Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập ngày 12/6 dẫn lời Trợ lý Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Hossam Zaki, cho biết cuộc họp trên sẽ diễn ra bên lề cuộc họp tham vấn giữa các ngoại trưởng Arab vào ngày 15/6.
Cuộc họp bất thường được tiến hành vài ngày sau khi Ai Cập và Sudan kêu gọi các nỗ lực phối hợp của cộng đồng quốc tế nhằm giúp đạt được giải pháp cho cuộc khủng hoảng liên quan đến đập GERD khi các quan chức hai nước gặp nhau tại Khartoum để tham vấn về vấn đề này.
Trước đó ngày 11/6, Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập Mohamed Abdel Aty nói rằng cách thức hiện nay mà Liên minh châu Phi (AU) thực hiện nhằm bảo trợ cho các cuộc đàm phán giữa Cairo, Khartoum và Addis Ababa về đập GERD sẽ không thể dẫn đến một bước đột phá nào, đồng thời kêu gọi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc tham gia vào nỗ lực hòa giải giữa các bên. Ông Abdel Aty cho rằng "sự không khoan nhượng" của Ethiopia đã khiến các cuộc đàm phán trong 10 năm qua bị đình trệ.
Ai Cập và Sudan đã tiến hành đàm phán với Ethiopia trong gần một thập kỷ qua để hướng tới một thỏa thuận toàn diện và có tính ràng buộc về pháp lý liên quan đập GERD, mà Addis Ababa bắt đầu triển khai xây dựng trên sông Nile Xanh vào năm 2011.
Căng thẳng đã leo thang trong thời gian gần đây giữa các nước hạ nguồn và Ethiopia về kế hoạch trữ nước đợt hai cho GERD. Ethiopia có kế hoạch tích 13,5 tỷ mét khối nước trong đợt trữ nước lần hai cho hồ chứa của đập GERD vào tháng 7/2020, bất chấp sự phản đối của Ai Cập và Sudan.
Việc Ethiopia từ chối một số đề xuất của Ai Cập và Sudan về cơ chế đàm phán, bao gồm cả vai trò hòa giải của cộng đồng quốc tế, đã dẫn đến sự sụp đổ của các cuộc đàm phán Kinshasa do AU bảo trợ vào tháng 4/2021.
Trong những tuần qua, Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã sử dụng các kênh ngoại giao để thông báo cho các đối tác khu vực và quốc tế về lập trường của mình, cũng như những diễn biến mới nhất của các cuộc đàm phán.
Ai Cập cảnh báo rằng việc trữ nước lần hai cho đập GERD sẽ dẫn đến những căng thẳng trong khu vực cũng như gây ra bất ổn ở Đông Phi và vùng Sừng châu Phi. Với dân số hơn 100 triệu người, Ai Cập phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước ngọt từ sông Nile.
Trong khi đó, Sudan lo ngại GERD sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đập Roseires của nước này và khiến cuộc sống của 20 triệu dân Sudan đối mặt với nhiều rủi ro, nếu các bên không đạt được thỏa thuận về việc tích nước và vận hành đập GERD.
Sudan cảnh báo nước này sẽ có hành động pháp lý nếu Ethiopia tiến hành kế hoạch trữ nước đợt hai cho GERD vào tháng 7 mà không đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý.