SUNA cho biết, bà Naledi Pandor, Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế của Nam Phi - quốc gia đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch AU - đã bày tỏ tiếc nuối về những bế tắc không thể tháo gỡ tại cuộc đàm phán. Bộ trưởng Naledi Pandor cho biết bà sẽ chuyển vấn đề này tới Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa để xem xét các biện pháp cần thiết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước của Sudan Yasir Abbas cho biết Sudan không thể tiếp tục đàm phán mà không có thỏa thuận. Ông Yasir Abbas nhấn mạnh Sudan "không thể tiếp tục với vòng luẩn quẩn đàm phán vô định và không có kết quả, vì một khi đập Đại Phục Hưng đi vào tích nước và hoạt động sẽ đe dọa trực tiếp Đập Roseires của Sudan do khả năng trữ nước của đập Roseires ít hơn 10% so với khả năng trữ nước của đập GERD".
Sudan đã gửi kháng nghị mạnh mẽ tới Ethiopia và AU - trung gian bảo trợ các cuộc đàm phán liên quan đập GERD - về lá thư của Bộ trưởng Thủy lợi Ethiopia gửi tới AU, Sudan và Ai Cập ngày 8/1 vừa qua, trong đó thông báo ý định của Ethiopia tiếp tục tích nước cho đập GERD từ ngày 2/7/2021 bất kể 3 bên có đạt được thỏa thuận hay không.
Các nhà đàm phán Sudan cho rằng các cuộc đàm phán liên quan GERD không nên chỉ giới hạn ở cấp Bộ trưởng Thủy lợi mà cần phải thảo luận ở cấp nguyên thủ 3 nước và mở rộng đến AU để đạt được sự đồng thuận chính trị.
Ethiopia bắt đầu xây dựng đập GERD năm 2011. Dự kiến khi hoàn thành, GERD sẽ là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, với khả năng sản xuất 6.000 MW điện. Ai Cập và Sudan - hai quốc gia nằm ở hạ lưu sông Nile, phụ thuộc vào nguồn nước do sông này cung cấp - lo ngại đập nước này ảnh hưởng tới nguồn cung cấp khoảng 55,5 tỉ m3 nước mỗi năm.