Sáng 20/5, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cùng một số cơ quan chuyên môn đã đến các vùng nuôi tôm hùm bị thiệt hại để chỉ đạo khắc phục cũng như lên phương án ứng phó với sự cố tôm hùm, cá chết hàng loạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ yêu cầu ngành thuỷ sản, UBND thị xã Sông Cầu khẩn trương tìm nguyên nhân làm tôm hùm, cá hàng loạt; khuyến cáo người nuôi thu hoạch đối với các loại tôm hùm, cá nuôi đã đến chu kỳ thu hoạch nhằm giảm thiệt hại.
Bên cạnh đó, UBND các xã, phường có vùng nuôi thủy sản được yêu cầu tiếp tục triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt; đồng thời, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn.
Sáng ngày 20/5, ghi nhận của phóng viên TTXVN, người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu vẫn đang tiếp tục đưa tôm hùm bị chết vào bờ. Các hộ nuôi tôm khác đang "đứng ngồi không yên" lo cho các lồng nuôi tôm của gia đình.
Theo nhiều ngư dân ở xã Xuân Thịnh, tôm hùm vừa thả nuôi cho đến đủ tuổi xuất bán đều chết. Không chỉ có tôm hùm mà cá mú, cá bớp, cá chim, cá dìa cũng chết hàng loạt.
Riêng tại vùng nuôi tôm hùm tại xã Xuân Thịnh, mặc dù, thống kê chưa đầy đủ nhưng đã có 25 tấn tôm hùm xanh của 95 hộ nuôi bị chết. UBND thị xã Sông Cầu đã yêu cầu các xã, phường còn lại khẩn trương thống kê số lượng thiệt hại thủy sản nuôi của các hộ dân.
Với các loại cá vừa chết, bà con vớt bán với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg. Với tôm hùm lớn, loại 2-3 con/kg vừa chết bán với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg (giá bán này chỉ bằng 1/3 giá tôm sống). Riêng các loại tôm hùm kích cỡ nhỏ, giá bán chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg...
Theo Chi cục thuỷ sản Phú Yên nguyên nhân ban đầu khiến tôm hùm, cá chết hàng loạt tại thị xã Sông Cầu là do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa dông trong những ngày qua dẫn đến môi trường nước bị thay đổi.