Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Hiện, Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị định về điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Nghị định này cũng quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm: Nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Các trường hợp không thuộc đối tượng của Nghị định này như sau: Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Về chính sách, Nghị định này quy định điện mặt trời mái nhà nếu đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, Dự thảo nghị định quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mái nhà mặt trời tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng. Nội dung này thực hiện theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII.
Theo ông Tô Xuân Bảo, điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Nội dung này, Dự thảo quy định Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Nội dung này thực hiện theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu để dự thảo các quy định về trình tự, thủ tục đơn giản nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện và đảm bảo được sự quản lý của các cơ quan liên quan trong quá trình phát triển Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Góp ý về nội dung này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, tiềm năng Điện mặt trời mái nhà của Việt Nam là rất lớn. Hầu như các hộ lắp Điện mặt trời mái nhà đều có nhu cầu mua điện, ngoài phần tự phát, nhu cầu nối lưới là hợp lý, tự nhiên. Việc không chấp nhận cho Điện mặt trời mái nhà đấu nối làm cho các hệ thống Điện mặt trời mái nhà phải lắp bộ chống phát ngược (zero export) dẫn đến lãng phí xã hội, đồng thời tạo ra nhiều bất lợi về kỹ thuật và khả năng vận hành lâu dài của các hệ thống Điện mặt trời mái nhà.
“Khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản tự tiêu bán điện vào lưới, chúng tôi đồng tình với Bộ Công Thương về quy định “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng”, TS Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế-xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý.
PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường cơ khí Đại học Bách Khoa cũng nhất trí với chủ trương ủng hộ phát triển điện mặt trời mái nhà để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.
PGS Nguyễn Việt Dũng cho biết, về mặt kỹ thuật, ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.
“Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30 - 40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng có 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể nào điều độ được”, PGS Nguyễn Việt Dũng phân tích và thông tin thêm.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thảo luận, thống nhất nhận định là sự cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu. Nguyên nhân của nhận định này, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên. Thông qua việc phát triển điện mặt trời áp mái chúng ta có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc này sẽ giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.
Đặc biệt, việc khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và còn nhiều lợi ích khác.