Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết TTK LHQ ủng hộ vai trò của Liên minh châu Phi (AU) làm trung gian hòa giải giữa các nước trên, đồng thời kêu gọi các bên không có bất kỳ hành động đơn phương nào có thể cản trở việc tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề này. Theo TTK LHQ, các bên cần phải cam kết một tiến trình đàm phán thực sự với thiện ý.
Ông Stephane Dujarric nhấn mạnh các giải pháp cho tranh cãi liên quan đập GERD cần dựa trên nguyên tắc công bằng, sử dụng hợp lý và trách nhiệm, không gây tổn hại nghiêm trọng.
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ sẽ thảo luận vấn đề đập GERD vào ngày 8/7 tới, sau khi Liên đoàn Arab (AL) đệ đơn yêu cầu giải quyết vấn đề này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ethiopia, ông Demeke Mekonnen, lên tiếng chỉ trích sự can thiệp của AL đối với vấn đề trên.
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, AL tuyên bố ủng hộ HĐBA can thiệp giải quyết tranh cãi về đập GERD, bất chấp việc Ethiopia khẳng định rằng các cuộc đàm phán phải được tiến hành theo một quy trình nhất quán do Liên minh châu Phi chủ trì.
Đập thủy điện GERD có chiều cao 145 mét và khả năng tích nước lên tới 74 tỷ m3. Dự án được xây dựng từ năm 2011 trên nhánh sông Nile Xanh, 1 trong 2 phụ lưu chính của sông Nile - vốn là nguồn cung cấp nước và điện thiết yếu cho hàng chục quốc gia ở Đông Phi. Quá trình tích nước đã bắt đầu từ năm ngoái, đạt 4,9 tỷ m3 vào tháng 7/2020 và Ethiopia dự kiến sẽ tích trữ thêm 13,5 tỷ m3 nước trong đợt tích nước thứ 2 này bất chấp sự phản đối của Ai Cập và Sudan.
Sudan và Ai Cập, hai quốc gia ở hạ nguồn sông Nile, đã đàm phán với Ethiopia từ một thập kỷ trước đây nhằm tiến tới một thỏa thuận về vấn đề trữ nước và vận hành đập GERD. Cả Khartoum và Cairo đều cho rằng nếu thiếu một thỏa thuận như vậy sẽ là mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước của hai nước này.
Tiến trình đàm phán giữa 3 nước đình trệ từ tháng 4 vừa qua do phía Ethiopia từ chối một số đề xuất của Sudan và Ai Cập về cơ chế đàm phán.