Để đảm bảo đáp ứng kịp thời nguồn cát cho các dự án giao thông, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng song song đó, việc khai thác cát biển cũng cần phải thận trọng nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.
Chậm tiến độ do thiếu cát san lấp
Cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 - 2025 cho bốn dự án cao tốc, gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Nếu tính tổng nhu cầu cát san lấp của cả bốn dự án cao tốc kể trên là xấp xỉ 54 triệu m³, chưa kể nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các dự án khác do địa phương làm chủ đầu tư.
Mặc dù, trữ lượng vật liệu cát sông được các địa phương xác định và cơ bản bố trí đủ nguồn, tuy nhiên, công suất khai thác và cung ứng chưa đáp ứng nhu cầu vật liệu theo tiến độ triển khai các dự án, vì trường hợp tăng công suất khai thác quá mức sẽ dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng tới đời sống xã hội trong vùng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn đang chậm sau hơn một năm triển khai thi công. Hiện, sản lượng đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cát san lấp nền đường. Các nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục cầu, đường công vụ, cầu tạm bù lại tiến độ phần đường.
Đối với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hiện cũng cần khoảng 29 triệu m³ cát. Các địa phương xác định nguồn cung là 18,5 triệu m³ và đã hoàn thành việc cấp bản xác nhận khai thác 11,8 triệu m³, đủ điều kiện khai thác 5,9 triệu m³ và còn thiếu khoảng 10,5/29 triệu m³. Hiện, công suất cung ứng trung bình cho dự án chỉ đạt 12.000 m³/ngày, nếu khai thác toàn bộ các mỏ được cấp sẽ đạt 17.000 m³/ngày.
Nối đôi bờ hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, dự án cầu Rạch Miễu 2 hiện triển khai thi công 6/6 gói thầu. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dù gặp nhiều khó khăn nhưng việc thi công phần cầu đáp ứng tiến độ; phần đường chậm khoảng 5 - 7 tháng, chủ yếu do công tác bàn giao mặt bằng còn nhiều vướng mắc và khó khăn về nguồn cát san lấp. Tổng khối lượng tập kết cát toàn dự án đến nay đạt 642.000 m³ (80%), còn lại khoảng 160.000 m³ cát, các nhà thầu đang tiếp tục huy động,…
Là hai tỉnh nằm đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang và Đồng Tháp có trữ lượng cát sông lớn nhất trong vùng, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu nguồn cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh An Giang, khó khăn hiện tại là nguồn cát sông ngày càng khan hiếm nhưng chưa có vật liệu để thay thế hoặc chia sẻ để phục vụ san lấp cho các công trình giao thông, cao tốc trọng điểm; đồng thời, chưa có phương pháp xác định chính xác sản lượng từng khu mỏ, để tính toán khối lượng đã khai thác, trữ lượng còn lại của khu mỏ (hiện nay chỉ thực hiện thông qua đo vẽ hiện trạng).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, tổng nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình đầu tư công của tỉnh trong năm 2024 là khoảng 10 triệu m³. Tuy nhiên, dự kiến đến đầu tháng 9/2024 mới có nguồn cát để cung ứng cho công trình, nhưng cũng chỉ có thể cung ứng tối đa khoảng 3 triệu m³ cát, đáp ứng hơn 30% so với tổng nhu cầu. Do nguồn cung ứng cát san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng tiến độ thực hiện của các dự án.
Sử dụng cát biển với cam kết bảo vệ môi trường
Theo Bộ Giao thông vận tải, qua khảo sát có 4 nguồn vật liệu có thể cung cấp cho các dự án, gồm: Nguồn từ các mỏ sông tại Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn vật liệu từ hoạt động nạo vét, nguồn vật liệu cát biển và nguồn cát thương mại nhập khẩu từ Campuchia.
Thực tế, nguồn từ các mỏ sông: tỉnh Tiền Giang có khoảng 40 triệu m³ từ 35 mỏ, tỉnh Bến Tre có tổng trữ lượng khoảng 15 triệu m³ từ 6 mỏ cát thuộc kế hoạch đấu giá năm 2024, tỉnh An Giang có khoảng 2,5 triệu m³. Nguồn vật liệu từ hoạt động nạo vét các dự án do địa phương quản lý, tỉnh An Giang dự kiến có khoảng 2 triệu m³, tỉnh Bến Tre có trữ lượng khoảng 10 triệu m³. Riêng 12 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm do các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý, dự kiến có khoảng 27 triệu m³. Về cát biển, tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 145 triệu m³.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các thủ tục giao mỏ cát biển để sớm khai thác làm vật liệu cho dự án Cần Thơ - Cà Mau nói riêng và các dự án giao thông. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre,… phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng kế hoạch triển khai các dự án, ưu tiên cung ứng các dự án có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025. Các tỉnh xem xét cấp thêm mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù để tăng công suất khai thác đủ cung ứng theo tiến độ thi công.
Mới đây, trong buổi làm việc với các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, về sử dụng cát biển tại Sóc Trăng cho các dự án, Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác; hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, phương án khai thác trình UBND tỉnh Sóc Trăng.
UBND tỉnh Sóc Trăng hiện đã có văn bản chấp thuận lập hồ sơ, thủ tục đăng ký, khai thác cát biển theo cơ chế đặc thù hai khu vực mỏ và có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét giao khu vực biển cho nhà thầu khai thác theo thẩm quyền. Dự kiến cát biển sẽ được khai thác trong tháng 5/2024 này.
Cũng tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần phải tìm nguồn vật liệu để thay thế cát sông đang khan hiếm, đưa vào khai thác và sử dụng cát biển để san lấp những khu vực thuận lợi đối với các dự án trọng điểm. Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký nhu cầu cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp bù đắp cho nguồn cát sông còn thiếu.
"Một số địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long cần nghiên cứu phương án nạo vét các bãi bồi, cồn cát đang làm cản trở dòng chảy trên các sông, nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến dân cư, công trình hạ tầng, để bổ sung nguồn cát san lấp...", Phó Thủ tướng gợi mở.
Theo các chuyên gia môi trường, khai thác cát biển, kinh nghiệm toàn cầu chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng với việc khai thác cát ngoài khơi vì sự ổn định của bờ biển, xói mòn và các vấn đề về mất da dạng sinh học. Nhiều nước đã cấm khai thác cát ngoài khơi. Hơn nữa, cát biển phải được rửa mặn trước khi sử dụng nếu không sẽ gây ăn mòn bê tông. Trong bối cảnh hơn 68% bờ biển đang đối mặt với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu trầm tích sông cho các bờ biển, việc khai thác cát biển cần được nghiên cứu và đánh giá thận trọng.