Động lực phát triển kinh tế Nam Trung Bộ khi có thêm 150 km cao tốc

Hai dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm (dài gần 50 km) và Vĩnh Hảo – Phan Thiết (dài hơn 100 km) sẽ được Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác ngày 19/5.

Chú thích ảnh
Các biển báo, hướng dẫn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Khi hai tuyến đường này được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển bằng đường bộ từ TP Hồ Chí Minh ra Khánh Hòa sẽ được rút ngắn đáng kể. Từ đây sẽ tạo ra những thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và phát triển các khu công nghiệp, thương mại. Các chuyên gia nhìn nhận đây là động lực phát triển kinh tế không chỉ của hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa mà còn cả vùng kinh tế Nam Trung Bộ.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN, những ngày này, trên công trường 2 dự án, các nhà thầu đang dốc toàn bộ lực lượng công nhân để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng như lắp biển chỉ dẫn, sơn kẻ vạch đường, lắp hộ lan…

Theo ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải), ngày 19/5, dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ chính thức thông xe, vượt tiến độ 3 tháng.

Với chiều dài gần 50 km, dự án đi qua huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), với tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm kết nối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tạo thành “xương sống” các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, kéo theo sự phát triển của bất động sản, du lịch xung quanh cũng như các ngành kinh tế - xã hội.

Nhìn nhận ý nghĩa kinh tế - xã hội khi dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác, một lãnh đạo UBND tỉnh Khách Hòa cho hay, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2023) có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa.

Cao tốc này cùng với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đầu năm 2024 sẽ giúp kết nối với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ thuận lợi hơn. Từ đó, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, du lịch của địa phương thời gian tới.

Chú thích ảnh
Theo thiết kế, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết giai đoạn 1 có  quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, không có làn dừng khẩn cấp. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Trong khi đó, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, khởi công tháng 9/2020, tổng vốn đầu tư 11.500 tỷ đồng (do Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư), nối tiếp cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dài 100 km). Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trên tuyến có 5 nút giao kết nối các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Từ các nút giao này, các phương tiện có thể đi các huyện ở Bình Thuận hoặc đi Ninh Thuận, Lâm Đồng, qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng của các địa phương.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban Quản lý dự án 7) cho biết, theo thiết kế, vận tốc khai thác toàn tuyến là 80km/giờ, nếu chạy xe hết từ đầu tuyến đến cuối tuyến chỉ mất khoảng 1 giờ 15 phút. Tất cả các công việc còn lại trên tuyến chính cao tốc sẽ được hoàn thành trong ngày 18/5.

Là người dân sống gần dự án, anh Đặng Tất Thành (trú tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ, trước đây khu vực ông sống toàn đồng ruộng, núi đá, cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi đường cao tốc xây dựng, tuyến đường dẫn cao tốc hình thành, các tuyến đường ngang kết nối được đầu tư mở rộng giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đang dần được thuận lợi.

Là một địa phương được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông phát triển, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khánh thành ngày 29/4 vừa qua và ngày 19/5, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tiếp tục được đưa vào khai thác sẽ giúp đoạn đường cao tốc qua Bình Thuận tương đối hoàn chỉnh (khoảng 160,3 km đi qua tỉnh).

 Điều này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Bình Thuận trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các dự án cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh thành trong nước đến Bình Thuận, thậm chí cả quốc tế, mở ra cơ hội lớn thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam dự báo, lưu thông trên tuyến cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đi Phan Thiết (Bình Thuận) và Nha Trang (Khánh Hòa), 2 địa điểm du lịch nổi tiến sẽ tăng lên đáng kể vì giao thông thuận lợi hơn, qua đó thúc đẩy hoạt động của ngành công nghiệp “không khói”. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại khu vực này cũng sẽ tiết kiệm từ 20-30% chi phí gồm: chi phí xăng dầu, khấu hao… Từ đó, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa...

Ban Điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm cho biết, mặc dù lễ khánh thành tạm hoãn nhưng nhà đầu tư đã hoàn tất hầu hết công việc và vẫn sẵn sàng đưa 2 dự án vào khai thác.

Ngày 18/5, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thông tin, từ 10h ngày 19/5/2023, hai dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ chính thức đưa vào khai thác, vận hành.

Về phương án tổ chức giao thông trên 2 tuyến cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cho hay, trên cơ sở phương án tổ chức giao thông tạm thời đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, các phương tiện giao thông sẽ được phép lưu thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc theo các quy định cơ bản như: đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô; người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc. Đồng thời, xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với đó, người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định như: không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu; giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Khi bắt buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải di chuyển vào điểm dừng xe khẩn cấp, có các cảnh báo nguy hiểm và thông báo đường dây nóng để được hỗ trợ...

Các phương tiện được phép lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định: trước mắt, phương tiện lưu thông trên tuyến chưa phải trả phí dịch vụ đường bộ…

Quang Toàn (TTXVN)
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết trước ngày thông xe
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết trước ngày thông xe

Chỉ còn 1 ngày nữa, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài 100,8km đi qua tỉnh Bình Thuận sẽ đưa vào khai thác. Đến hiện tại, tuyến chính đã đủ điều kiện thông xe, phục vụ người dân đi lại từ 19/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN