏng hiện nay giữa Ai Cập và một số nước hạ nguồn sông Nile với Ethiopia.
Tranh chấp kéo dài đẩy các bên đưa GERD ra thảo luận tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong ngày 8-9/7 vừa qua. Tại đây, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói rằng đập thủy điện do Ethiopia xây dựng là mối đe dọa hiện hữu, gây nguy cơ chặn nguồn nước đối với Ai Cập. Tunisia cũng cùng tiếng nói với Cairo, yêu cầu phải định ra được một thỏa thuận do quốc tế làm trung gian xử lý vấn đề nguồn nước trên sông Nile.
Nhưng Moskva không chia sẻ quan điểm này. Phát biểu tại phiên tham vấn, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya bày tỏ quan ngại của Moskva trước những tuyên bố, phát biểu mạnh miệng mang tính đe dọa về GERD. Cách tiếp cận của Nga là một nhân tố khiến Hội đồng bảo an đi tới kết luận không muốn tạo ra một nghị quyết có tính tiền lệ về vấn đề liên quan đến nguồn nước. Đến ngày 19/7, Ethiopia ra thông báo đã hoàn tất việc trữ nước cho hồ chứa tại GERD được xây dựng trên sông Nile Xanh, nhánh chính của sông Nile vốn là nguồn cung cấp 90% nhu cầu nước của Ai Cập.
Ước muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ai Cập có từ năm 1955, khi tổng thống Gamal Abdel Nasser ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân vì mục đích hòa bình với Liên Xô. Hai nước sau đó ký hợp đồng xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở Ai Cập.
Nhưng đến khi Anwar Sadat lên làm Tổng thống Ai Cập vào năm 1974, triển vọng về dự án này biến mất do căng thẳng giữa Cairo và Moskva. Ông Sadat quay sang Mỹ, hai bên ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân vào năm 1976. Tuy nhiên, không có bất kỳ bước đi nào được triển khai sau đó.
Năm 2002, Tổng thống Mohammed Hosni Mubarak công bố kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hoàn tất trong 8 năm, thông qua hợp tác với Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án này cũng đổ bể do bất đồng về tính ổn định tại Dabaa – khu vực được lựa chọn đặt nhà máy. Năm 2009, Cairo mở đàm phán với công ty Worley Parsons của Australia. Nhưng mọi việc dừng lại khi chính biến ngày 25/1/2011 dẫn đến việc ông Mubarak bị lật đổ.
Kế hoạch một lần nữa sống lại, khi Tổng thống tạm quyền Adly Mansour năm 2013 tuyên bố Ai Cập sẽ có các bước đi cụ thể để khởi động nhà dự án nhà máy điện hạt nhân tại Dabaa. Đến ngày 19/11/2015, Nga và Ai Cập ký kết thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Dabaa. Phát biểu tại lễ ký được tổ chức tại Dinh Tổng thống Ittihadeya ở Cairo, Tổng thống Fatah al-Sisi phát biểu rằng nhà máy điện mới sẽ có bốn lò phản ứng thế hệ thứ ba và khẳng định đây là những lò phản ứng có công nghệ tân tiến nhất.
Tarek Fahmy - giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Cairo, cho rằng việc trì hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa chắc chắn có liên quan đến căng thẳng gần đây giữa Nga và Ai Cập. Không chỉ là quan điểm của Nga tại Liên hợp quốc liên quan đến GERD, Ethiopia và Nga hôm 12/7 còn ký thỏa thuận hợp tác quân sự sau phiên họp lần thứ 11 của Diễn đàn Hợp tác kỹ thuật Nga-Ethiopia.
Tuy nhiên, việc Nga ký thỏa thuận với Ethiopia cũng có thể là nhằm “cảnh tỉnh” Ai Cập, chuyên gia này nhìn nhận. Bởi Moskva gần đây nhận thấy rằng Cairo đặt Nga xuống hàng thứ hai sau Mỹ trong quan hệ đối ngoại. Ai Cập cũng là bên tham gia cuộc tập trận hải quân Gió biển (Sea Breeze) ở Biển Đen do Mỹ và Ukraine chủ trì hồi cuối tháng 6 vừa qua, bất chấp phản đối của Nga.