Doanh nghiệp chuyển mình, tự thúc đẩy sản xuất để hồi phục khi dịch tạm lắng 

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm 2021, sẽ khiến việc đạt mục tiêu tăng trưởng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp đã tranh thủ, tận dụng từng giờ, từng phút để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, với mong muốn đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm

Có mặt tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc phòng) những ngày này, phóng viên báo Tin tức được chứng kiến khí thế làm việc khẩn trương song hành với công tác phòng dịch nghiêm ngặt. Tất cả công nhân đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp về phòng, chống dịch  COVID-19, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn trước khi vào làm việc và trong suốt quá trình hoạt động.

Bà Trần Thị Bích Duyên, Phó giám đốc kinh doanh Công ty 76 cho biết, là doanh nghiệp dệt may chuyên xuất khẩu các loại túi trong siêu thị sang các nước châu Âu, Trung Đông…nên năm 2020, hoạt động của công ty cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vào thời điểm đầu bùng dịch, các đơn hàng bị hoãn, hủy nhiều, công ty đã nhanh chóng dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất cũ, chuyển hướng sang may khẩu trang và đồ bảo hộ y tế để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, công ty vẫn tăng trưởng trên 10%, tiền lương công nhân tăng 26% trong năm 2020.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Một thành viên 76.

“Đầu năm 2021 dịch cũng có những diễn biến phức tạp, nhưng nay đã ổn định hơn, nên công ty tranh thủ từng giờ để sản xuất, đáp ứng đơn hàng của khách hàng. Đến tháng 3/2021, công ty nhận đơn sản xuất 89 triệu sản phẩm như túi, lều cắm trại… xuất khẩu, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 300%. Hiện nay công ty đã có đủ đơn sản xuất đến hết quý 4/2021 và đang chuẩn bị kế hoạch cho năm 2022 với 3 khách hàng chính là Amazon, Ikea Thụy Điển và khách hàng Pháp”, bà Duyên cho biết.

Bên cạnh bán các mặt hàng truyền thống như trước đây, công ty cũng chuyển sang sản xuất các mặt hàng mới như sản phẩm dạng hộp cho hãng Amazon để đựng và vận chuyển hàng online. Cùng với đó, chuyển hướng đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thay vì chỉ xuất khẩu như trước đây. Hiện nay, các đơn hàng trong nước đã tăng lên đáng kể và hình thức bán hàng online đang được công ty tận dụng tốt.

Cũng từng gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19, trong năm 2020, doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên đã giảm khoảng 5% so với năm 2019. Tuy nhiên, đầu năm 2021, khi tình hình dịch có những tín hiệu lạc quan hơn, đơn hàng cũng dần quay trở lại với May Hưng Yên. Hiện doanh nghiệp này đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2021, tập trung vào thị trường Mỹ (trên 50%), châu Âu, Nhật Bản.

Đại diện công ty cho biết, dự kiến năm 2021, doanh nghiệp sẽ cố gắng tăng khoảng 5-10% đơn hàng, bù lại cho thiếu hụt năm 2020 và tăng nhẹ so với năm 2019.

Video đại diện doanh nghiệp chia sẻ về nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh sản xuất trong 2021.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn căng thẳng, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn đang suy giảm nhu cầu tiêu dùng, thì sự chuyển biến của nhà sản xuất trong việc đáp ứng các mã hàng quần áo thông dụng, giá vừa phải sẽ đánh trúng nhu cầu khách hàng. Nhờ đi đúng hướng mà giai đoạn nửa cuối năm 2020, ngành dệt may đã có đơn hàng thông suốt và hiện nay các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021.

Đặc biệt, những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Ngay từ khi ra Tết, các doanh nghiệp đều tích cực tổ chức sản xuất để đảm bảo cung cấp đơn hàng cho khách đúng hẹn.

Chuyển hướng kinh doanh online và hướng về nội địa

Cũng rơi vào cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) chuyên xuất khẩu gốm sứ Bát Tràng cũng buộc phải cho công nhân nghỉ việc khi đơn hàng bị giãn, hủy vào đầu năm 2020. Nhưng ngay sau đó, công ty đã chuyển hướng sang bán hàng online thay vì cách làm truyền thống trước kia, thì đơn hàng đã có đều trong năm 2020. Cùng với chuyển đổi phương thức kinh doanh, công ty cũng thay đổi chiến lược, mở rộng thị trường nội địa để giúp công nhân có công ăn việc làm.

Bà Trịnh Linh Giang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết: “Đầu năm 2021, công ty cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhà máy của công ty đặt tại Đông Triều (Quảng Ninh), do ảnh hưởng của dịch nên nhà máy phải đóng cửa nghỉ sớm trước Tết gần 1 tuần. Ngay sau Tết, khi dịch đã được kiểm soát, chúng tôi bắt tay sản xuất sớm hơn kế hoạch 4 ngày để đáp ứng đơn hàng của khách”. 

Chú thích ảnh
Khách xem hàng tại cơ sở bán hàng của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.

Bà Giang cho biết thêm, hiện nay công ty đã có đủ đơn hàng ổn định đến hết quý 2/2021, tuy nhiên cũng chưa dự đoán được tương lai vì hiện nay còn nhiều khó khăn trong xuất khẩu. “Chúng tôi đặt mục tiêu năm 2021 giữ mức xuất khẩu năm 2020 là 2,5 – 2,7 triệu USD, nhưng chắc chắn sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được mục tiêu này. Do dịch COVID-19 nên chi phí logistic tăng 7-10 lần, nhiều khách cắt giảm đơn hàng do không chịu được chi phí, vừa tuần trước công ty có đơn hàng 40.000 USD bị hủy vì chi phí logistic lên cao”, bà Giang cho hay.

Đánh giá chung về nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cùng với những chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua, các doanh nghiệp đã và đang có những chuyển đổi thích ứng với tình hình mới hiện nay. 

Trên thực tế, điều này rất quan trọng, bởi tự cứu mình mới là giải pháp lâu dài và bền vững với doanh nghiệp, thay vì trông chờ vào các gói cứu trợ, việc hỗ trợ bằng cách chính sách như giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất... của Nhà nước. Khi đã tìm được con đường đi cho mình, thì bất cứ khó khăn nào cũng không thể khiến doanh nghiệp chùn bước hay cản trở được tốc độ tăng trưởng của họ.

Tuy nhiên, hiện tại cũng mới chỉ là cách làm của từng doanh nghiệp riêng lẻ, và mọi sự chuyển đổi cũng mới chỉ là bước đầu. Theo ông Vũ Tiến Lộc, để có thể phát triển bền vững, thời gian tới, doanh nghiệp cần cơ cấu lại doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh mới, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cần thay đổi, coi trọng thị trường trong nước. "100  triệu dân của Việt Nam là thị trường đủ lớn cho các doanh nghiệp chú trọng. Cùng với đó, hình thành chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt, chứ không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và cần đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bài, ảnh, clip: Thu Trang/Báo Tin tức
Đối tượng doanh nghiệp nào được đề xuất gia hạn tiền thuế, thuê đất năm nay? 
Đối tượng doanh nghiệp nào được đề xuất gia hạn tiền thuế, thuê đất năm nay? 

Bạn đọc hỏi: Số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn năm 2021 được Bộ Tài chính tính toán khoảng 115.000 tỷ đồng. Vậy đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được thụ hưởng chính sách này trong bối cảnh COVID-19 vẫn phức tạp?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN